Năm nay là năm thứ 2 Lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê VH6 tại xã Nậm Pung được huyện Bát Xát tổ chức để quảng bá sản phẩm cây lê và tôn vinh những người nông dân trồng lê.
Lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê VH6 tại xã Nậm Pung, huyện Bát Xát sẽ diễn vào ngày 22/6/2024. Tại sự kiện này sẽ diễn ra các hoạt động, như: Chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc đến từ các xã Mường Hum, Trung Lèng Hồ, Sàng Ma Sáo, Dền Thàng, Nậm Pung; tổ chức thi hái quả lê tại thôn Kim Chu Phìn 2, xã Nậm Pung, mỗi thôn của xã Nậm Pung thành lập một đội thi, với 2 người/đội, du khách tham dự Lễ hội sẽ đăng ký thi theo từng cặp đội.
Về hoạt động thi hoa hậu lê, tại mỗi vườn sẽ lựa chọn 1 quả lê to đẹp nhất được trang trí trong giỏ trưng bày để thi. Ban tổ chức lựa chọn, chấm điểm và trao giải. Bên cạnh đó, du khách, người dân còn được tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, lê tai nung và các sản phẩm nông sản địa phương. Đặc biệt là lễ trải nghiệm thu hoạch quả lê tại các thôn Kin Chu Phìn 1,2, xã Nậm Pung.
Cây lê VH6 được trồng tại xã Nậm Pung từ hơn chục năm nay. Lê được trồng nhiều ở khu vực thôn Kin Chu Phìn 1, 2 của xã Nậm Pung. Khí hậu thời tiết, đất đai tại Nậm Pung là những yếu tố thuận lợi cho cây lê sinh trưởng và phát triển, cho ra những trái lê chất lượng, giòn, thơm và căng mọng nước so với những khu vực khác.
Hiện nay, diện tích cây lê trên địa bàn xã Nậm Pung có 170 ha, trong đó, có gần 60 ha đã cho thu hoạch. Tính ra mỗi cây lê 5-7 năm tuổi có thể cho sản lượng 30-50 kg/cây, giá trị thu được khoảng 400 triệu đồng/ha. Cá biệt có những cây cho thu hoạch 70-80 kg/cây, giá trị đạt được trên 2 triệu đồng/cây.
Lê đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân vùng cao xã Nậm Pung xóa nghèo hiệu quả và làm giàu từ loại cây ăn quả này. Sản phẩm lê VH6 Nậm Pung cũng đang được trồng và chăm sóc với quy trình sản xuất hữu cơ an toàn bền vững, thân thiện với môi trường, hiện đã được tỉnh công nhân đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.
Đây là một trong những Lễ hội được trông chờ nhất năm, hứa hẹn thu hút khách du lịch khắp nơi trong và ngoài nước tới tham dự.
Đây cũng là dịp để du khách thập phương cùng người dân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi các sản phẩm, học hỏi kinh nghiệm giữa nông dân là đồng bào dân tộc với người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia để hợp tác, trao đổi thông tin, chuyển giao khoa học công nghệ mới, công nghệ cao; xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, phát triển các sản phẩm truyền thống dân tộc.
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số quảng bá sản phẩm nông nghiệp; thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối sản phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Thu hút khách du lịch tham gia trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời, giới thiệu đến du khách những nét văn hóa đặc sắc của huyện Bát Xát.
Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch huyện Bát Xát đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư và tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện; đa dạng hoá sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.