dd/mm/yyyy

Chuyện về doanh nhân Nguyễn Chí Long và những sản phẩm OCOP 4 sao từ cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La

Ông Nguyễn Chí Long - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng Thành Long (thị trấn Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La), trầm tư: Nếu không ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và chế biến thì ngay cả việc trồng cây Sâm Ngọc Linh ở Sơn La đã thất bại, nói gì đến Cao Sâm Ngọc Linh, đến OCOP 4 sao, 5 sao…

Video: Chuyện về doanh nhân Nguyễn Chí Long và những sản phẩm OCOP 4 sao từ cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La

Biến "cái không thể" thành "có thể"

Nói đến cây sâm Ngọc Linh, một trong những báu vật trời ban cho vùng đất Quảng Nam – Kon Tum thì ai cũng biết. Nhưng nói đến hiệu quả của sâm Ngọc Linh với đời sống con người thì tin rằng nhiều người mới chỉ là "nghe nói vậy", chứ chưa được thụ hưởng sâm Ngọc Linh. Bởi một lẽ, như quy luật của tự nhiên, cái gì quý thì phải hiếm, phải khó tìm và sâm Ngọc Linh cũng vậy. Cây sâm Ngọc Linh với tư cách là một báu vật dinh dưỡng của tự nhiên nên cũng đòi hỏi một môi trường sống rất riêng, chẳng phải cứ muốn là có thể phát triển được. Phó GS-Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Tú, Trưởng Khoa Kỹ thuật thực phẩm, Trường Hóa và Khoa học Sự sống – Đại học Bách khoa Hà nội tâm sự: Lâu nay, đã có không ít người, không ít địa phương muốn di thực cây sâm Ngọc Linh về trồng và phát triển trên quê hương khác. Nhưng khát vọng ấy chưa có ở đâu thành công như ở Sơn La.

Chuyện về doanh nhân Nguyễn Chí Long và sản phẩm OCOP 4 sao từ cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Long (ngoài cùng bên trái) là người đã di thực hàng ngày cây sâm Ngọc Linh từ vùng đất Kon Tum – Quảng Nam về trồng thành công ở Sơn La trong 20 năm qua. Ảnh: PVTB.

Còn ông Nguyễn Chí Long – người đã di thực hàng ngày cây sâm Ngọc Linh từ vùng đất Kon Tum – Quảng Nam về trồng thành công ở Sơn La trong 20 năm qua, thì bảo: Khi mới đến Kon Tum, tôi nghĩ đơn giản, cây Sâm Ngọc Linh là báu vật của thiên nhiên, giá trị vô cùng lớn, ai chả muốn được thụ hưởng những sản phẩm từ nó ít nhất 1 lần trong đời. Sơn La đất thì rộng, đồi núi nhiều, có những điều kiện khí hậu tương thích với vùng đất Kon Tum; trong khi người dân chưa có những nguồn thu lớn và bền vững, lẽ nào không đưa cây sâm về đây để tạo nên một nguồn thu lớn, ổn định, tạo một sinh kế mới đầy thuyết phục ở Sơn La.

Nghĩ thì đơn giản thế, nhưng sau cả trăm lần trực tiếp đi học hỏi, tìm tòi, mua và vận chuyển cây sâm Ngọc Linh dưới các dạng: Cây 1 năm, cây 2 năm, cây 3 năm, cây 10 năm tuổi, rồi cả dạng hạt tươi, hạt khô… đem về trồng ở Sơn La. Rồi mắc võng ngủ rừng để canh cây sâm lớn; làm cả nhà lưới, nhà kính, bố trí máy đo nhiệt độ, lắp điều hòa, lắp máy tưới ẩm và đo độ ẩm, lắp máy đo hướng gió và tốc độ gió… Nhưng liên tiếp thất bại với số vốn tiêu tốn lên tới hàng chục tỷ đồng thì tôi mới hiểu rằng: Di thực được những báu vật của thiên nhiên như sâm Ngọc Linh là một thách thức lớn, cũng bởi thế nên chưa có nơi nào thành công.

Chuyện về doanh nhân Nguyễn Chí Long và sản phẩm OCOP 4 sao từ cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Ảnh 2.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số và khoa học công nghệ, ông Nguyễn Chí Long đã trồng thành công "quốc bảo" sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La và các sản phẩm sản xuất từ sâm Ngọc Linh của ông được cấp chứng nhận OCOP hạng 4 sao. Ảnh: PVTB.

Khi ấy, tôi mới chỉ là người có khát vọng, có quyết tâm, chứ điều kiện tiếp cận khoa học còn hạn chế bởi mạng internet cũng như điện thoại thông minh ngày đó chưa phát triển. Để theo đuổi quyết tâm đưa cây sâm Ngọc Linh về trồng ở Sơn La của mình, tôi đã thay đổi cách làm, tìm đến với các nhà khoa học, các y bác sỹ có tên tuổi; gặp những thầy thuốc đông y; những già làng, trưởng bản nhiều kinh nghiệm với cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam…"Đặc biệt, tôi tìm đến những người đã thất bại trong việc di thực cây sâm Ngọc Linh để tích lũy kinh nghiệm từ chính những thất bại ấy, củng cố quyết tâm của mình. May mắn là cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học, những người bạn thì thời điểm hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn đầu tư những ứng dụng của nền tảng số trong đời sống và sản xuất nên tôi có thêm nhiều điều kiện tiếp cận thông tin hơn để đi tới thành công" – ông Nguyễn Chí Long bảo vậy.

Chuyện về doanh nhân Nguyễn Chí Long và sản phẩm OCOP 4 sao từ cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Ảnh 3.

Ứng dụng công nghệ chế biến, sản phẩm Cao sâm Ngọc Linh Thành Long của ông Nguyễn Chí Long đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: PVTB.

Ứng dụng công nghệ số, thành công nối tiếp thành công

Sau khi tiếp nhận thêm được nhiều thông tin về điều kiện sinh trưởng của cây sâm Ngọc Linh, đặc biệt là với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, ông Nguyễn Chí Long đã có những thành công ngày một lớn hơn. Không chỉ trồng thành công cây sâm Ngọc Linh ở Sơn La, ông Long còn nhân giống từ hạt, phát triển ra hàng chục ngàn cây sâm mới với tính thuần hóa cao, phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của Sơn La.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của chuyển đổi số, ông Long tăng cường trao đổi thông tin và đón nhận thêm nhiều hướng dẫn, động viên, chỉ bảo từ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Vườn sâm của ông không chỉ tăng thêm về diện tích từ mấy trăm m2 lên cả chục ngàn m2 mà còn tăng mạnh về số lượng và chất lượng cây sâm. Trên những luống sâm ông Long đang trồng, có nhiều củ sâm cho từ 5-12 nhánh thân. Kết quả ấy sẽ giúp ông tăng thu thêm rất nhiều từ hoa, hạt và thân, lá sâm cho những sản phẩm khác.

Chuyện về doanh nhân Nguyễn Chí Long và sản phẩm OCOP 4 sao từ cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Ảnh 4.

Khu sản xuất rượu sâm Ngọc Linh Thành Long của ông Nguyễn Chí Long. Ảnh: PVTB.

Khi đã có sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh do chính tay mình trồng thì ông Long lại nhận ra những bất cập trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. "Giá thành của củ sâm Ngọc Linh rất đắt, không phải ai cũng có tiền để mua được củ sâm Ngọc Linh về sử dụng. Mà việc mua bán củ sâm tươi nhỏ lẻ cũng rất phức tạp bởi vườn sâm ở tận trên núi cao, đi lại mất nhiều thời gian. Mà thu hoạch sâm về không bán tươi kịp thì phí phạm lắm" – ông Long tâm sự.

Sau khi nghiên cứu mày mò tìm hiểu trên mạng, ông Long đã đích thân mang những sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La như: Củ, lá, thân cành, hoa, hạt về nhờ các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng. "Thật không ngờ là mọi chỉ số cần thiết của sâm Ngọc Linh đều có đủ với tỷ lệ rất cao trên cây sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La. Thế là tôi nghĩ đến chuyện chế biến ra nhiều sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, cốt để cho bất cứ ai, dù giàu hay nghèo cũng có thể tiếp cận và thụ hưởng những dưỡng chất từ cây sâm Ngọc Linh quý báu này."

Bằng những kiến thức khoa học công nghệ mới tiếp thu được, ông Long nhanh chóng ứng dụng vào công nghệ chế biến những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh: Sâm Ngọc Linh củ tươi, rượu sâm Ngọc Linh, Cao sâm Ngọc Linh, rượu cao sâm Ngọc Linh. "Sự đa dạng sản phẩm này là nhằm làm phong phú mặt hàng từ sâm Ngọc Linh và nâng cao hiệu quả sử dụng sâm Ngọc Linh. Có người uống được rượu, nhưng cũng có người không uống được rượu nên nhiều sản phẩm không có rượu sẽ thuận tiện hơn cho người tiêu dùng. Việc đa dạng về trọng lượng thành phẩm từ sâm Ngọc Linh trong mỗi loại hàng cũng nhằm mục đích ấy" – ông Long giải thích như vậy.

Chuyện về doanh nhân Nguyễn Chí Long và sản phẩm OCOP 4 sao từ cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Chí Long tiếp tục nghiên cứu, đầu tư để phát triển các sản phẩm sâm Ngọc Linh Thành Long đạt OCOP 5 sao. Ảnh: PVTB.

Cao sâm Ngọc Linh là một trong những sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh trồng trên đất Sơn La và là sản phẩm mà ông Long tâm đắc nhất nhưng cũng nhiều gian nan không kém gì việc đưa cây sâm Ngọc Linh về trồng trên đất Sơn La. Ông Long kể: Đời tôi chưa bao giờ nấu cao sâm Ngọc Linh nên khi bắt tay vào chế biến, tôi nghĩ nó đơn giản như nấu các loại cao khác. Nhưng rồi, sau những thất bại đau đớn, tôi mới hiểu ra rằng, với hàm lượng chất Saponine (chất quan trọng nhất của sâm Ngọc Linh) cao hơn nhiều lần với một số loại sâm khác thì việc nấu cao sâm Ngọc Linh không dễ chút nào, phải có những giải pháp khác biệt thì mới thành công. Đến bước này, nếu không có sự trợ giúp của khoa học công nghệ, của chuyển đổi số thì chắc hôm nay, tôi đã thành một "con nợ khổng lồ" của các ngân hàng.

"Nông dân Sơn La nói chung và bản thân tôi nói riêng đã ý thức được rằng, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, giờ đây là giải pháp sống còn của sản xuất hàng hóa. Thật may cho nông dân chúng tôi vì tỉnh Sơn La là một trong những địa phương rất quan tâm tới lĩnh vực này. Những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của tôi đều đạt OCOP 4 sao và đang phấn đấu trở thành OCOP 5 sao cũng chính là nhờ phần lớn vào chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm" – ông Nguyễn Chí Long khẳng định như vậy.

PV Tây Bắc