dd/mm/yyyy

Nông sản Xín Mần từng bước xuất ngoại

Thời gian qua, huyện Xín Mần (Hà Giang) đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, đẩy mạnh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản, qua đó giúp cho ngành nông nghiệp có hướng đi bền vững, góp phần thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.

Mặc dù vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhưng chưa lúc nào nông sản Xín Mần lại có niềm hy vọng phát triển một cách bền vững như hiện nay, người dân đang có nền tảng cơ bản trong sản xuất nông nghiệp nhờ chuỗi liên kết sản xuất.

Nông sản Xín Mần từng bước xuất ngoại - Ảnh 1.

Được sản xuất theo quy trình hữu cơ, cây củ cải trên đất Xín Mần phát triển tốt cho củ to, có độ dinh dưỡng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Xã Xín Mần, một trong 4 xã vùng biên giới, nơi đây ngoài chăn nuôi sản xuất, người dân có rất ít lựa chọn ngành nghề khác để tăng thêm thu nhập, khi mà cửa khẩu quốc gia Xín Mần – Đô Long bị "đóng băng", nông sản địa phương gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm nên chưa trở thành hàng hóa.

Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt và nỗ lực của UBND huyện và các ngành chức năng, sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giúp nông sản Xín Mần vươn xa ra thị trường thế giới.

Năm 2021, Công ty Việt Nam Misaki đã trồng thử nghiệm diện tích củ cải tại xã Xín Mần với hơn 4ha. Qua đó, đánh giá thực chất về mức độ phù hợp, thích nghi khí hậu, thổ nhưỡng và độ dinh dưỡng của sản phẩm, từng bước tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản với mục tiêu ổn định, lâu dài, từ đó tạo thu nhập ổn định cho nhân dân vùng biên giới.

Ông Cháng Văn Kinh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Xín Mần cho biết: Thị trường Nhật Bản là thị trường rất khó tính, luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Vì vậy, khi triển khai chương trình, huyện cũng đã chỉ đạo ngành chuyên môn cũng như tuyên truyền người dân thực hiện đúng quy trình từ chăm sóc đến thu hoạch.

Thực tế, cây củ cải được địa phương canh tác bao đời nay, là nguồn thực phẩm hàng ngày người dân. Tuy nhiên, việc sản xuất mới chỉ dừng lại ở tự cung tự cấp, nên diện tích trồng không được tập trung, tự phát, chưa có quy hoạch bền vững. Nhưng từ khi tham gia dự án, các hộ dân đã được hỗ trợ phân bón, cây giống và kỹ thuật gieo trồng để đảm bảo củ cải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sau 3 tháng trồng thử nghiệm, sản xuất theo quy trình hữu cơ, cây củ cải trên đất Xín Mần phát triển tốt cho củ to có độ dinh dưỡng cao, đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra.

Nông sản Xín Mần từng bước xuất ngoại - Ảnh 2.

Cán bộ Công ty TNHH Việt Nam Kisaki kiểm tra diện tích trồng củ cải ở xã Xín Mần

Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Xín Mần Tải Minh Cường cho hay: Mô hình sản xuất củ cải xuất khẩu theo quy trình hữu cơ được trồng thử nghiệm ở 14 hộ dân. Sau 3 tháng cho sản lượng 120 tấn/4ha, thu nhập hơn 80 triệu/ha, cao gấp 4 lần so với trồng ngô. Và năm 2022 này, mô hình đã mở rộng diện tích sản xuất với 2 đợt: đợt 1 trồng 5ha và đợt 2 là 8ha.

Không chỉ liên kết sản xuất với cây củ cải, huyện Xín Mần cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục liên kết sản xuất các loại nông sản khác như: củ kiệu, gừng trâu ra một số xã Nàn Ma, Tả Nhìu, thị trấn Cốc Pài.

Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki, một trong những đơn vị liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho biết: Qua 2 năm trồng thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy Xín Mần rất có tiềm năng để phát triển các loại cây trồng có thể xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài những điều kiện tốt về khí hậu, đất đai thì người nông dân Xín Mần cũng rất cần cù lao động, tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn đối với việc phát triển các loại cây trồng này.

Cũng theo bà Lập, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với UBND, HTX và người dân huyện Xín Mần phát triển thêm một số loại cây trồng chủ lực, hình thành vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, chế biến, xuất khẩu tại chỗ với mục tiêu nâng cao chất lượng, sản lượng, giá thành để cạnh tranh được với các vùng nguyên liệu của các nước trong khu vực.

Theo lãnh đạo huyện Xín Mần, hiện trên địa bàn huyện, nhà máy chế biến sâu các sản phẩm nông sản xuất khẩu đã được doanh nghiệp đầu tư xây dựng. UBND huyện cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với một số doanh nghiệp để liên kết phát triển vùng nguyên liệu củ cải, củ gừng, củ kiệu, dưa chuột, tre măng Bát Độ và một số loại rau, củ, quả khác với tổng diện tích triển khai hơn 400ha tại 10 xã, thị trấn.

Nông sản Xín Mần từng bước xuất ngoại - Ảnh 3.

Mô hình khảo nghiệm trồng củ cải gắn với bao tiêu sản phẩm trên đất Xín Mần (Hà Giang)

Tính đến hết tháng 3/2022, huyện Xín Mần đã xây dựng 11 dự án với kinh phí hỗ trợ dự kiến trên 16 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp. Điển hình là Dự án chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Dự án chăn nuôi lợn đen thương phẩm, lợn nái sinh sản theo hướng nông nghiệp sạch được liên kết theo chuỗi giá trị; Dự án trồng chuối tiêu, trồng mướp đắng rừng, trồng lúa Già Dui, chè Shan tuyết… đều theo chuỗi liên kết giá trị và bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã và doanh nghiệp.

Đặc biệt, huyện sẽ tập trung chú trọng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm đối với cây trồng thế mạnh đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Qua đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương và tạo bước phát triển tốt trong liên kết, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản.

Với định hướng phát triển mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất nông sản hữu cơ và nông nghiệp hàng hóa đặc trưng có giá trị xuất khẩu, Xín Mần đã và đang vận dụng các chính sách, từ các chương trình mục tiêu, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp; bao tiêu sản phẩm, thực hiện chuỗi liên kết đảm bảo ổn định và chặt chẽ. Tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, từ đó tăng thu nhập cho người dân góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. 


Văn Long