dd/mm/yyyy

Sơn La: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Sơn La đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên để bảo đảm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Clip: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều hộ khó khăn ở Sơn La đã được hưởng chính sách hỗ trợ

Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Quàng Văn Chiến, bản Luống Mé, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) rất khó khăn, do không có vốn phát triển kinh tế. Nhận thấy đất đai rộng, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Bằng nguồn vốn của gia đình, cộng với số tiền vay từ NHCSXH huyện, ông Chiến đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản.

"Gia đình nuôi bò được hơn 5 năm nây, lúc đầu vay vốn từ NHCSXH huyện và dồn hết tiền mua được 2 con bò giống sinh sản. Sau 1 năm chăm sóc, 2 con bò đã sinh sản lứa bê đầu. Hiện gia đình duy trì nuôi từ 15 đến 18 con bò sinh sản. Mỗi năm tôi đã xuất bán 5 con bê và 4 con bò trưởng thành thu được 140 triệu đồng, ước tính lãi hơn 100  triệu đồng ". Ông Chiến nói.

Sơn La: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình ông Quàng Văn Chiến, bản Luống Mé, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, dân tộc thiểu số chiếm 90%. Nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ về xóa đói, giảm nghèo như diện mạo nông thôn xã những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; hàng năm xã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm theo từng năm.

ông Hoàng Văn Khù, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Nhờ có chủ trương, chính sách của tỉnh, của huyện, đời sống của bà con có sự thay đổi và phát triển đáng kể, đỡ khó khăn hơn so với các năm trước, nhiều hộ đã có của ăn của để.

Sơn La: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Nuôi trâu, bò nhốt chuồng đang là hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại xã Chiềng Động, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Lừ Văn Chung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Toàn huyện có 14 xã, 1 thị trấn, trong đó có 7 xã khu vực III, 91 bản đặc biệt khó khăn, 9 xã được thụ hưởng Chương trình 135. Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 và lồng ghép với các chương trình khác, huyện Yên Châu đã hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi, đường giao thông, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, lớp học... vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, huyện đã hỗ trợ hơn 290 nghìn cây giống cây ăn quả, hơn 7.600 con giống các loại và gần 100 tấn phân bón cho 2.423 hộ.

"Chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên đã đồng hành cùng bà con trong lao động, sản xuất, từ đó giúp người dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã từng bước tạo tiền đề cơ bản để các địa phương có những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới", ông Chung nói

Sơn La: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ. Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng đã và đang triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó tập trung hỗ trợ các chính sách về kinh tế, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục....

Gia đình chị Hoàng Thanh Tình, Bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn (Sơn La) rất khó khăn, do không có vốn phát triển kinh tế. Thông qua Hội Phụ nữ, chị được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để chăn nuôi bò nhốt chuồng và nuôi gà… do chăm sóc tốt cộng với sự cần cù, thu nhập tăng dần đến nay đã đạt gần 50 triệu đồng, kinh tế gia đình ổn định.

"Gia đình tôi mới ra ở riêng được 4 năm, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, từ sau khi tham gia là hội viên hội phụ nữ, được tổ tiết kiệm vay vốn giới thiệu vay vốn ngân hàng chính sách được 50 triệu. sau khi được vay vốn gia đình tôi đã đầu tư vào mua 3 con bò, để nuôi. Trong thời gian tới gia đình tôi mong muốn tiếp tục được vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình" chi Tình nói.

Sơn La: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Ảnh: Văn Ngọc

Nâng cao hiệu quả hỗ trợ bà con dân tộc ở Sơn La

Trao đổi với phóng viên, bà Hà Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội liên Hiệp Phụ nữ Huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Hiện nay, dư nợ ủy thác vay vốn ưu đãi NHCSXH huyện Mai Sơn (Sơn La) qua Hội phụ nữ các cấp đạt trên 152 tỷ đồng với gần 4.336 hộ vay. Để công tác quản lý vốn vay hiệu quả, các cấp hội thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Qua đánh giá, các hộ đều phát huy hiệu quả nguồn vốn vay trong phát triển kinh tế như trồng rừng, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Có thể nói nhiều năm qua, Hội Phụ nữ các cấp đã làm tốt vai trò trách nhiệm của mình, thật sự là cầu nối tín dụng thiết thực cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.

Sơn La: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

Tỉnh Sơn La tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đầu tư xây dựng hạ tầng miền núi, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lường Văn Toán, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Các chính sách đó được cụ thể hóa đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho bộ mặt vùng dân tộc phát triển toàn diện. Cơ sở hạ tầng nhất là đường, điện, giao thông, thủy lợi, trường lớp học và các công trình phúc lợi khác được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm dần từ 3 đến 5%/năm.

Sơn La: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 7.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: Văn Ngọc

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, tỉnh Sơn La  sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh