dd/mm/yyyy

Phù Yên (Sơn La): Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình"

Lễ "mừng cơm mới" không chỉ là dịp để tạ ơn trời đất và tổ tiên sau một mùa vụ bội thu, mà còn là để tôn vinh những thành quả của mô hình "ruộng nhà mình" trong việc canh tác lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Clip: Phù Yên (Sơn La): Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình"

Lễ "mừng cơm mới" nét đẹp văn hóa vùng cao

Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị và nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Phù Yên (Sơn La). Bên cạnh đó, để tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên đã ban cho một mùa màng bội thu, đồng thời cầu mong cho mùa màng tiếp theo được tốt tươi, bội thu hơn nữa; để quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, bản sắc văn hóa độc đáo, sản vật địa phương, đặc biệt là sản phẩm "gạo Phù Yên" đến du khách, xã Quang Huy, huyện Phù Yên tổ chức lễ "mừng cơm mới" của dân tộc Thái xã Quang Huy. Đây đã trở thành ngày hội văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, thu hút đông đảo du khách các nơi đến tham quan, trải nghiệm.

Lễ "mừng cơm mới" của dân tộc Thái xã Quang Huy được tổ chức tại khu di tích lịch sử Đình Chu với các nghi thức: cúng bái, múa hát, chơi các trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa khác. Mâm cỗ cúng bao gồm các món ăn được chế biến từ những sản phẩm nông nghiệp vừa thu hoạch, xôi, gà, lợn, cá, cùng với các loại bánh truyền thống.

Phù Yên (Sơn La): Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình"- Ảnh 1.

Khu di tích lịch sử Đình Chu (Phù Yên, Sơn La), nơi tổ chức Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình". Ảnh: Nguyễn Vinh

Ông Cầm Văn An, Chủ tịch UBND xã Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La), cho biết: "để bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, tổ tiên,… đã phù hộ cho mùa màng bội thu, đồng thời cầu mong cho mùa tới được thuận lợi và may mắn, bên cạnh đó, nhằm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái xã Quang Huy, UBND xã Quang Huy tổ chức lễ "mừng cơm mới" và đây cũng là năm đầu tiên xã tổ chức, UBND xã cũng sẽ tiếp tục phát huy và giữ gìn từ năm nay sang các năm sau".

Đây là năm đầu tiên tổ chức lễ "mừng cơm mới" của dân tộc Thái xã Quang Huy, nhưng qua các kênh truyền thông, nhiều du khách trong và ngoài tỉnh Sơn La biết và đến để tham dự, trải nghiệm tại ngày lễ. Không chỉ được hòa mình vào không khí sôi động, độc đáo qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao đa dạng, phong phú, du khách còn hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, cũng như cảnh đẹp thiên nhiên, không khí trong lành, sự hiếu khách người dân địa phương.

Phù Yên (Sơn La): Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình"- Ảnh 2.

Lễ "mừng cơm mới" của dân tộc Thái xã Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La) năm 2024. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chị Trần Thu Hương, du khách từ Hà Nội đến tham dự ngày lễ phấn khởi, chia sẻ: "tôi rất ấn tượng với sự đón tiếp nồng hậu của người dân địa phương. Đến lễ "mừng cơm mới" tại Phù Yên, tôi đã được thưởng thức những món ăn đặc trưng mà trước đây chưa từng biết đến; được tham gia các trò chơi dân gian làm tôi rất thích thú. Tất cả những trải nghiệm của tôi ở đây làm cho chuyến đi này trở nên đáng nhớ hơn."

"trở lại đây sau 30 năm, tôi thấy nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm của huyện Phù Yên, điều này chứng tỏ, huyện Phù Yên đã có một nền nông nghiệp phát triển rất nhiều", chị Hương chia sẻ thêm.

Phù Yên (Sơn La): Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình"- Ảnh 3.

Nhiều trò chơi dân gian tại lễ "mừng cơm mới" của dân tộc Thái xã Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La) năm 2024. Ảnh: Nguyễn Vinh

Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình"

Lễ "mừng cơm mới" của dân tộc Thái xã Quang Huy nhằm để tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên đã ban cho một mùa màng bội thu, bên cạnh đó cũng để huyện Phù Yên đánh giá tính hiệu quả của mô hình "ruộng nhà mình", từ đó triển khai mô hình rộng hơn, mang hiệu quả kinh tế lớn hơn trên cùng diện tích canh tác đối với sản xuất lúa truyền thống trước đây. Mô hình "ruộng nhà mình" sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ nhằm cụ thể hóa một trong các khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 huyện Phù Yên đề ra. Từ chuyến đi thăm quan học tập mô hình "cây xoài nhà tui" tại tỉnh Đồng Tháp của đoàn công tác của huyện, Thường trực Huyện ủy huyện Phù Yên đã có chủ trương vận dụng.

Phù Yên (Sơn La): Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình"- Ảnh 4.

Mô hình "ruộng nhà mình" trên cánh đồng Mường Tấc huyện Phù Yên (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với PV, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Phù Yên (Sơn La), cho biết: "thực hiện chủ trương của Thường trực Huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện về việc thực hiện mô hình "ruộng nhà mình" trên địa bàn xã Quang Huy. UBND huyện đã giao cho các phòng, ban chuyên môn tiến hành khảo sát, bố trí quy hoạch, lựa chọn vùng sản xuất, lựa chọn giống lúa, phân bón hữu cơ có chất lượng,… Đồng thời, triển khai đăng ký tham gia mô hình "ruộng nhà mình" đến các hộ dân để triển khai thực hiện. Đây là vụ sản xuất lúa trên cánh đồng Mường Tấc đầu tiên áp dụng mô hình, qua đánh giá, cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình đem lại cao hơn so với trồng lúa thông thường theo phương pháp truyền thống là 19.657.000 đồng/ 1 ha".

Mô hình "ruộng nhà mình", nhiều hộ sản xuất đã kết hợp với nuôi cá, điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trong mô hình này, lúa được trồng mà không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu, thay vào đó sử dụng phân bón hữu cơ để duy trì độ phì nhiêu của đất và kiểm soát sâu bệnh. Đồng thời, việc nuôi cá trong ruộng lúa tạo ra một hệ sinh thái cân bằng, cá giúp ăn các loại sâu bọ và cỏ dại, trong khi chất thải từ cá lại cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa. Mô hình này không chỉ giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm hóa học, mà còn tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước, tăng cường tính bền vững và thân thiện với môi trường. Nông dân áp dụng mô hình này có thể thu hoạch được cả lúa và cá, từ đó tăng thu nhập và đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Phù Yên (Sơn La): Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình"- Ảnh 5.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá tại cánh đồng Mường Tấc huyện Phù Yên (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Bà Cầm Thị Ngân, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La), cho biết: "tôi thả nuôi cá chép, rô phi trên 3.000 m2 ruộng. Lúa, cá sinh trưởng phát triển tốt, điều đó cho thấy việc sử dụng phân hữu cơ là an toàn với môi trường. Đồng thời, ruộng sản xuất hữu cơ nên các đối tượng sâu bệnh ít phát sinh và phát triển. Ngoài thu thóc, tôi thu thêm từ bán cá 2,5 triệu đồng".

Mô hình "ruộng nhà mình" trong sản xuất lúa hữu cơ đã chứng minh hiệu quả vượt trội, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Khi áp dụng phương pháp này, nông dân chuyển từ việc sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu sang các biện pháp canh tác sử dụng phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường. Điều này giúp bảo vệ đất đai, duy trì độ phì nhiêu của đất và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, việc sản xuất lúa hữu cơ mang lại những hạt gạo chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm sạch góp phần bảo vệ và nâng tầm thương hiệu "gạo Phù Yên".

Phù Yên (Sơn La): Lễ "mừng cơm mới" gắn với mô hình "ruộng nhà mình"- Ảnh 6.

Sản phẩm "gạo Phù Yên", sản phẩm sạch và thực sự hữu cơ cho người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, (Sơn La), cho biết: "bằng hình ảnh trực quan là dưới ruộng có cá sống tức là lúa của huyện Phù Yên đã thực sự là hữu cơ và hướng tới sẽ nhân rộng mô hình này lên, triển khai mô hình rộng hơn, mục đích là quảng bá để cho nhân dân và người tiêu dùng quan tâm cũng như yên tâm về chất lượng gạo Phù Yên. Đặc biệt là nó mang tính chất sạch và thực sự hữu cơ".

Nguyễn Vinh