Vượt khó khăn, thử thách xây dựng nông thôn mới
Bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh Sơn La có 188 xã với xuất phát điểm thấp. Năm 2011, số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá mới đạt 1,61 tiêu chí/xã, các tiêu chí chưa đạt là: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm, hộ nghèo, thu nhập... Sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 40,1%. Đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn, thử thách lớn cần được tháo gỡ kịp thời, để đưa diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc và giàu đẹp.
Chia sẻ với PV, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết: XDNTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu toàn diện, tổng thể. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, tỉnh Sơn La đã ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời và có tính thực tiễn cao, tạo điều kiện cho các địa phương khai thác các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phát triển sản xuất.
Qua đó, góp phần cải thiện đời sống của người dân khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 34,4% (năm 2015) xuống còn 18,6% (năm 2020), bình quân giảm trên 3% một năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra...
Phát huy vai trò là chủ thể, người dân không chỉ tham gia hiến đất, góp tiền mặt, công lao động mà còn tự giác chỉnh trang nhà ở, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống. Tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2019 gần 29.000 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3.612 tỷ đồng.
Bằng sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, chương trình XDNTM đã đạt được những kết quả đáng mừng. Diện mạo nông thôn ở nhiều vùng đã "thay da đổi thịt", khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Đường, điện, nước sạch, trường học… được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần bảo đảm an sinh - xã hội và phát triển kinh tế, sản xuất ở khu vực nông thôn.
Là 1 trong những hộ dân hiến đất chung tay cùng chính quyền địa phương XDNTM, ông Lừ Văn Khâu, bản Mường Vạt (xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: "Khi xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, tôi đã hiến 300m2 đất vườn làm đường đi vào bản. Ngoài ra, tôi luôn tham gia đầy đủ các phong trào của bản, xã phát động. Tôi nghĩ mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm 1 chút, thì diện mạo nông thôn sẽ sạch đẹp và khang trang hơn. Cuộc sống sẽ sung túc và ấm cúng hơn".
XDNTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc
XDNTM chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, là 1 chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người dân. Để làm được điều đó, các huyện, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương để lựa chọn khâu đột phá có trọng tâm, trọng điểm, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của, đất đai cùng chung tay XDNTM giàu đẹp và văn minh.
Đến năm 2020, tỉnh Sơn La có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã. Thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ XDNTM và được công nhận là đô thị loại II; các huyện: Quỳnh Nhai, Phù Yên đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Với quan điểm "xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, số xã đạt chuẩn NTM là 83 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu đó, cùng với sự hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước, các địa phương cần rà soát lại các quy hoạch, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch sát với tình hình thực tế. Nhất là giải pháp hỗ trợ các bản ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, để từng bước hoàn thành tiêu chí XDNTM và giảm nghèo bền vững. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của tỉnh.
Theo ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La nhận định XDNTM trong thời gian tới, cùng với việc triển khai các tiêu chí cứng như: Đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, nước sạch... tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền XDNTM, phối hợp các đơn vị, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện nông thôn mới, chương trình OCOP. Đồng thời tổ chức rà soát, đánh giá lựa chọn, thẩm định đạt chuẩn khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, vườn mẫu; rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu... Từ chương trình nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân về XDNTM gắn với đô thị văn minh. Bà con nhân dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời hiểu rõ về lợi ích và quyền lợi trong việc tham gia XDNTM.
Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được đông đảo nhân dân các dân tộc tham gia hưởng ứng. Qua đó, góp phần làm cho diện mạo nông thôn mới của tỉnh Sơn La ngày thay da đổi thịt, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn trong thời gian tới.