Điện Biên: Chi trả dịch vụ môi trường rừng - "lá chắn xanh" vững chắc, "điểm tựa" kinh tế cho người dân
12/05/2025 16:14 GMT +7
Những năm qua, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại những "quả ngọt" đáng khích lệ cho người dân tỉnh Điện Biên. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, chi trả DVMTR còn tạo nên một bước chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cộng đồng về vai trò và trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển "lá phổi xanh" của địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Điện Biên: "Mưa dầm thấm lâu" - Nâng cao năng lực cộng đồng hưởng lợi từ rừng
- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên tiếp sức "Xanh" cho Giáo dục vùng cao, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường
Theo thống kê, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên là 429.820,41 ha (theo số liệu công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2024), trong đó, diện tích rừng cung ứng DVMTR là 412.109,48 ha. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã có 5.024 chủ rừng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này, với tổng số tiền chi trả đạt trên 211 tỷ đồng.

Hiệu quả từ việc chi trả DVMTR mang lại là không thể phủ nhận. Công tác quản lý và bảo vệ rừng đã được tăng cường một cách rõ rệt, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế tối đa tình trạng xâm lấn, khai thác trái phép tài nguyên rừng. Minh chứng là số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm đáng kể qua từng năm. Ý thức bảo vệ rừng không còn là trách nhiệm riêng của các cơ quan chức năng mà đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư các thôn, bản. Nguồn lực tài chính ổn định từ DVMTR cũng đã được huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, chi trả DVMTR đã thực sự trở thành "điểm tựa" kinh tế vững chắc cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nguồn thu ổn định từ rừng không chỉ giúp họ trang trải cuộc sống mà còn mở ra cơ hội tạo thêm việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, chia sẻ: "Chi trả DVMTR đã tạo dựng được một cơ sở kinh tế bền vững cho người dân. Khi có nguồn thu ổn định từ rừng, họ sẽ yên tâm hơn trong việc bảo vệ và phát triển vốn quý này. Quỹ luôn chủ động triển khai quy trình chi trả một cách nhanh chóng và chính xác, đảm bảo tiền DVMTR đến tay người dân được thụ hưởng một cách kịp thời".

Để chi trả DVMTR đi vào chiều sâu và phát huy tối đa hiệu quả, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định chi tiết, đồng thời thường xuyên rà soát, bổ sung các quy chế, quy định cho phù hợp với luật pháp hiện hành và đặc thù của địa phương. Công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được chú trọng, hướng đến sự công khai, minh bạch, đơn giản và thuận tiện, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan. Việc cấp sổ tay chi trả và hướng dẫn ghi chép cụ thể đã giúp các chủ rừng dễ dàng theo dõi và quản lý nguồn thu của mình một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, Quỹ còn tăng cường phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh như Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank và các ngân hàng thương mại khác để mở tài khoản và thực hiện chi trả tiền DVMTR một cách thuận lợi. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã có 4.681 chủ rừng mở tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ 93%.
Công tác rà soát, xác định chính xác diện tích rừng có cung ứng DVMTR luôn được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đặc biệt quan tâm. Sự phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, thị trấn và Hạt Kiểm lâm trong việc xác nhận diện tích, cập nhật thông tin đã đảm bảo tính chính xác trong quá trình chi trả.

Không chỉ dừng lại ở việc chi trả, Quỹ còn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng và sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách DVMTR, giáo dục ý thức bảo vệ rừng và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường sống đến mọi tầng lớp nhân dân. Các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên môn cấp huyện, Hạt Kiểm lâm và đại diện UBND các xã về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, quy chế sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích cũng được tổ chức thường xuyên.
Chi trả DVMTR thực sự đã tạo nên một "luồng gió mới" trong công tác bảo vệ rừng tại Điện Biên. Nhận thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt; tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép đã giảm đáng kể. Từ nguồn kinh phí DVMTR, nhiều cộng đồng dân cư đã có điều kiện để đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với những thành quả đã đạt được, chi trả DVMTR không chỉ là một giải pháp kinh tế hiệu quả mà còn là một "lá chắn xanh" vững chắc, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên rừng quý giá cho các thế hệ mai sau của tỉnh Điện Biên. Đây thực sự là một hướng đi đúng đắn, cần được tiếp tục nhân rộng và phát triển trong tương lai.