Tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng từ sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu
Mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, sáp nhập và đặt tên bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh Sơn La tổ chức quán triệt đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị, đồng thời các cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh; HĐND tỉnh đã thông qua Đề án sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; Các cấp chính quyền đã xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai rất cụ thể, chi tiết, rõ việc, rõ trách nhiệm; Phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là sự vào cuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị.
Chủ trương sắp xếp, sáp nhập bản đã nhận được sự đồng thuận của đại đa số cử tri, nhân dân và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập bản vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, như: việc ổn định hoạt động của bản sau sáp nhập còn chậm; thực hiện chế độ, chính sách còn bất cập; công tác kiện toàn, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở bản sau sáp nhập chưa đạt tiến độ.
Qua 6 đợt sắp xếp, sáp nhập từ năm 2019 đến nay, tỉnh Sơn La thực hiện sắp xếp, sáp nhập 1.997 bản thành 920 bản. Toàn tỉnh giảm từ 3.324 bản xuống 2.247 bản, giảm được 1.077 bản, tiểu khu, tổ dân phố, ); giảm khoảng 10.000 người hoạt động không chuyên trách và người hưởng mức hỗ trợ; tiết kiệm kinh phí, ngân sách khoảng 106 tỷ đồng/năm. Qua đó giúp chính quyền cấp xã quản lý ít đầu mối hơn; Giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, số người hưởng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; Đồng thời qua sáp nhập các bản đã tạo điều kiện để điều chỉnh tăng mức phụ cấp, bồi dưỡng theo lộ trình.
Nhiểu giải pháp thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, các xã, phường, thị trấn chia sẻ kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập bản; kinh nghiệm xây dựng đề án, lựa chọn đặt tên bản, tiểu khu; những cách làm hay trong tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận với chủ trương. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những đặc thù, khó khăn, vướng mắc của địa phương; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, sáp nhập bản và việc liên quan sau sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại hội nghị, Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh việc triển khai sắp xếp, sáp nhập là việc lớn, việc rất khó, cần sự quan tâm lãnh, chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong giai đoạn 2023 - 2025, đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt để cử tri, Nhân dân và các tổ chức, cá nhân đồng thuận. Tiếp tục thực hiện việc kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách và thành lập các tổ chức ở bản theo quy định. Thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở bản khi thôi đảm nhiệm chức danh.
Tập trung chỉ đạo xử lý và giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh còn tồn tại sau khi sáp nhập bản. Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; Đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các bản sau khi sáp nhập.
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen 29 tập thể, 34 cá nhân có nhiều thành tích trong sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu, tổ dân phố.