Rừng là niềm tự hào của Nông thôn Tây Bắc
Vài năm trở lại đây, công tác bảo vệ rừng ở vùng Nông thôn Tây Bắc nói chung và ở bản Hồng Thu Mán (xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nói riêng, đã đi vào nề nếp. Người dân trong bản đoàn kết, chung sức bảo vệ rừng, góp phần tô thêm màu xanh cho những cánh rừng của bản.
Đứng trên đèo Hồng Thu Mán, chỉ tay lên cánh rừng phía trước mặt, ông Tẩn Phù Duổn – Trưởng bản Hồng Thu Mán vui vẻ cho biết: "Cánh rừng này xanh tốt như bây giờ là nhờ vào công sức của bà con dân bản cả đấy. Người dân bản Hồng Thu Mán giờ không phá rừng làm nương, cũng không khai thác gỗ bừa bãi như trước nữa. Bà con trong bản ai cũng nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Có sự chung tay bảo vệ của người dân nên cánh rừng của bản ngày càng phát triển xanh tốt".
Đúng như lời ông Duổn, mấy năm gần đây, người dân bản Hồng Thu Mán đã tự giác hơn trong công tác bảo vệ rừng. Khi bản thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, các hộ dân trong bản đều cử người thân tham gia. "Trước khi thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, chúng tôi tổ chức họp bản. Tại buổi họp đó, Ban quản lý bản tuyên truyền, phổ biến về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tới bà con. Chúng tôi cũng thông báo, hộ dân nào không tham gia bảo vệ rừng thì sẽ không được hưởng lợi từ chính sách. Thế là không ai bảo ai, các gia đình trong bản đều cử một người tham gia vào tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản" – ông Duổn nhớ lại.
Hồng Thu Mán giữ rừng vì Nông thôn Tây Bắc
Theo ông Duổn, tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản hoạt động khá tích cực. Công tác tuần tra, bảo vệ rừng được tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản tiến hành thường xuyên, nhất vào những tháng cao điểm của mùa khô hanh. Vào mùa khô hanh (từ tháng 1 đến tháng 4) tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm 4 người, luân phiên đi tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Còn vào những tháng khác, thì tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản phân công các nhóm đi tuần tra từ 3 – 4 lần/tuần.
Qua câu chuyện với ông Duổn, được biết: Kể từ khi được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức giữ rừng của người dân trong bản được nâng lên rõ rệt. Trước đây, tình trạng người dân trong bản khai thác gỗ trái phép để làm nhà diễn ra khá phổ biến. Mấy năm gần đây, tình trạng này đã không còn xảy ra. Minh chứng rõ nét nhất, đó là vào năm 2018, cả bản Hồng Thu Mán chuyển đến nơi ở mới, cách nơi cũ hơn 2km.
Trước khi thực hiện di chuyển, bản đã tổ chức họp vận động bà con không vào rừng lấy gỗ để làm nhà. Điều này được các hộ dận trong bản đồng tình hưởng ứng. Các hộ dân sau khi tháo dỡ nhà cũ, nếu còn tận dụng được gỗ cũ để dựng nhà thì tận dụng. Nếu gỗ cũ không còn tận dụng được, thì mua gạch bi về để xây nhà, bếp.
Bản Hồng Thu Mán có 54 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Bản đưa vào hương ước, quy ước nội dung bảo vệ rừng và cùng chung tay thực hiện. Các hộ gia đình trong bản ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với xã, với bản. Hằng năm, bình quân mỗi hộ dân trong bản được nhận gần 4 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Các hộ dân trong bản sử dụng số tiền dịch vụ môi trường rừng vào mua cây, con giống, tăng gia sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhờ có sự chung sức của người dân trong việc bảo vệ rừng, những cánh rừng ở bản Hồng Thu Mán ngày một xanh hơn. Từ nhiều năm nay, bản Hồng Thu Mán không xảy ra vụ cháy rừng nào. Người dân trong bản chấp hành tốt các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.