Chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi
Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh động vật, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh động vật.
Yên Châu, một trong những địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn. Theo báo cáo, hiện nay địa phương này có trên 84.000 con gia súc các loại, dầu năm 2024, dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 45 hộ, thuộc 16 bản của 7 xã, làm 301 con lợn mắc bệnh; bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 6 hộ, thuộc 4 bản của 2 xã, làm 7 con bò bị mắc bệnh. Tổng số vật nuôi chết và tiêu hủy là 306 con, trọng lượng trên 12 tấn.
UBND huyện Yên Châu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thành lập đoàn công tác, phối hợp với UBND các xã lấy mẫu bệnh phẩm, xử lý ổ dịch, hướng dẫn phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêu hủy động vật mắc bệnh; tổ chức kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc ra, vào địa bàn. Cùng với đó, rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ liều theo quy định; phân bổ vắc xin và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Ông Phạm Văn Thảnh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu, cho biết: Năm 2024, huyện được phân bổ trên 34.000 liều vắc xin, gần 880 lít hóa chất phục vụ phòng, chống các loại dịch bệnh. Đến nay, toàn huyện đã triển khai tiêm gần 30.000 liều, đạt 85,8%. UBND các xã cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện của bệnh, nghi bị bệnh để báo cáo chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, đặc biệt tại các xã vùng cao, biên giới.
Còn tại huyện Mộc Châu, hiện có tổng đàn gia súc hơn 82.000 con và gần 363.000 con gia cầm; chăn nuôi trở thành một trong những hướng đi phát triển kinh tế, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Để duy trì và phát triển đàn vật nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân áp dụng các quy trình kỹ thuật vào chăn nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, như: Vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng; thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho đàn vật nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường.
Các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã thống kê số lượng đàn vật nuôi; cung ứng đầy đủ các loại vắc xin, thuốc khử trùng, dụng cụ phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không tuân thủ các quy định của pháp luật có thể là nguồn lây của dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Mộc Châu, thông tin: Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản, kế hoạch về công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiêm phòng các loại vắc xin vụ xuân - hè được trên 49.000 liều; vận động xã hội hóa trên 4.000 liều vắc xin tiêm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi; cấp 384 lít hóa chất, vật tư phòng, chống dịch bệnh cho các địa phương phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch và các hộ xung quanh.
Sơn La phát triển đàn vật nuôi bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định; đàn bò đạt 398.258 con, tăng 2%, trong đó đàn bò sữa ước đạt 27.695 con, tăng 2,1%; đàn trâu ước đạt 111.036 con, đàn lợn ước đạt 576.483 con, tăng 2,5%; đàn gia cầm ước đạt 8.251 nghìn con, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 562 tấn, tăng 1,4%; sản lượng sữa tươi ước đạt 7,325 tấn; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 5.887 tấn, tăng 6%.
Đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tỉnh Sơn La tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng tập trung; theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi, phát hiện sớm gia súc bị bệnh, thông báo kịp thời để có biện pháp cách ly, điều trị; quản lý chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật... hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Sơn La đang bảo vệ tốt đàn vật nuôi. Số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn ngày càng tăng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân, thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương.