Clip: Nông dân Yên Châu đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản
Nâng cao chất lượng nông sản
Thời gian qua, huyện Yên Châu (Sơn La) đã triển khai nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng các chuỗi nông sản an toàn, hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá thương mại đối với những sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, HTX và nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định giá trị các thương hiệu nông sản trên địa bàn.
HTX Phương Nam (bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La), hiện HTX có 100 ha nhãn, trong đó có hơn 80 ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Để thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm. Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã giúp các thành viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất, áp dụng công nghệ tưới ẩm, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.
Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đã được ghép, cải tạo nên năng suất, chất lượng hơn hẳn giống địa phương trước đây. Đặc biệt, thương hiệu nhãn ghép của HTX sau khi được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng đã có mặt tại các thị trường trong tỉnh và siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn.
Anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam (bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La), chia sẻ: Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giữ uy tín đối với khách hàng, xây dựng thương hiệu của HTX, ngoài hỗ trợ của các cấp, các ngành, Ban Giám đốc HTX luôn cùng nhau bàn bạc, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm hoa quả; hiện nay diện tích trồng cây ăn quả của HTX được công nhận tiêu chuẩn VietGAP...
Chủ động các phương án tiêu thụ nông sản
Trao đổi với ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Hiện Yên Châu có trên 60 HTX, trong đó, 45 HTX trồng cây ăn quả, huyện xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VIETGAP); quản lý, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả, mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu; có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đơn vị tăng cường giám sát quá trình chăm sóc theo tiêu chuẩn đối với diện tích cây ăn quả của các doanh nghiệp, HTX. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh hại hiệu quả. Hướng dẫn các HTX, hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu của các siêu thị và thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng đối với nông sản chủ lực, như: Xoài, nhãn, chuối...
Cũng theo ông Dũng, trong thời gian tới để triển khai có hiệu quả việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn, giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, huyện Yên Châu (Sơn La) sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất trên địa bàn xã theo hướng đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và đẩy mạnh việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất (trọng tâm đầu tư hệ thống đường giao thông, các công trình thủy lợi ….) gắn với đẩy mạnh thu hút, doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn.
Cùng với đó, để đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng trái cây cho nhân dân, huyện đã giao các cơ quan chuyên môn, UBND các xã làm việc với các HTX, các doanh nghiệp thu gom đầu mối để tiếp tục duy trì các bạn hàng truyền thống cũng như giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông sản của Yên Châu đến với bạn hàng trên cả nước. Tổ chức các lớp tập huấn bán hàng online trên nền tảng số, hệ thống siêu thị điện tử. Để giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, huyện đã chủ động kết nối với bạn hàng đưa sản phẩm vào chế biến; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư nhà lạnh, kho lạnh bảo quản nông sản.