dd/mm/yyyy

Đồng bào dân tộc Pa Dí Lào Cai thoát nghèo nhờ cây ăn quả đặc sản

Đồng bào dân tộc Pa Dí, thôn Tả Chu Phùng, xã Tung Chung Phố (Mường Khương, Lào Cai) từ nghèo khó, nay đã thay đổi nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhất là việc thay thế cây ngô năng suất thấp bằng cây quýt sen đặc sản.

Clip: Người dân thôn Tả Chu Phùng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai chia sẻ về việc trồng quýt sen.

Về Mường Khương xem bà con dân tộc Pa Dí thu hoạch quýt sen

Nằm cách trung tâm xã Tung Chung Phố khoảng 11km, chúng tôi về với đồng bào dân tộc Pa Dí khi bà con thôn vùng cao nơi đây đang hối hả thu hoạch quả quýt sen đặc sản.

Bà Thào Thị Liên, thôn Tả Chu Phùng, xã Tung Chung Phố đang cẩn thận cắt từng quả quýt cho vào cái gùi sau lưng, phấn khởi: Năm 2014, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 700 gốc cây quýt sen để trồng, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cây sinh trưởng và phát triển tốt. Sau đó, gia đình tôi tiếp tục nhân rộng lên 4.000 gốc nữa.

Vụ năm 2022, không sai quả như năm nay nên chỉ thu về được 70 triệu đồng từ bán quả quýt. Vụ năm nay thì sai quả lắm, hiện gia đình tôi đã bán được hơn 1 tấn quả, thu về hơn 20 triệu đồng. Dự kiến hết vụ, gia đình tôi sẽ thu về hơn 100 triệu đồng.

Đồng bào dân tộc Pa Dí Lào Cai thoát nghèo nhờ trồng loại cây ăn quả đặc sản - Ảnh 2.

Thôn Tả Chu Phùng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 100 ha quýt sen đặc sản. Ảnh: Mùa Xuân.

“Bà con chúng tôi biết ơn Đảng và Nhà nước cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều lắm. Nhà nào cũng được hỗ trợ cây quýt, phân bón và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp bà con chúng tôi có thu nhập cao, thoát nghèo rồi đấy.” Chị Liên tâm sự như vậy.

Đồng bào dân tộc Pa Dí Lào Cai thoát nghèo nhờ trồng loại cây ăn quả đặc sản - Ảnh 3.

Quýt Mường khương mang vị ngọt thanh, xen lẫn chua nhẹ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng như chị Liên, anh Pờ Thái Hùng cũng là một trong những hộ của thôn Tả Chu Phùng được Nhà nước hỗ trợ giống cây quýt sen đặc sản. Đến nay, gia đình anh Hùng có 7.000 gốc quýt sen. Cũng từ loại cây ăn quả này đã giúp gia đình anh Hùng có thu nhập ổn định, xây dựng nhà mới khang trang hơn.

Anh Hùng bảo: Trong số 7.000 gốc quýt sen này đã có khoảng 6.000 gốc cho thu hoạch quả. Hiện gia đình tôi đã thu được hơn 1 tấn quả, thu về hơn 20 triệu đồng, mấy hôm nay tôi bận xây lại nhà mới nên nhiều thương lái gọi mua quả quýt lắm. So với trồng ngô thì hiệu quả đem lại từ trồng quýt cao hơn gấp nhiều lần.

Đồng bào dân tộc Pa Dí Lào Cai thoát nghèo nhờ trồng loại cây ăn quả đặc sản - Ảnh 4.

Đồng bào dân tộc Pa Dí thu hoạch quýt sen đặc sản. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo người dân thôn Tả Chu Phùng để có những quả quýt thơm, ngọt cần phải chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây, đặc biệt là trong thời gian cây ra hoa đậu quả. Năm nay, thời tiết thuận lợi cây quýt sai quả, cho năng suất cao hơn vụ năm 2022. Hiện giá bán quýt tại vườn đang là 20.000 đồng/kg, với giá bán ổn định đã giúp bà con yên tâm hơn.

Bên cạnh đó, để quảng bá sản phẩm quýt sen đặc sản đến với người tiêu dùng, ngoài chở ra chợ bán người dân còn đẩy mạnh giới thiệu quýt qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, livestream bán hàng trực tiếp ngay tại vườn…

Dân tộc Pa Dí được Nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất

Ông Thào Phủng Tờ, Trưởng thôn Tả Chu Phùng, xã Tung Chung Phố cho biết: Thôn có 73 hộ, 325 nhân khẩu, 100% dân tộc Pa Dí. Trước đây khi chưa trồng loại quýt đặc sản này bà con trong thôn chỉ trồng ngô, lúa năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên đời sống của bà con khó khăn lắm.

Nhờ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư hệ thống điện, đường, nước sạch… Đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó, có hỗ trợ giống quýt sen đặc sản cho bà con trồng đến nay diện tích quýt sen của thôn có khoảng 100 ha.

Với sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, thành quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc đã góp phần đổi thay bộ mặt của thôn, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống của người dân ổn định hơn. Hiện xét theo tiêu chí nghèo đa chiều thì thôn chỉ còn 42 hộ nghèo; thu nhập bình quân 20 triệu đồng/ người/năm.

Đồng bào dân tộc Pa Dí Lào Cai thoát nghèo nhờ trồng loại cây ăn quả đặc sản - Ảnh 5.

Quýt sen đặc sản mang lại ấm no cho người dân tộc Pa Dí, thôn Tả Chu Phùng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo thống kê của xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, hiện toàn xã có hơn 250 ha quýt sen đặc sản, trong đó, hơn 70 ha đã cho thu hoạch quả. Quýt được trồng tập trung tại các thôn Tả Chu Phùng, Páo Tủng, Lũng Pâu…

Những năm gần đây, xã Tung Chung Phố đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày trên đất dốc sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng cao hơn.

Tại Việt Nam, đồng bào Pa Dí chỉ có khoảng 2.000 người, “như cây có hai ngàn chiếc lá” mà nhà thơ Pờ Sảo Mìn đã so sánh. Trong đó, người Pa Dí chủ yếu sống tập trung tại Mường Khương.
Mùa Xuân