Sơn La: Cung cấp nông sản an toàn về Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài
Trước khi cắt băng khởi hành đưa sản phẩm nhãn Sơn La về Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng giữa Công ty Cổ phần xuất ăn hàng không Nội Bài và Công ty Cổ phần dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam với Công ty Cổ phần BNC Nguyễn Trần tại Sơn La và các doanh nghiệp, hợp tác xã của Sơn La.
Theo nội dung ký kết, Sơn La sẽ cung cấp, tiêu thụ nông sản an toàn vào các suất ăn của Công ty Cổ phần xuất ăn hàng không Nội Bài và Công ty Cổ phần dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, khẳng định: Quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản nông sản Sơn La đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các điều kiện của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm nông sản của Sơn La.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cũng bày tỏ mong muốn mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, các đối tác quan tâm kết nối tiêu thụ sản phẩm xoài và nông sản trên địa bàn. Đồng thời, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân trong công tác thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm xoài nói riêng và các sản phẩm nông sản khác của tỉnh Sơn La nói chung. Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung các giải pháp để thực hiện việc liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp" để mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt tìm được đầu ra cho các sản phẩm.
Hiện tại Sơn La có 83 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao và 51 sản phẩm đạt 3 sao. Tiêu biểu như sản phẩm cà phê bột nguyên chất, chè Trọng Nguyên, mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược và hồng giòn sấy dẻo…
Trong năm 2021, Sơn La xuất khẩu trên 25.000 tấn sản phẩm trái cây, tăng gần 20% so với năm 2020. Trong đó, sản phẩm nhãn tham gia xuất khẩu đạt trên 3.900 tấn (gồm 156 tấn nhãn quả tươi, 3.745 tấn long nhãn). Giá trị sản phẩm nhãn tham gia xuất khẩu năm 2021 đạt trên 20 triệu đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu ở các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Anh và Hà Lan...
Năm 2022, Sơn La có khoảng 20.000 ha nhãn với sản lượng ước đạt trên 100.000 tấn. Các giống nhãn gồm: Nhãn lồng Hưng Yên, giống nhãn chín sớm (PH-S99-1.1, PH-S99-2.1, chín muộn (PH-M99-1.1, PH-M99-2.1) cho năng suất cao. Thời gian thu hoạch nhãn tập trung từ tháng 7 đến tháng 9. Dự kiến giá trị sản phẩm nhãn tham gia xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 7.350 tấn, ước khoảng 25 triệu đô la Mỹ.
Được thành lập từ năm 2016, HTX Phương Nam tại bản Co Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) có trên 100 ha diện tích cây ăn quả, trong đó 85 ha trồng nhãn ghép, 10 ha trồng xoài Đài Loan và 5 ha trồng chuối, bưởi da xanh, mận hậu. Với 57 ha nhãn ghép đã được cấp mã vùng trồng của Trung tâm kiểm dịch thực vật, Cục bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và 35 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là đơn vị có sản phẩm nông sản an toàn cung cấp về Công ty Cổ phần xuất ăn hàng không Nội Bài.
Anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam tại bản Co Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: HTX Phương Nam đang sản xuất cây ăn quả (nhãn, xoài…) theo tiêu chuẩn VietGAP và định hướng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trong quá trình chăm sóc, việc bón phân được HTX kiểm soát chặt chẽ. Khi phun thuốc BVTV, HTX tuân thủ giãn cách 20 ngày mới được phun đợt tiếp theo. Trước khi thu hoạch, HTX cũng dừng phun thuốc 30 ngày để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
"Sản xuất theo quy trình VietGAP, HTX chủ yếu sử dụng phân hữu cơ bón cho cây. Vì vậy, Ban giám đốc HTX đã nghiên cứu và tự sản xuất phân hữu cơ từ nguồn phế thải nông nghiệp trên địa bàn, như: Lõi ngô, chất thải chăn nuôi, mùn, mày ngô, trộn cùng với chế phẩm sinh học rồi ủ thành đống, lấy bạt đậy kín khoảng 60 - 80 ngày, khi đạt độ tơi xốp, không có mùi hôi sẽ bón cho cây ăn quả. Để giữ được phân, trước khi bón, các thành viên phải cuốc tạo lớp bờ xung quanh cây. Điều đặc biệt là khi sử dụng phân hữu cơ tự sản xuất, toàn bộ diện tích đất rất tơi xốp, giữ được nước nên cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt" anh Kiên nói.
Trước đó, vào cuối tháng 7, tỉnh Sơn La cũng đã khởi hành xuất khẩu lô nhãn 20 tấn quả tươi sang thị trường EU, Vương Quốc Anh và 8 tấn long nhãn sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tổ chức ký kết tiêu thụ sản phẩm nhãn huyện Sông Mã với các công ty, doanh nghiệp và các tỉnh.