dd/mm/yyyy

Bảo tồn những ngôi nhà trình tường ở Lào Cai gắn với phát triển du lịch

Nhà trình tường của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở thôn Choản Thèn, xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là một trong những kiến trúc độc đáo đang được bảo tồn để thu hút khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm.


Clip: Trải nghiệm nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì ở vùng cao Lào Cai.

Trải nghiệm nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì

Đến với xã vùng cao Y Tý chúng tôi không chỉ được cảm nhận khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ mà ở đó chúng tôi còn được chiêm ngưỡng những căn nhà trình tường bằng đất.

Đang phơi những hạt ngô vàng óng trước hiên nhà ông Chu Thó Xe, thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát năm nay đã gần 80 tuổi, tóc bạc trắng nhưng ông vẫn nhớ ngôi nhà trình tường truyền thống của gia đình do bố, mẹ để lại nay đã có tuổi đời khoảng 100 năm tuổi.

Bảo tồn những ngôi nhà trình tường ở Lào Cai gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Một góc thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Dẫn chúng tôi vào nhà bên chén nước ấm nồng, ông Xe kể: Nhà trình tường của gia đình tôi có từ đời bố tôi rồi, đây là một trong những ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất ở vùng cao nơi đây.

Nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì chúng tôi ở đây chỉ có duy nhất một cửa chính đi vào. Phía bên trong căn nhà có 2 gian chính, gian đầu tiên từ cửa chính vào là gian được ví như phòng khách, trên những bức tường được treo trang trọng những Giấy khen, Bằng khen và ảnh lưu niệm; trên trần nhà là gác để những hạt ngô, hạt thóc… Còn gian phía trong cùng là bếp nấu ăn, ngủ nghỉ các các thành viên trong gia đình.

Bảo tồn những ngôi nhà trình tường ở Lào Cai gắn với phát triển du lịch - Ảnh 3.

Ngôi nhà trình tường khoảng 100 năm tuổi của gia đình ông Chu Thó Xe, thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì đều được làm bằng đất, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt vùng núi cao, giúp giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì có phần đặc biệt hơn là được làm dạng hình hộp, vuông vức.

Mái nhà dốc ngắn, các ngôi nhà nằm san sát nhau, nhìn xa như những chiếc nấm khổng lồ mọc bên sườn núi, ẩn hiện trong sương mây tạo nên khung cảnh thơ mộng.

Nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì được làm như thế nào?

Theo người dân Hà Nhì, bà con thường làm nhà vào mùa nông nhàn từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, đây cũng là thời điểm ít mưa thuận lợi cho việc đào đất để trình tường. Sau khi tìm được địa điểm và mẫu đất ưng ý, người Hà Nhì bắt đầu làm móng nhà. Móng nhà được đào sâu xuống nền đất khoảng 1m và được xếp bằng những viên đá cao hơn mặt đất khoảng 50 cm.

Móng được làm bằng đá phải chắc chắn để tránh sau này chân tường không bị ẩm ướt, tạo độ bền cao, không bị sụt đất xuống. Sau đó đặt khuôn gỗ và đổ đất vào, dùng chày gỗ giã mạnh cho đất kết dính đến độ tháo khuôn gỗ ra mà đất không rơi. Khuôn dài 2 - 2,5m, rộng 60cm. Mỗi bức tường được làm từ 6 đến 8 khuôn trồng lên nhau.

Bảo tồn những ngôi nhà trình tường ở Lào Cai gắn với phát triển du lịch - Ảnh 4.

Ngôi nhà trình tường của đồng bào dân tộc Hà Nhì thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Ly Mờ Xá, thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, chia sẻ: Để trình được bức tường dày hình nấm độc đáo, vững chắc rất kỳ công, tốn nhiều công sức, thời gian kéo dài hàng tháng trời và cần sự khéo léo và sức mạnh đôi bàn tay của những người thanh niên khỏe mạnh, giã đất thật nhuyễn, kết dính với nhau như bê tông.

Nhà trình tường khi đã trình xong tường xung quanh, lấy gỗ rừng làm khung nhà bên trong tường đất và lợp mái. Nếu như trước đây, đồng bào thường lợp bằng cỏ gianh hoặc rơm rạ. Thì nay lợp đã được thay thế bằng Fibro xi măng hoặc tôn.

Bảo tồn những ngôi nhà trình tường ở Lào Cai gắn với phát triển du lịch - Ảnh 5.

Hiện nay còn rất ít ngôi nhà trình tường ở xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) được lập bằng cỏ gianh. Ảnh: Mùa Xuân.

“Hiện nay theo sự phát triển của xã hội cỏ gianh cũng ít đi, do vậy, bà con chúng tôi chủ yếu sử dụng Fibro xi măng để lợp mái. Bên cạnh đó, nhiều hộ muốn bỏ nhà trình tường để thay thế bằng nhà xây bê tông cốt thép nhưng khi được sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo tồn nhà trình tường gắn với văn hóa dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng nên người dân vẫn gìn giữ và phát huy”. Anh Xá bảo vậy.

Bảo tồn những ngôi nhà trình tường ở Lào Cai gắn với phát triển du lịch - Ảnh 6.

Nhiều hộ dân thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) mở Homestay nhà trình tường đón khách du lịch lưu trú. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Sẩn Cấu Vù, Trưởng thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, cho biết: Thôn Choản Thèn hiện có 62 hộ, với hơn 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Hà Nhì. Hiện nay, bà con trong thôn đang bảo tồn những ngôi nhà trình tường của dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. 

Nhiều hộ trong thôn có điều kiện đã mở Homestay nhà trình tường đón khách du lịch. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.

Bảo tồn những ngôi nhà trình tường ở Lào Cai gắn với phát triển du lịch - Ảnh 7.

Y Tý ngàn mây nơi trải nghiệm độc đáo dành cho du khách thập phương. Ảnh: T.N.

Đến Y Tý không chỉ được tận hưởng bầu không khí trong lành mà du khách thập phương còn được phóng tầm mắt ngắm đất trời bao la, ngắm mây hưởng gió, thật sảng khoái và thú vị biết bao. Được thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào Hà Nhì, nghỉ dưỡng trong những ngôi nhà trình tường đem lại sự thư thái, yên bình mà quên đi mọi mệt nhọc, xô bồ nơi thị thành.

Hãy xách ba lô lên và đi thôi! Đi để khám phá và chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi vùng cao Lào Cai đầy sắc màu và chắc chắn bạn sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ, những khung hình tuyệt đẹp.

Mùa Xuân