dd/mm/yyyy

Sâm Lai Châu: Cơ hội và thách thức

Lai Châu có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhiều dược liệu quý trong đó có Sâm Lai Châu.

Lai Châu có tiềm năng, lợi thế trong trồng và phát triển cây Sâm Lai Châu

Tỉnh Lai Châu được biết đến là 1 trong các tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn với trên 50%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Lai Châu có vị trí địa lý, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý hiếm, có thể nói là vựa dược liệu của vùng Tây bắc, đặc biệt là Sâm Lai Châu.

Diện tích có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để gây trồng Sâm Lai Châu lớn. Hiện nay, tỉnh đã triển khai rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000 ha phù hợp cho phát triển Sâm Lai Châu, trong đó có 17.000 ha rất thích hợp để phát triển loài dược liệu này.

Thị trường dược liệu hiện nay đang có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm từ Sâm trong đó có Sâm Lai Châu. Tỉnh Lai Châu có vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc, là một trong những thị trường tiêu thụ dược liệu lớn trên thế giới.

Sâm Lai Châu cơ hội và thách thức - Ảnh 1.

Lai Châu có vị trí địa lý, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý hiếm, có thể nói là vựa dược liệu của vùng Tây bắc, đặc biệt là Sâm Lai Châu. (Ảnh: laichau.gov.vn)

Hiện, cây Sâm Lai Châu đang được áp dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh như: chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, nông thôn; hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 1 lần 50% chi phí mua giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Năm 2013 Tiến sĩ Phan Kế Long cùng cộng sự đã phát hiện và công bố 1 loại sâm mới là Sâm Lai Châu. Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn đã chỉ ra cây Sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và Thế giới, mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Hàm lượng Saponin trong các mẫu Sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23% - 27%, hàm lượng Saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi; đặc biệt hàm lượng Majonosid- R2(MR2) chiếm 4-6%.

Sâm Lai Châu cơ hội và thách thức - Ảnh 2.

Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn đã chỉ ra cây Sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và Thế giới, mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Phạm Hoài)

Bên cạnh đó, cũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển Sâm Lai Châu ngày 12/11, ông Kim Suk Bum, Giám đốc Công ty BRIDIA tại Hồ Chí Minh đã nhận định, Sâm Lai Châu của Việt Nam là loại sâm chứa các thành phần rất tốt. Không giống như nhân sâm Hàn Quốc, sâm Lai Châu có chứa các Ginsenoside loại Ocotillol như Majornoside R1 (MR1), R2 (MR2) và Vina-ginsenoside R2 (VR2)… chiếm hơn 50% tổng hàm lượng. Vì vậy, trong các tài liệu nghiên cứu có thông tin cho rằng sâm Việt Nam có chứa nhiều Ginseroide tốt cho khả năng miễn dịch và chống oxy hóa hơn cả nhân sâm Hàn Quốc.

Khó khăn, thách thức trong phát triển Sâm Lai Châu

Mặc dù tỉnh Lai Châu có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển Sâm Lai Châu, nhưng việc phát triển loài dược liệu quý này cũng đang đặt ra những thách thức đối với tỉnh nhà.

Ông Ngô Tân Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sâm Pu Si Lung, Phó chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu cũng đã nêu ra những khó khăn, thách thức trong việc phát triển Sâm Lai Châu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển Sâm Lai Châu ngày 12/11.

Sâm Lai Châu: Cơ hội và thách thức - Ảnh 3.

Ông Ngô Tân Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sâm Pu Si Lung, Phó chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu nêu ra những khó khăn, thách thức trong việc phát triển Sâm Lai Châu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển Sâm Lai Châu ngày 12/11. (Ảnh: Phạm Hoài)

Các vùng có Sâm tự nhiên phân bổ và quy hoạch trồng Sâm trước đây đã bị khai thác nhiều, hiện nay chỉ có 1 số công ty, hộ dân trước đây đã thu mua, khai thác từ tự nhiên về bảo tồn ươm trồng, tuy nhiên số lượng không lớn, kỹ thuật còn hạn chế, yêu cầu cấp mã số vườn trồng theo quy định hiện hành lại không cho phép khai thác từ rừng tự nhiên mặc dù bà con đã thu mua, khai thác tự nhiên về vườn trồng từ rất lâu năm trước đây nhưng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp phù hợp thời điểm khai thác. Một số cây Sâm được bà con khai thác từ tự nhiên làm đối ứng trong các đề tài khoa học mặc dù đã thành công vì thế cũng không được công nhận hợp pháp, dẫn đến việc lưu hành, phát triển vườn trồng hợp pháp còn bất cập. Từ đó nguồn giống không phát triển mạnh và rộng được.

Về cơ sở hạ tầng, hiện nay toàn bộ các vùng bà con, doanh nghiệp đang trồng Sâm hoặc quy hoạch trồng Sâm đều ở độ cao từ 1.500 mét so với mực nước biển trở lên, ở các khu vực này chưa có thống giao thông kết nối. Nếu tiếp tục không có chính sách đầu tư đường giao thông thì khó có thể phát triển Sâm Lai châu thành vùng nguyên liệu hàng hóa.

Các khu vực trồng Sâm chủ yếu là bà con dân tộc ít người, trình độ còn hạn chế, đang quen tập quán canh tác lạc hậu không hiệu quả, vẫn còn tình trạng đốt nương cháy lan sang rừng, nếu không có phương án tuyên truyền, chuyển đổi cây trồng thì trồng Sâm cũng có nguy cơ mất trắng khi bị cháy rừng.

Nguồn Sâm lậu, Sâm giả kém chất lượng, từ bên ngoài tuồn vào địa bàn để chuyển đi các tỉnh khác tiêu thụ làm ảnh hưởng uy tín, giá trị Sâm Việt Nam nói chung và Sâm Lai Châu nói riêng.

Sâm Lai Châu cơ hội và thách thức - Ảnh 4.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang thiếu nguồn giống Sâm đảm bảo chất lượng, hợp pháp. (Ảnh: Phạm Hoài)

Cần có các đề tài nghiên cứu khoa học và thực tiễn để đưa ra đầy đủ các thành phần, hàm lượng Saponin theo năm tuổi; công dụng, liều dùng trên con người nhằm quảng bá, phát triển ngành chế biến sản phẩm Sâm Lai Châu đa dạng theo hướng hàng hóa phục vụ sức khỏe con người.

Để Sâm Lai Châu phát triển bền vững

Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích Sâm Lai Châu ngoài tự nhiên được quản lý, bảo tồn; đầu tư, xây dựng và phát triển 7 cơ sở sản xuất giống Sâm Lai Châu; đưa diện tích vùng trồng Sâm toàn tỉnh lên 3.000 ha trở lên; khuyến khích đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm Sâm Lai Châu được áp dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh Sâm Lai Châu được cấp mã số theo quy định. Giai đoạn 2031-2045, Lai Châu phấn đấu phát triển thêm 7.000 ha vùng trồng Sâm Lai Châu, đưa vùng trồng Sâm Lai Châu lên 10.000 ha.

Để phát triển bền vững cây Sâm Lai Châu trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn, hiệp Hội Sâm Lai Châu luôn đồng hành, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân, trong đó: nhà khoa học sẽ cung cấp các luận cứ khoa học kỹ thuật nuôi trồng, doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ chế biến, bao tiêu sản phẩm; người dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ hoặc góp đất, công lao động.

Sâm Lai Châu cơ hội và thách thức - Ảnh 5.

Tỉnh Lai Châu đã và đang xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho Sâm Lai Châu. (Ảnh: Phạm Hoài)

Khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận và tự nguyện giữa người có đất với người có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống, chế biến các sản phẩm gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm Sâm; đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ cây Sâm Lai Châu nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho Sâm Lai Châu; lập sàn thương mại và đẩy mạnh kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và trên các trang mạng xã hội chính thống để thúc đẩy thị trường, đẩy mạnh giao dịch giống, sản phẩm của Sâm Lai Châu; tạo lợi thế về mặt cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu.

Đầu tư, xây dựng hệ thống đường giao thông đến các vùng nguyên liệu trồng Sâm. Tăng cường công tác ngăn chặn nguồn Sâm lậu, Sâm giả kém chất lượng, từ bên ngoài tuồn vào địa bàn để chuyển đi các tỉnh khác tiêu thụ làm ảnh hưởng uy tín, giá trị Sâm Việt Nam nói chung và Sâm Lai Châu nói riêng.

Thanh Ngân - Phạm Hoài