Nông thôn mới Tây Bắc: Hỗ trợ chủ rừng ở Điện Biên mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả DVMTR

Thu Hường

17/07/2025 18:12 GMT +7

Nhằm nâng cao hiệu quả, tính minh bạch và kịp thời trong công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đang tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ rừng mở tài khoản ngân hàng để tiếp nhận khoản chi trả trực tiếp, an toàn. Từ nguồn tiền bảo vệ rừng, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, bắt tay xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc.

Đến giữa tháng 7/2025, toàn tỉnh Điện Biên đã có 6.973/7.473 chủ rừng mở tài khoản tại các ngân hàng, đạt tỷ lệ 93,3%. Riêng trong tháng 7, đã có thêm 347 tài khoản được mở mới cho các chủ rừng. Có được kết quả trên, lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ sát sao các chủ rừng cùng các đơn vị ngân hàng để giúp chủ rừng mở tài khoản..

Cán bộ ngân hàng đến cộng đồng thôn bản nhóm 7, thuộc xã Nà Tấu (trước đây là xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng) hướng dẫn các chủ rừng mở tài khoản ngân hàng. Ảnh Thu Hường.

Việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, nhất là đối với các chủ rừng ở vùng sâu, Tại các huyện vùng cao như Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông (trước thời điểm vận hành chính quyền địa phương 2 cấp), nơi giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, nhiều chủ rừng trước đây phải mất cả ngày đường, đi bộ hàng chục cây số để nhận tiền DVMTR. Việc này vừa tốn thời gian, chi phí, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro như mất mát tiền mặt, hiểu lầm trong chia sẻ tiền cho các hộ tại cộng đồng thôn bản. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa hoặc thời điểm bước vào vụ sản xuất.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: "Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng không chỉ giảm thiểu rủi ro thất thoát, mất mát, mà còn giúp chủ rừng chủ động theo dõi số tiền được nhận. Khi có tin nhắn báo tiền về, người dân không cần phải đi lại nhiều lần. Đặc biệt, việc này còn giúp cộng đồng dân cư có thể minh bạch trong quá trình chia sẻ tiền chi trả DVMTR nội bộ, tránh tình trạng hiểu lầm hoặc chia không công bằng".

Ngay tại phường Điện Biên Phủ, nhiều chủ rừng chưa mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả DVMTR cũng được cán bộ ngân hàng đến tận nhà hướng dẫn, mở tài khoản. Ảnh Thu Hường.

Cũng theo ông Tâm thì việc khi chuyển sang chi trả qua tài khoản, người dân chỉ cần mang theo thẻ ngân hàng hoặc điện thoại di động đến điểm giao dịch gần nhất, hoặc chờ khi có dịp đi chợ huyện để rút tiền. Nhiều ngân hàng còn có dịch vụ thông báo biến động số dư tự động, giúp người dân biết chính xác thời điểm tiền đã được chuyển về, từ đó chủ động kế hoạch chi tiêu.

Để đạt được tỷ lệ cao chủ rừng mở tài khoản, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức mở tài khoản lưu động ngay tại các xã, bản. Đồng thời cử cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục mở thẻ, sử dụng thẻ, giải đáp thắc mắc. Ngoài ra, các buổi họp thôn, chương trình truyền thông về bảo vệ rừng cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền về lợi ích của việc nhận chi trả DVMTR qua tài khoản.

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với cán bộ ngân hàng hướng dẫn chủ rừng tại xã Nà Tấu (trước đây là xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng) mở tài khoản ngân hàng. Ảnh Thu Hường

"Chúng tôi hiểu rằng, nhiều chủ rừng là người dân tộc thiểu số, chưa quen sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng. Do đó, Quỹ luôn nỗ lực đơn giản hóa quy trình, cử cán bộ hướng dẫn tận nơi và kết hợp cùng chính quyền địa phương để hỗ trợ tối đa cho người dân", ông Tâm chia sẻ thêm

Theo ông Trần Xuân Tâm, trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngân hàng, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể nhằm đạt mục tiêu 100% chủ rừng trên địa bàn tỉnh có tài khoản ngân hàng để nhận chi trả DVMTR trong năm 2025.

Giải pháp này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của tỉnh Điện Biên trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính và phát triển lâm nghiệp bền vững.

Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là tiền gì? Ai được nhận?

Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là tiền gì? Ai được nhận?

Theo luật sư, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách thiết thực và công bằng nhằm khuyến khích người dân giữ rừng, sống được nhờ rừng...

Điện Biên: Chi trả dịch vụ môi trường rừng - 'lá chắn xanh' vững chắc, 'điểm tựa' kinh tế cho người dân

Điện Biên: Chi trả dịch vụ môi trường rừng - "lá chắn xanh" vững chắc, "điểm tựa" kinh tế cho người dân

Những năm qua, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại những "quả ngọt" đáng khích lệ cho người dân tỉnh Điện Biên. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, chi trả DVMTR còn tạo nên một bước chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cộng đồng về vai trò và trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển "lá phổi xanh" của địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Điểm mới về chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Điểm mới về chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là tỉnh nam Tây Nguyên, có diện tích rừng tự nhiên khoảng 538.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 54,37%. Diện tích chi trả DVMTR trong năm 2023 khoảng gần 400.00 ha, chiếm tỷ lệ 75% diện tích có rừng toàn tỉnh.

Điện Biên: Rà soát, xác định diện tích rừng, lập bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng

Điện Biên: Rà soát, xác định diện tích rừng, lập bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thực hiện Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các bên liên quan xác định diện tích, làm cơ sở để chi trả dịch vụ môi trường rừng 2024 và các năm tiếp theo.