dd/mm/yyyy

Sơn La không để dịch tả lợn châu Phi lây lan, bảo đảm an toàn đàn lợn

Trước chiều hướng lây lan, diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Sơn La đa triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, hạn chế dịch bệnh lây lan, bảo đảm an toàn đàn lợn.

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

Mới đây, tại một hộ chăn nuôi ở tổ 3, phường Chiềng An, thành phố Sơn La (Sơn La) xuất hiện tình trạng lợn bị ốm, bỏ ăn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi năm bắt thông tin đàn lợn của gia đình ông Tòng Văn Cường có biểu hiện bỏ ăn, sốt cao, da màu đỏ tím, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng I xét nghiệm, kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Các lực lượng chức năng đã tổ chức chôn lấp toàn bộ đàn lợn, tổng trọng lượng 333kg. Đồng thời, thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường tại khu vực chăn nuôi và khu vực chôn lấp, tiêu hủy bằng vôi bột, hóa chất.

Sơn La triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi- Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố Sơn La tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi của hộ ông Tòng Văn Cường. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố Sơn La cho biết:  Để hạn chế dịch bệnh lây lan, bảo đảm an toàn đàn lợn. Thành phố Sơn La đã chỉ đạo Ban quản lý các tổ, bản tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi không mua bán, vận chuyển lợn trong vùng có dịch; khi phát hiện đàn vật nuôi có biểu hiện nhiễm bệnh cần báo ngay cho chính quyền địa phương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố để xử lý kịp thời, không để lây lan dịch bệnh.

Sơn La triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi- Ảnh 2.

Thành phố Sơn La (Sơn La) tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, Ảnh: Văn Ngọc

Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 107 lượt tổ, bản của 148 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố, buộc tiêu hủy 2.351 con, tổng trọng lượng trên 92,8 tấn. Đến nay, còn 11 xã thuộc 5 huyện chưa qua 21 ngày để công bố hết dịch. 

Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ gia đình về biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nâng sức đề kháng cho đàn lợn; yêu cầu các hộ nuôi lợn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch không để lây lan.

Sơn La triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi- Ảnh 3.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 107 lượt tổ, bản. Ảnh: Văn Ngọc

Đồng thời, thực hiện phân bổ, cấp hóa chất và vôi bột cho các hộ dân chủ động khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, tránh để lây lan ra diện rộng. Hướng dẫn các gia đình thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Ông Lừ Văn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La, thông tin: Chi cục đã tham mưu cho tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo Trung tâm dịch vụ các huyện xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện tiêm phòng tại địa bàn trọng điểm. Đồng bộ các giải pháp dập dịch, phun vệ sinh sát khuẩn các phương tiện ra, vào khu vực có ổ dịch. Phân bổ gần 10.000 lít hóa chất cho các địa phương phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch và các hộ xung quanh.

Sơn La triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi- Ảnh 4.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ gia đình về biện pháp chăn nuôi an toàn. Ảnh: Văn Ngọc

Bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt cùng với sự chung tay của người dân trong việc thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, sẽ sớm giúp ngành chăn nuôi chặn đứng bệnh dịch, phát triển đàn vật nuôi ổn định.

Văn Ngọc