dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Bản nghèo Pơ Mu giữ rừng bền vững

Trong vùng Nông thôn Tây Bắc, tỉnh Điện Biên có những bản nghèo của đồng bào dân tộc những kết quả giữ rừng ở đó lại đạt rất cao...

Clip: Bản nghèo Pơ Mu giữ rừng bền vững

Bản nghèo chung tay giữ rừng

Bản Pơ Mu xã Mường Đăng (Mường Ảng, Điện Biên), có 18 hộ gia đình, thì có đến 15 hộ nghèo và cận nghèo. Nhưng trong suốt hơn 30 năm qua, người dân trong bản chưa từng có ý định chặt những cây gỗ quý của bản mang ra ngoài bán.

Từng có thời điểm, rừng ở bản Pơ Mu, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (Điện Biên) có rất nhiều cây gỗ Pơ Mu lớn, thân vài ba người ôm không xuể. Cuộc sống gắn liền với Pơ Mu, cũng chính vì thế mà tên của bản cũng gắn liền với loài cây gỗ quý này. Khi những cây Pơ Mu cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ, người dân đau xót như mất đi tài sản quý báu, rồi quyết tâm bảo vệ rừng Pơ Mu cứ mỗi ngày lại thêm mạnh mẽ hơn.

Bản nghèo Pơ Mu giữ rừng bền vững - Ảnh 2.

Bản Pơ Mu cách trung tâm xã Mường Ðăng, huyện Mường Ảng (Điện Biên) 10km. Anh: Bùi Quang

Sau hơn 1 giờ đồng hồ theo chân những người dân bản Pơ Mu ngược những con dốc gần như thẳng đứng, chênh vênh theo sườn núi, chúng tôi và tổ bảo vệ rừng của bản Pơ Mu đã có mặt tại khu vực rừng đang được bản bảo vệ nghiêm ngặt nhất, nơi có những cây Pơ Mu, gần 30 năm qua vẫn vươn mình phát triển xanh tốt. Bất kể ai có ý định chặt những cây gỗ quý này để dựng nhà, đều bị bản hương ước mà các hộ gia đình trong bản đã ký ngăn lại.

Bản nghèo Pơ Mu giữ rừng bền vững - Ảnh 3.

Ðể rừng được bảo vệ an toàn, bản Pơ Mu thành lập tổ tuần tra, bảo vệ rừng và đề ra hương ước giữ rừng. Anh: Bùi Quang

Anh Lý A Tủa, Trưởng bản Pơ Mu, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng chia sẻ: Ðể rừng được bảo vệ an toàn, bản Pơ Mu thành lập tổ tuần tra, bảo vệ rừng và đề ra hương ước giữ rừng. Theo đó, mỗi người dân đều xác định việc giữ rừng là trách nhiệm của mình, không phân biệt tuổi tác, trai hay gái. Không ai được phá rừng làm nương; không được thả trâu, bò lên khu rừng đã quy định; không ai được tự ý vào rừng chặt cây.

Nếu phát hiện người tự tiện vào rừng chặt cây sẽ bị phạt tiền và thu toàn bộ số cây đó; mức phạt tùy thuộc vào đường kính và số lượng cây. Do quy ước chặt chẽ và được giáo dục từ khi còn bé nên dân bản Pơ Mu ai cũng quý rừng, coi rừng như báu vật.

Bản nghèo Pơ Mu giữ rừng bền vững - Ảnh 4.

Do quy ước chặt chẽ và được giáo dục từ khi còn bé nên dân bản Pơ Mu ai cũng quý rừng, coi rừng như báu vật. Anh: Bùi Quang

Bám vào qui ước hương ước bản để giữ rừng

Trao đổi với phóng viên, anh Lò Văn Bình, Kiểm lâm huyện Mường Ảng phụ trách địa bàn chia sẻ: Để bảo vệ diện tích rừng nói chung, những cây gỗ Pơ Mu nói riêng, 2 tuần 1 lần, tổ bảo vệ rừng của Bản thực hiện tuần tra trên toàn bộ diện tích rừng 1 lần. Vị trí có cây gỗ Pơ Mu được xác định cụ thể, thường xuyên kiểm tra, phát dọn thực bì khu vực cây gỗ quý này mọc. Hoạt động này có sự tham gia, giám sát của lực lượng kiểm lâm huyện.

"Bà con trong bản cũng có ý thức bảo vệ rừng, xây dựng quy ước hương ước để bảo vệ rừng, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, xử lý theo quy ước hương ước của bản. Hộ gia đình đó sẽ không được chi trả tiền bảo vệ rừng. Nên hiện tại ý thức bảo vệ rừng, quản lý rừng của người dân là rất tốt", anh Bình nói

Bản nghèo Pơ Mu giữ rừng bền vững - Ảnh 5.

Rừng pơ mu giờ đã xanh, cây to nhất có đường kính 45 - 50cm. Anh: Bùi Quang

Rừng được giao cho cộng đồng bản Pơ Mu bảo vệ có tổng diện tích hơn 160ha, trong đó có gần 50 cây Pơ Mu mọc rải rác trên diện tích khoảng 10ha, nơi có địa hình phức tạp, có khí hậu lạnh nhất của khu rừng ở độ cao hơn 1.000m. Mỗi hộ hàng năm được nhận tiền từ dịch vụ môi trường rừng, nên công tác bảo vệ rừng ở Pơ Mu đã đi vào nền nếp.

Bản nghèo Pơ Mu giữ rừng bền vững - Ảnh 6.

Ngoài bao bọc dân bản khỏi nắng hạn, mưa lũ thì hàng năm bản Pơ Mu được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 70 triệu đồng. Anh: Bùi Quang

Anh Lý A Phọng Đại diện chủ rừng bản Pơ Mu, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng chia sẻ: Ngoài bao bọc dân bản khỏi nắng hạn, mưa lũ thì hàng năm bản được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 70 triệu đồng; huyện cũng trả công quản lý bảo vệ rừng cho bản 800 nghìn đồng/ha rừng pơ mu. Tính ra mỗi năm bản thu về khoảng 200 triệu đồng từ khu rừng pơ mu này.

Bản Pơ Mu có 18 hộ gia đình, thì có đến 15 hộ nghèo và cận nghèo. Nhưng trong suốt hơn 30 năm qua, người dân trong bản chưa từng có ý định chặt những cây gỗ quý của bản mang ra ngoài bán.

Văn Ngọc