dd/mm/yyyy

Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu

Chiều nay (12/11), UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu

Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu

Chủ trì buổi Hội thảo có: Tiến sỹ Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; Tiến sỹ Phạm Đình Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Nam Sơn, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV.

Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Chia sẻ kinh nghiệm, tiềm năng, triển vọng và khó khăn, thách thức cũng như giải pháp để phát triển sâm Lai Châu

Tham gia Hội thảo còn có khoảng trên 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, các Vụ, Viện thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng, các Sở, Ngành, địa phương trong tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ các tỉnh bạn; các Hội, Hiệp hội, các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm đến Sâm Lai Châu.

Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu - Ảnh 3.

Ông Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Trong Báo cáo đề dẫn “Khoa học và Công nghệ đánh thức tiềm năng phát triển Sâm Lai Châu” do đồng chí Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu trình bày đã một lần nữa nêu rõ về giá trị của Sâm Lai Châu cũng như tiềm năng, lợi thế của Lai Châu trong phát triển loài cây dược liệu quý hiếm này. Sâm Lai Châu là loài cây đặc hữu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Hàm lượng saponin trung bình khoảng từ 13,38 - 21,34%, đặc biệt hàm lượng majonosid-R2 (RM2) trong các mẫu sâm từ 5-13 tuổi là từ 2,56 - 7,78% và tăng dần theo số năm tuổi. Đây là loài cây bản địa, rất phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh.

Tham luận tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các Vụ, Viện, Hội, Hiệp hội, các Nhà khoa học đã trình bày các chuyên đề: Nghiên cứu phân loại Sâm ở Lai Châu; phát triển giống Sâm Lai Châu; kết quả nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc Sâm Lai Châu; giá trị dược học và giải pháp chế biến sản phẩm Sâm Lai Châu.

Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu - Ảnh 4.

Ông Lee Sang Shin, Tổng Giám đốc Công ty Viko Energy Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Hoài)

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tiềm năng, triển vọng và khó khăn, thách thức cũng như giải pháp để phát triển sâm Lai Châu vươn ra thị trường.

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển Sâm Hàn Quốc và giải pháp đưa sản phẩm sâm Lai Châu (Việt Nam) vươn xa, ông Lee Sang Shin, Tổng Giám đốc Công ty Viko Energy Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Sâm Hàn Quốc phát triển như ngày nay là được nghiên cứu rất kỹ từ các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về sâm. Chúng tôi nỗ lực để Việt Nam có sản phẩm chế biến sâu và nổi tiếng như dòng sản phẩm sâm Hàn Quốc. Để sâm Lai Châu nói riêng và sâm Việt Nam nói chung phát triển bền vững thì cần 3 sự đồng hành của Chính phủ, phòng nghiên cứu về sâm và người nông dân. Nếu có sự cộng hưởng từ 3 đối tác đó mới có được sản phẩm thành công.

Tuy nhiên, muốn tạo ra sản phẩm mang thương hiệu riêng, điều quan trọng nhất đó là sản phẩm sâm Lai Châu cần nghiên cứu, tìm cách đăng ký thương hiệu theo mã quốc tế và có chính sách quảng bá hình ảnh, marketing. Lai Châu có trong tay sản phẩm chất lượng sâm tốt hơn các sản phẩm khác trên thế giới nên tỉnh cần nắm chắc thành công ở trong tay.

Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu - Ảnh 5.

Ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu kết luận tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Hội thảo đã thông qua 5 báo cao khoa học và 6 ý kiến trao đổi, thảo luận. Qua đó, cung cấp thông tin khoa học, thực tiễn về phân loại thực vật, phân tách đánh giá thành phần dược liệu, tạo chọn giống, xây dựng quy trình kỹ thuật trồng trọt, canh tác. Mặt khác nêu các vấn đề thực tế khó khăn, vướng mắc tại các vườn trồng sâm Lai Châu và sự trao đổi chuyên môn cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh rà soát và kịp thời đặt hàng nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp khoa học kỹ thuật ứng dụng phát triển Sâm Lai Châu; hoàn thiện chỉ dẫn địa lý “Lai Châu” cho sản phẩm Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh, quyết tâm đưa sản phẩm Sâm Lai Châu thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, hướng tới sản phẩm Quốc gia. Đề nghị các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân trồng và chế biến Sâm Lai Châu tiếp tục dành nguồn lực, mở rộng quy mô vùng trồng; kiến nghị kịp thời các khó khăn, vướng mắc tới cơ quan chức năng để có giải pháp hỗ trợ phát triển.


Thanh Ngân - Phạm Hoài- Tuấn Hùng