dd/mm/yyyy

Quan tâm chăm lo học sinh bán trú ở vùng cao biên giới Lào Cai

Song song với công tác dạy học, việc duy trì bếp ăn cho học sinh bán trú là các em ở vùng sâu, vùng xa luôn được Trường THPT số 1 Mường Khương (Mường Khương - Lào Cai), xác định là nhiệm vụ trọng tâm...
Quan tâm chăm lo học sinh bán trú ở vùng cao biên giới Lào Cai - Ảnh 1.

Khu KTX của các em học sinh bán trú Trường THPT số 1 Mường Khương. Ảnh: Mùa Xuân.

Quản lý chăm lo học sinh bán trú là nhiệm vụ trọng tâm của Trường THPT số 1 

Năm học này, nhà trường có khoảng 230 học sinh bán trú ăn, ở sinh hoạt tại nhà trường, đa số đều là các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Các em đang ở độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, trong khi đó lại sống xa gia đình nên các thầy, cô giáo trong nhà trường như những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh nơi đây. Hàng ngày tận tình chăm lo đời sống, dạy kỹ năng sống cho học sinh bán trú.

Thầy giáo Phan Như Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Mường Khương (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) cho biết:  Để tổ chức bán trú cho học sinh đi vào nền nếp, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức quán triệt, hướng dẫn các em nội quy, quy tắc ứng xử. Đồng thời, nêu cao tinh thần tự quản của học sinh ở trong khu ký túc xá.

Nhà trường đã ban hành các quy định, nội quy học sinh, nội quy bán trú, 10 lời hứa học sinh Lào Cai làm theo lời Bác… Những nội quy, quy chế đã phát huy hiệu quả trong việc duy trì nền nếp và giáo dục cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc xây dựng và thực hiện môi trường giáo dục thân thiện, văn minh.

Quan tâm chăm lo học sinh bán trú ở vùng cao biên giới Lào Cai - Ảnh 2.

Giờ ăn của học sinh bán trú Trường THPT số 1 Mường Khương. Ảnh: Mùa Xuân.

Để quản lý, chăm sóc học sinh Ban giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên trực theo ca, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thời gian biểu, quy chế trong ký túc xá.

Kiểm tra sát sao khẩu phần ăn hàng ngày của học sinh nhằm đảm bảo đầy đủ theo quy định. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lưu mẫu thực phẩm được kiểm soát thường xuyên.

Đối với các em học sinh ở xa nhà trường đều tạo điều kiện cho ở bán trú, với điều kiện là học sinh có nhu cầu, hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Những trường hợp thuộc diện học sinh mồ côi sẽ được ưu tiên trước.

Quan tâm chăm lo học sinh bán trú ở vùng cao biên giới Lào Cai - Ảnh 3.

Giờ học trên lớp của các em học sinh Trường THPT số 1 Mường Khương. Ảnh: Mùa Xuân.

Để các em học sinh bán trú có nơi ở khang trang hơn, nhà trường đã được đầu tư 17 phòng ở bán kiên cố, đáp ứng cơ bản nhu cầu học sinh ở bán trú.

Từ mô hình bán trú đã góp phần duy trì số lượng học sinh, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, giảm tối thiểu học sinh bỏ học.

Bên cạnh đó, nhà trường còn làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với các cấp, chính quyền tuyên truyền vận động học sinh đi học. Tổ chức giao ban chủ nhiệm hàng tuần, kịp thời báo cáo UBND huyện, UBND xã, phòng GD&ĐT để biểu dương, nhắc nhở, vận động học sinh đi học kịp thời.

Nhiều giải pháp hữu hiệu giúp nhà trưởng quản lý, chăm lo tốt học sinh bán trú

Bàn giao số lượng học sinh, tỷ lệ chuyên cần cho giáo viên chủ nhiệm ngay từ đầu năm học, quản lý số lượng học sinh, tỷ lệ chuyên cần trong từng buổi học cụ thể, trong trường hợp lớp không đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, giáo viên chủ nhiệm phải có mặt trong thời gian 15 phút truy bài đầu giờ để liên hệ, vận động học sinh đi học.

Quan tâm chăm lo học sinh bán trú ở vùng cao biên giới Lào Cai - Ảnh 4.

Nhờ mô hình bán trú đã góp phần duy trì sĩ số của Trường THPT số 1 Mường Khương (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các trò chơi, hoạt động thể thao, văn nghệ, các hội thi mang đậm nét văn hóa của các dân tộc thiểu số, đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ trong nhà trường để học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hoạt động tập thể.

Tổ chức cho học sinh lao động chăm sóc vườn hoa, cây xanh, khuôn viên nhà trường. Chú trọng công tác vệ sinh nhà trường, đặc biệt là khu vệ sinh cho học sinh trên các lớp học, khu bán trú.

Mô hình trường bán trú là một chủ trương đúng đắn và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Mô hình này đã góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học, tạo nền tảng để nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Mùa Xuân