Clip: Nâng tầm vóc cà phê Sơn La
Cây cà phê đem lại cuộc sống ấm no cho nông dân
Phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, nâng tầm thương hiệu cà phê Sơn La, từng bước chiếm lĩnh thị trường tiềm năng trong và ngoài nước... đó là định hướng của tỉnh Sơn La, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị cây cà phê trong thời gian tới.
Hơn 30 năm gắn bó với cây cà phê, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La luôn trăn trở tìm giải pháp nâng cao giá trị cho cây trồng này. Ông Thao chia sẻ: Từ những năm 1990 - 1994, chúng tôi là những hộ, những nông dân đầu tiên của tỉnh Sơn La trồng cà phê theo chính sách của cây xoá đói giảm nghèo. Nhưng lúc đó cà phê sản xuất ra không có thương hiệu, bị thương lái ép giá, rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Từ năm 2017 chúng tôi thành lập HTX để gây dựng thương hiệu cho cây cà phê Sơn La. Đến nay chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu Cà phê Bích Thao Sơn La với nhiều sản phẩm đặc trưng.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đến nay, HTX đã trồng được 150 ha cà phê đặc sản. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ. Hướng đi này là "đòn bẩy" giúp HTX có những sản phẩm chất lượng cao, như: cà phê bột nguyên chất, trà quả cà phê... chinh phục được thị trường khó tính. Trong đó Cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao là sản phẩm duy nhất của tỉnh Sơn La thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia năm 2021.
"Chúng tôi đã định hướng từ năm 2017, 2018 khi được chuyển giao công nghệ của viện khoa học và bộ nông nghiệp, chuyển sang trồng cà phê hữu cơ, đến nay đã trồng 150 ha cà phê đặc sản, giống ... này kháng được bệnh, thích nghi môi trường hiện tại, năng suất cao, giá trị cao hơn", ông Thao nói.
Các sản phẩm OCOP của HTX Cà phê Bích Thao đã lên kệ ở nhiều hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu. Để chinh phục được các thị trường khó tính, HTX đã chú trọng quy trình, đảm bảo các tiêu chí nghiêm ngặt từ trồng, chăm sóc, thu hái quả và chế biến. Hiện nay, sản phẩm OCOP 5 sao của HTX đã được đưa sang triển lãm ở Ý, Nhật, được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Vừa rồi HTX cũng xuất cà phê sang thị trường Anh và Đức. Năm nay, dự kiến sản lượng cà phê của HTX khoảng 4.000 tấn. Lượng cà phê xuất khẩu từ trước đến nay luôn chiếm 90 - 95% trong tổng sản lượng, trị giá 15 - 20 tỷ đồng
Còn đối với Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La cũng là một trong những đơn vị sản xuất cà phê chất lượng cao từ những hạt cà phê Arabica của Sơn La. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua và chế biến khoảng 20.000 tấn cà phê tươi. Khi xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Sơn La, công ty đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ về cây cà phê ở đây. Theo đó, Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê arabica lớn, tuy nhiên do một số yếu tố về sản xuất và canh tác, chất lượng cà phê chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi vậy, để nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu cà phê Sơn La, công ty đã tập trung khắc phục những điểm này.
Ông Vũ Ngọc Huy, cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La chia sẻ: Công ty sản xuất dòng cà phê chất lượng cao là cà phê Blue Sơn La, nên nguyên liệu cà phê chất lượng cao rất quan trọng. Từ năm 2018 khi thành lập nhà máy, công ty đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu; thực hiện các chương trình liên kết với bà con nông hộ để xây dựng được vùng nguyên liệu; tư vấn, phát triển cho bà con về kỹ thuật canh tác.
Sơn La tập chung nâng tầm thương hiệu cà phê
Trao đổi với phóng viên, Ông Vương Hồng Hải, Chủ tịch Hội cà phê Sơn La cho biết: Sau hơn 30 năm phát triển cây cà phê, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với khoảng 17.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/ năm. Đặc biệt, từ năm 2017, cà phê Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ, khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La" cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; trở thành những sản phẩm đặc sản vùng miền, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Cùng với phát triển bền vững cây cà phê, tỉnh Sơn La đã có những định hướng, mục tiêu vả giải pháp chiến lược để nâng tầm thương hiệu, nâng cao hơn nữa giá trị cây cà phê.
Cũng theo ông Hải, để phát triển cà phê trên địa bàn, tỉnh Sơn La đã lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác cây cà phê; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và dịch vụ phục vụ sản xuất cà phê; Hiện trạng về sản xuất an toàn; Xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La. Đưa một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường xuất khẩu để phục vụ trồng lại, trồng tái canh cà phê. Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như: Cà phê hữu cơ; RA, cà phê 4C và chứng nhận tương đương, sản xuất cà phê đặc sản,… theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
"Định hướng của Sơn La là tập trung vào phát triển cà phê đặc sản, chất lượng cao, do đó tập trung vào khâu giống, canh tác và đặc biệt là khâu chế biến cho đảm bảo đúng về quy trình nâng cao chất lượng cà phê. Để nâng tầm thương hiệu cà phê thì 1 trong những giải pháp của tỉnh là tập trung vào sản xuất cà phê sạch, cà phê chất lượng cao và hỗ trợ cho khâu quảng cáo tiếp thị sản phẩm và giữ vững được thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý của sơn la, là cái ghi danh cà phê Sơn La là đặc sản vùng miền có chất lượng tốt so với toàn quốc", ông Hải nói.
Từ "sứ mệnh" xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La; nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.