Nông thôn Tây Bắc: Màu xanh no ấm của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La

Văn Ngọc

15/07/2025 14:37 GMT +7

Thực hiện chủ trương về trồng cây ăn quả trên đất dốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Clip: Màu xanh no ấm của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La

Đồng bào dân tộc vùng cao Sơn La chuyển đổi cây trồng trên nương

Dọc theo các tuyến Quốc lộ 6, Quốc lộ 279D, hay Quốc lộ 4G của tỉnh Sơn La, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những vườn cây ăn quả xanh ngắt trên các sườn đồi, thung lũng. Cũng nhờ màu xanh của cây ăn quả, đồng bào các dân tộc vùng cao Sơn La đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và xây dựng một nông nghiệp bền vững.

Với gia đình anh Lường Văn Mười, dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Chiềng Khoong tỉnh Sơn La. Trước đây, gia đình anh cũng như nhiều hộ khác trong bản, kinh tế phụ thuộc chính vào cây ngô, cây sắn trên nương, "năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa", cứ thế cái đói cái nghèo cứ bủa vây.

Vườn xoài được trồng trên đất dốc ở Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Thế nhưng, từ khi có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, được các cấp, các ngành vận động, tuyên truyền, cùng với việc tham gia các lớp tập huấn, hội nghị về phát triển cây ăn quả, gia đình anh Mười đã mạnh dạn chuyển đổi dần diện tích nương ngô, nương sắn kém hiệu quả sang trồng nhãn. Nhờ vậy, gia đình anh có thu nhập ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo.

Vườn nhãn của anh Lường Văn Mười rộng chừng 5ha, nằm bên sườn đồi cao. Đây từng là phần nương rẫy của thân sinh anh để lại, chuyên gieo ngô, trồng sắn kiếm sống. Ban đầu, anh Mười chỉ dám trồng thử 1,3ha giống nhãn chín muộn Hưng Yên, vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Khi thấy đạt hiệu quả cao, anh mới mở rộng sản xuất ra toàn bộ diện tích 5ha.

"Trước kia gia đình cũng khó khăn, thiếu cái ăn, cái mặc hàng ngày. Từ khi được chuyển sang trồng cây nhãn, được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật, năm nào vụ nhãn cũng sai quả. Cứ đến vụ là thương lái đến thu mua tận vườn, gia đình có thu nhập ổn định," anh Mười chia sẻ.

Vườn cây ăn quả của gia đình anh Lường Văn Mười, dân tộc Thái, Chiềng Khoong, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại xã Mường Bú, một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La, nhờ đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, người dân nơi đây đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, địa phương này đã có những giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bú, cho biết: Những năm qua, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương như xoài, mít, táo, vải thiều, chuối... Chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của nông dân, từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, toàn xã Mường Bú đã có hơn 3.400 ha cây ăn quả các loại, sản lượng hơn 20.000 tấn quả/năm. Đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,25%.

Từ phát triển cây ăn quả, người dân xã Mường Bú có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Cây ăn quả giúp đồng bào các dân tộc Sơn La no ấm

Giai đoạn 2016 - 2025, toàn tỉnh Sơn La đã chuyển đổi, trồng mới gần 62.000 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả và sơn tra hiện có lên 85.000 ha. Sản lượng quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn, đưa Sơn La trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và thứ 2 cả nước. Giá trị sản xuất trên 1 ha trồng cây ăn quả đạt 150-300 triệu đồng/năm; một số mô hình tiêu biểu đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm, so với năm 2016 giá trị đã tăng gấp từ 4-10 lần (từ 110-430 triệu đồng/ha).

Tỉnh Sơn La đã hình thành 201 chuỗi giá trị quả với tổng diện tích hơn 4.500 ha; 335 doanh nghiệp, HTX trồng cây ăn quả với diện tích gần 9.400 ha. Đặc biệt, có 2.200 ha cây ăn quả áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; trên 4.750 ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và tương đương; 218 mã số vùng trồng, 31 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu, trong đó có 14 sản phẩm quả đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Sơn La cũng được công nhận 8 vùng ứng dụng công nghệ cao cho trồng trọt và có 59 sản phẩm quả được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, đã tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu. Từ năm 2017-2025, quả Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 15 nước với sản lượng trên 158.000 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến rau, quả.

Toàn tỉnh hiện có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, trong đó, 17 nhà máy lớn, 543 cơ sở; trên 2.994 cơ sở sấy long nhãn, nông sản và 40 kho lạnh. Có 59 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ quả. Giá tiêu thụ sản phẩm quả tiếp tục được giữ ổn định ở mức cao, góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân, tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cây ăn quả giúp đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, khẳng định: Cây ăn quả đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đề nghị Đảng ủy UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, khuyến khích phát triển cây ăn quả theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng quả sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng) - nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.

Tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu quả tập trung; ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản quả theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng vùng nguyên liệu. Xây dựng chuỗi giá trị quả an toàn, triển khai chương trình, dự án cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm quả của tỉnh. Đặc biệt, gắn phát triển các vùng cây ăn quả tập trung với phát triển du lịch sinh thái.

Sơn La cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX và người dân đầu tư vào phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm quả, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm quả có lợi thế của tỉnh, đủ điều kiện xuất khẩu. Hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất quả gắn vùng sản xuất quả với chế biến quả, thương mại.

Vùng  cây ăn quả tại xã Chiềng Khoong, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh quả chính, tập trung cho các sản phẩm quả chủ lực của tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm quả; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững, ổn định, trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Chú trọng phát triển thị trường sản phẩm quả trong nước, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Với những định hướng chiến lược và sự nỗ lực không ngừng, Sơn La đang khẳng định vị thế là "thủ phủ" cây ăn quả của miền Bắc, mang lại cuộc sống ấm no và bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Sơn La đưa cây ăn quả lên đất dốc, nông dân ngày càng no ấm

Sơn La đưa cây ăn quả lên đất dốc, nông dân ngày càng no ấm

Chiều 16/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016-2025.

Sơn La: Diện tích cây ăn quả và cây sơn tra tăng hơn 200% sau 10 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc

Sơn La: Diện tích cây ăn quả và cây sơn tra tăng hơn 200% sau 10 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc

Diện tích cây ăn quả và cây sơn tra của tỉnh Sơn La ước đạt 85.050 ha, tăng 219% so với năm 2016.

Sơn La: Sản lượng cây ăn quả dự kiến tăng 31%

Sơn La: Sản lượng cây ăn quả dự kiến tăng 31%

UBND tỉnh Sơn La vừa tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo 598, triển khai sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2025.

Chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Sơn La

Chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Sơn La

Theo dự kiến, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2025 sẽ diễn ra trong tháng 5/2025.