Video: Na Mai Sơn - sản phẩm OCOP 3 sao mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho người nông dân
Những đêm trắng vì na
Chúng tôi tìm về xã Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) – một trong những vựa na của tỉnh Sơn La với tổng sản lượng trái na tươi lên tới hàng ngàn tấn/năm; mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng cho người nông dân. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi mang lại nguồn lợi khổng lồ, trở thành một trong những cây trồng chủ lực, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sơn La, cây na ở nơi đây từng làm đau đầu, mất ngủ với chính những người trồng na.
Ông Trần Bá Cường – người đầu tiên đưa cây na về trồng ở tiểu khu I, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, nhớ lại: Năm 1990, ở độ tuổi 30, tôi về định cư ở mảnh đất này. Ngày ấy, cả cái dải đất ven quốc lộ 6, kéo dài cả cây số này toàn những sỏi đá khô cằn, cỏ không mọc nổi. Tôi là hộ dân duy nhất chọn mảnh đất xen giữa suối Hát Lót và quốc lộ 6 làm nơi định cư. Ở những năm 90 ấy, cả khu này không điện, không nước. Vợ chồng tôi cứ lầm lũi bới đất, lật cỏ, trồng sắn, trồng ngô, kiếm miếng ăn qua ngày. Cây na là một trong những cây ăn quả đầu tiên tôi trồng trên đất Mai Sơn, bởi đơn giản, na cổ ngày xưa là loài cây không đòi hỏi nhiều nước, nhiều phân bón, lại phù hợp với cái câu "Trẻ trồng na, già trồng chuối".
"Thật may mắn là cả vợ chồng tôi đều mát tay nên cứ cắm cây na nào xuống đất là lớn nhanh như thổi và sớm cho trái. Vì thế mà tôi cứ nhân rộng vườn na dần dần, chứ nào có nghĩ đến chuyện làm giàu từ cây na. Nhưng rồi cây ngô lai giống mới tràn về Mai Sơn, tạo ra một cuộc đổi đời với những người trồng ngô lai. Không ít người trồng ngô vừa xóa được đói nghèo, lại vươn lên có của ăn của để, trở thành triệu phú. Thế là ý định phá bỏ vườn na để lấy đất trồng ngô cứ xoắn lấy tôi. Cái mong ước nhanh xóa được đói nghèo và khát vọng có một vườn na lớn trở thành mâu thuẫn, làm tôi nhiều đêm mất ngủ" – ông Cường kể chuyện với nét mặt trầm tư.
Rồi sau đó, vào đầu những năm 2000, trong một lần đến Lạng Sơn, ông Cường thấy người ta chở na đi bán rất tấp nập với doanh thu không hề nhỏ. Trở về, ông bàn với vợ, quết định không chỉ giữ lại vườn na mà còn đầu tư lớn hơn cho loại cây ăn quả này. Ông Cường thật thà: Thực ra thì lúc ấy ở Sơn La, việc bán na cũng không hề đơn giản vì phương tiện vận chuyển đi xa thì hiếm, mà bán nội địa thì mấy ai mua na ăn đâu. Với lại giống na cổ quả rất bé, lại hay nứt cuống, rám vỏ, nhìn rất xấu, thời gian thu hoạch rất ngắn nên tôi cũng phải long đong về xuôi tìm kiếm khách hàng, bán đổ, bán buôn, kiếm lời cho vườn cây trái. Đồng thời tôi cũng phải trồng xen cả nhãn, xoài và cây ngô để lấy cái này bù cái khác.
"Đã là sản phẩm OCOP thì phải xứng tầm"
Cũng nhờ kinh tế xã hội phát triển, giao thông thuận lợi, mạng internet, mạng xã hội ngày càng được tỉnh Sơn La quan tâm mở rộng; các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân được mở ra ngày một nhiều; cán bộ khuyến nông bám dân, bám bản để "trao cần câu" cho dân, ông Cường như "hổ chắp thêm cánh".
Ông Cường bảo: Kiến thức của tôi về cây na ngày càng được nâng cao; hiểu biết của tôi về thị trường ngày càng mở rộng nên việc tiêu thụ na của tôi thuận lợi hơn nhiều, lãi từ cây na cũng ngày một lớn hơn. Thấy tôi làm ăn từ cây na khá thuận lợi, nhiều hộ dân trong và ngoài xã cũng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, xin giống na về trồng. Tôi nghĩ rằng mình muốn làm ăn lớn thì phải "buôn có bạn, bán có phường" – như lời của cha ông ta; vì thế, bất cứ ai có khát vọng trồng na mà tìm đến với tôi, tôi cũng giúp họ vô điều kiện.
Rồi trên thị trường bắt đầu xuất hiện những giống na mới có năng suất cao, chất lượng tốt mà mẫu mã lại đẹp như: Na hoàng hậu (na Thái Lan), na sầu riêng, na Đài Loan… tôi tìm về Học viện Nông nghiệp học hỏi, mua giống và đưa về Sơn La cải tạo vườn na nhà mình. "Thời đại này cho phép nông dân chúng tôi tiếp cận nhiều khoa học kỹ thuật cao, giảm giá thành đầu tư mà lại tăng thêm lợi nhuận nên tôi ứng dụng công nghệ rất triệt để và đã thành công. Tôi cải tạo vườn na bằng cách ghép cành giống mới lên những thân chủ nên cây na nhanh lớn, sớm cho quả và chống chịu dịch bệnh, thời tiết bất thường được tốt hơn. Tôi học hỏi thêm được nhiều cách bón phân cho cây, phòng chống côn trùng hại na rất hiệu quả. Ngay cả việc thụ phấn sao cho mỗi quả na khi lớn lên được tròn đều, không vặn vẹo; cách giữ cho vỏ trái na không bị rám nắng, nứt cuống khi chín… tôi đều tự học và thành công", ông Cường chia sẻ.
Về chất lượng của trái na ở Mai Sơn hôm nay, ông Cường bảo: Không phải đơn giản mà trái na ở Mai Sơn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, đó là cả một hành trình đổi mới từ trong nhận thức, từ tinh thần trách nhiệm với người tiêu dùng của những chủ vườn na ở đây. Na của chúng tôi được chăm bón theo tiêu chuẩn VietGap, phân bón chủ yếu là phân hữu cơ. Trái na ngay khi còn bé tý đã được bọc trong túi nilon nên không lo gì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Ngay cả khi cần phải bắt côn trùng gây hại, chúng tôi cũng dùng bẫy bắt bằng đèn, bằng đường, chứ không phun thuốc trừ sâu như một số người đã nghĩ. Rất nhiều lái xe, thương nhân đến nhà tôi mua na; khi thấy vợ chồng, con cháu chúng tôi trực tiếp ăn trái na vừa hái từ vườn về thì họ cũng yên tâm trải nghiệm luôn. "Người trồng na ở Mai Sơn bây giờ ý thức về thương hiệu cao lắm, vì thế, na của chúng tôi được đưa đi tiêu thụ ở hàng chục tỉnh thành trong cả nước. Nhà tôi hiện nay chỉ có hơn 5ha na; trong đó có gần 4ha ở tuổi cho thu hoạch cao nhất nhưng mỗi năm cũng thu hàng tỷ đồng từ na. Còn cả vùng Mai Sơn Này thì có tới ngàn ha. Cứ tính mỗi ha cho thu nhập từ 300 – 550 triệu đồng/năm, đó là một nguồn thu khổng lồ của biết bao hộ dân. Vì thế, chúng tôi quyết giữ thương hiệu na Mai Sơn bằng mọi giá. Mà đã là sản phẩm OCOP 3 sao rồi thì cũng phải xứng tầm với danh hiệu ấy".