dd/mm/yyyy

Phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực xây dựng nông thôn mới ở Sơn La

Sơn La xác định sản phẩm chủ lực có lợi thế để đầu tư phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho nông dân là nội dung quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương của Sơn La phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển lợi thế của địa phương xây dựng sản phẩm OCOP

Cây quýt ngọt của HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) đã có quá trình phát triển lâu dài. Cùng với đó, việc tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP từ năm 2019 đến nay đã giúp sản phẩm quả quýt của HTX nhận được sự đánh giá cao của các đối tác và khách hàng. Việc xây dựng sản phẩm OCOP được gắn liền với xây dựng thương hiệu trái cây của HTX. Do đó, từ năm 2020 đến nay, các sản phẩm quả, nhất là quýt ngọt của HTX đều có giá trị cao, được khách hàng ưa chuộng nên không phụ thuộc vào biến động của thị trường. 

Ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) cho biết: Với các sản phẩm chủ lực là cây ăn quả có múi, khi được vận động xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, chúng tôi đã lựa chọn quýt ngọt. Năm 2020, quả quýt ngọt của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hằng năm, sản lượng đạt 80 tấn quả, chưa đủ để cung cấp cho các bạn hàng truyền thống. Do vậy, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây quýt ngọt kết hợp với sản xuất theo hướng hữu cơ. Tiếp tục nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị của quýt ngọt, từ đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh.

Phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực xây dựng nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 1.

Từ việc trở thành sản phẩm OCOP đã nâng cao giá trị quả quýt ngọt ở Phù Yên. Ảnh: Văn Ngọc

Tập trung đầu tư, định hướng phát triển và xây dựng các sản nông nghiệp có thế mạnh của địa phương trở thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", hiện nay huyện Phù Yên (Sơn La) đã có 10 sản phẩm OCOP được đánh giá từ "3 sao" trở lên. Kết quả này đã tạo động lực để địa phương tiếp tục xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Trao đổi với chúng tôi về việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, cho biết: Trong giai đoạn 2018-2020, khi bắt đầu triển khai phát triển các sản phẩm OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, các xã, thị trấn trên địa bàn tiến hành rà soát các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của từng địa bàn. 

Trên cơ sở đó, đánh giá các sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP để tập trung hỗ trợ các xã, doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, huyện đã có 3 sản phẩm đạt "4 sao", còn lại đạt sản phẩm OCOP 3 sao, các sản phẩm này đang tiếp tục được cải thiện, nâng cao chất lượng.

Phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực xây dựng nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 3.

Đến nay huyện Phù Yên (Sơn La) đã có hàng chục sản phẩm OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại huyện Yên Châu (Sơn La), nhận thấy tiềm năng và giá trị kinh tế của cây tỏi một nhánh địa phương, HTX Tây Bắc đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy ủ, sấy tỏi đen. Năm 2018, tỏi đen của HTX đã đến tay người tiêu dùng, với sản lượng ban đầu khoảng 1 tấn/năm. Đến nay, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, với 15 lò ủ và sấy, công suất 1,5 tấn/lần, trung bình sản xuất 45 tấn/năm sản phẩm tỏi đen, doanh thu trên 10 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX, cho biết: Tỏi tươi sau khi thu hoạch, được phân loại, rửa sạch, cắt bỏ rễ, phần đầu cuống, sau đó, xếp khay đưa vào lò ủ liên tục trong 30 ngày đến khi vỏ củ tỏi khô lại, tép tỏi bên trong chuyển màu đen, dẻo, mềm, ngọt. Năm 2020, HTX đã đăng ký với UBND huyện hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ tham gia Chương trình OCOP.

Đến nay, sản phẩm tỏi đen của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm các sản phẩm tỏi đen ngâm mật ong, rượu tỏi đen, chè san tuyết cổ thụ Ôn Ốc, hoa đu đủ đực sấy, chuối sấy khô, mận sấy dẻo có nhãn hiệu "Diệp Bách" được người tiêu dùng ưa chuộng.

Phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực xây dựng nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 4.

Tỏi đen sản phẩm OCOP của huyện Yên Châu (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Từng bước phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho nông dân

Nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ. Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu của các HTX, doanh nghiệp để hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến.

Hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc; xây dựng bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP... Thông qua các hoạt động này, đã thúc đẩy các HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 151 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao.

Phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực xây dựng nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 5.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 151 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Dương Gia Định, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La thông tin: Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng từ tỉnh đến cấp xã, thôn, bản; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM.

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 50% sản phẩm OCOP 3 sao giai đoạn 2021-2025 được nâng hạng lên 4 sao; có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia và có từ 40-50 sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài. Việc ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những yếu tố then chốt giúp các sản phẩm nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.

Văn Ngọc