Video: OCOP Sơn La - Đánh thức tiềm năng, gia tăng tiềm lực
Sơn La – mảnh đất dồi dào tiềm năng OCOP
Với địa hình rộng lớn, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau và có tới 12 dân tộc anh em sinh sống nên Sơn La là mảnh đất dồi dào những nét riêng biệt – tiền đề thuận lợi để thực hiện chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”. Bà Hoàng Thị Thu Hiền, nguyên Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Sơn La từ ngày đầu thực hiện chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”, cho biết: Ngay khi bắt tay vào thực hiện Chương trình, chúng tôi đã xác định đây là một cơ hội để Sơn La đánh thức những tiềm năng sản phẩm của các địa phương, các dân tộc.
Chính từ trong những điều kiện khó khăn của tự nhiên và xã hội Sơn La đã ẩn chứa những điều kiện tốt cho các sản phẩm OCOP của địa phương như: Thịt trâu gác bếp của bà con dân tộc Thái; cao sâm Ngọc Linh của doanh nghiệp Nguyễn Thành Long trồng ở độ cao gần 2.000m tại xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn; sản phẩm chè Trọng Nguyên dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại; điểm du lịch hấp dẫn huyện Vân Hồ với homestay của người Mông - Tráng A Chu; sản phẩm tỏi của người Thái huyện Yên Châu; rồi mật ong, mận hậu, dây tây, hồng giòn… Vấn đề cốt yếu là phải đánh thức được các tiềm năng ấy để vừa tạo được công ăn việc làm cho bà con, vừa lưu giữ giá trị văn hóa, vừa quảng bá cho Sơn La và tạo thị trường lưu thông mạnh mẽ, đa dạng. Muốn vậy thì mỗi sản phẩm OCOP phải được ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số để nâng cao giá trị, hình thành thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trong lưu thông hàng hóa.
Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu, Sơn La, nhớ lại: Khi có chương trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, chúng tôi rất mừng bởi mình có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, nếu được công nhận là sản phảm OCOP thì rất thuận lợi cho quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa. Vậy là chúng tôi đầu tư xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là quá trình mà chúng tôi vận dụng cao nhất những tiến bộ khoa học trong chuyển đổi số để tạo ra sản phẩm tốt nhất.
Để có được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, rồi OCOP, HTX 19/5 đã tham gia nhiều buổi tập huấn, tổ chức nhiều chuyến tham quan học hỏi để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho hiệu quả hơn, sản phẩm chất lượng hơn, có mẫu mã đẹp hơn. “Chúng tôi lên mạng, tìm và tham gia vào các nhóm làng nghề, các dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc phục vụ quá trình canh tác và chế biến… Bây giờ, mọi thông tin trên mạng rất đầy đủ, chỉ cần ta có kiến thức để phân biệt được thật - giả; để đánh giá công nghệ nào, sản phẩm nào phù hợp với mình là được thôi” – ông Thịnh bảo vậy.
Nhờ quá trình ứng dụng chuyển đổi số, HTX 19/5 của ông Mai Đức Thịnh đã nhanh chóng có được nhiều sản phẩm tham gia vào OCOP và đã có tới 6 sản phẩm đạt chất lượng, được công nhận; trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, gồm: Mận sấy mật ong, mận sấy gừng, mận sấy thảo dược và 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, gồm: Rượu mận, rượu mơ, rượu trưởng bản.
Gia tăng tiềm lực kinh tế xã hội từ OCOP
Cũng theo ông Mai Đức Thịnh thì những sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã thật sự giúp cho quá trình phát triển của HTX 19/5 được nhanh hơn, mạnh hơn. “Trước khi có những sản phẩm được công nhận là OCOP, hàng hóa của chúng tôi có mẫu mã giản đơn hơn, chủ yếu là sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống nên chất lượng cũng có những lúc chưa được như mong muốn. Từ khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, nhờ ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học và mỗi qui trình từ sản xuất đến chế biến: Lựa chọn giống, xây dựng vùng nguyên liệu, lựa chọn phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, giải pháp tưới ẩm, giải pháp thu hoạch; công nghệ ép, sấy, ủ men, bao bì chuẩn chỉ, tem nhãn đầy đủ… thì hàng hóa của chúng tôi được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn, giá trị thương hiệu cũng lớn hơn; tạo được nhiều việc làm cho lao động. Điều đó cũng góp phần vào việc xây dựng địa phương Sơn La thành “miền nhớ” trong mỗi khách hàng" – ông Thịnh bảo vậy.
“Từ những thông tin phản hồi của khách hàng, đặc biệt là trên mạng xã hội, chúng tôi biết được mình cần phải điều chỉnh những gì để phù hợp hơn với nhu cầu của quý khách cũng như bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của mình” – Anh Tráng A Chu, chủ homestay Tráng A Chu ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tâm sự như vậy.
Cũng theo anh Chu thì quá trình xây dựng homestay, anh đã phải ứng dụng rất nhiều kiến thức chuyển đổi số để có được những thành công. “Tôi khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng về kiến thức homestay, vì thế, tôi phải học hỏi rất nhiều từ Internet, mạng xã hội, qua những mô hình khách sạn, homestay trong và ngoài nước. Tôi đọc từng dòng bình luận của khách hàng để tìm giải pháp cho homestay của mình. Nhờ thế, homestay Tráng A Chu bây giờ mỗi năm đón được cả chục ngàn lượt khách; trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài. Nếu không thực hiện chuyển đổi số, chắc là bây giờ homestay của tôi và của nhiều người khác ở đất Vân Hồ này cũng chỉ là quán trọ mà thôi” – anh Tráng A Chu bảo vậy.
Trở về Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Sơn La, trò chuyện cùng Phó Chánh Văn phòng – ông Dương Gia Định (nguyên là Chi cục Trưởng chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La), được biết: Sản phẩm OCOP đã đánh thức được nhiều tiềm năng kinh tế, xã hội của Sơn La, góp phần quảng bá và gìn giữ những nét văn hóa trong 12 dân tộc anh em cũng như kích cầu nhiều nông sản với lợi thế đặc trưng của các tiểu vùng khí hậu. Trong thời gian tới, với việc ứng dụng mạng mẽ các tiến bộ khoa học, chuyển đổi số, tin rằng các sản phẩm OCOP của Sơn La sẽ còn đa dạng hơn, phong phú hơn và hiệu quả hơn. Nói cách khác, thực hiện Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy kinh tế - xã hội Sơn La phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.