dd/mm/yyyy

Nông dân vùng biên giới tỉnh Sơn La hồ hởi vào vụ thu hoạch nhãn

Những ngày này, nông dân huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La đang tấp nập thu hoạch nhãn để bán cho thương lái. Vụ nhãn năm nay được mùa, giá cả ổn định nên bà con phấn khởi...
Nông dân vùng biên Sơn La thu hoạch nhãn - Ảnh 1.

Nhãn Sông Mã đã trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con xóa nghèo. Ảnh: Trần Hiền.

Nhãn đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân

Tháng 7 những cơn mưa bất chợt như xoa dịu đợt nắng ngột ngạt, oi ả, cũng là lúc nhiều hộ dân trồng nhãn ở huyện Sông Mã bắt tay vào vụ thu hoạch nhãn. Từ sáng sớm, người, xe đi thu hái tấp nập; giá cả được các thương lái mua giao động từ 25 - 35 nghìn đồng/kg; những quả mẫu mã kém hơn một chút được các lò sấy thu mua về làm long nhãn giá 14 nghìn đồng/kg.

Vào mùa nhãn, ra đường mọi người đều hỏi thăm nhau “hôm nay cắt nhiều không”, “ bán nhãn cho mối nào”, “giá nhãn hôm nay thế nào?”… xen lẫn tiếng nói, tiếng cười làm cho không khí lao động hăng say. Được biết cây nhãn bén duyên với đồng đất ở Sông Mã từ những năm 60 của thế kỷ XX. Cây nhãn được trồng ở các bản dọc hai bên bờ sông Mã thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, Chiềng Cang. 

Theo thời gian, cây nhãn đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Để cây nhãn cho năng suất, chất lượng nông dân Sông Mã đã áp dụng kỹ thuật chiết, ghép; sử dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GloBALGAP. Nhiều hộ còn đầu tư hệ thống phun tưới ẩm, cung cấp đủ nước cho cây nhãn trong quá trình ra hoa, đậu quả và quá trình nuôi dưỡng quả.

Nông dân vùng biên Sơn La thu hoạch nhãn - Ảnh 2.

Nông dân huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thu hoạch quả nhãn. Ảnh: Trần Hiền.

Có mặt tại vườn nhãn của gia đình anh Phạm Tiến Đạt, xã Nà Nghịu, chúng tôi mới cảm nhận được sự tất bật, hối hả trong thu hoạch nhãn kịp cho đơn hàng trong ngày. Hiện gia đình anh Đạt có gần 10 ha nhãn, chủ yếu là giống nhãn T6 (chín sớm) và nhãn miền. 

Anh Đạt, chia sẻ: Vụ nhãn năm nay, gia đình tôi sẽ thu về khoảng 100 tấn quả. Từ đầu tháng 7 đến nay, gia đình tôi đã xuất bán hơn 20 tấn quả; chủ yếu là bán cho thương lái. So với năm ngoái, giá bán tương đối ổn định nên bà con rất phấn khởi.

Để kịp cho việc vận chuyển về các chợ đầu mối tiêu thụ, các tiểu thương cũng nhanh chóng xếp nhưng chùm nhãn sai trĩu quả vào thùng. Theo chia sẻ của hầu hết các thương lái, việc thu hái chủ yếu diễn ra vào buổi sớm. Vì thời điểm này, thời tiết không nắng nóng, quả nhãn sẽ tươi; đảm bảo việc vận chuyển để buổi sáng hôm sau kịp về các chợ đầu mối tiêu thụ. 

Chị Trần Thị Thắm, thương lái đến từ thành phố Hà Nội, cho biết: Đến mùa nhãn, vợ, chồng tôi lên đây thu mua. Thời điểm này, đang tập trung thu mua nhãn T6 (nhãn chín sớm); cuối tháng 7 hết thì thu mua nhãn miền. Có ngày cao điểm thu mua khoảng 7 tấn về các chợ đầu mối ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... tiêu thụ. Với ưu điểm mẫu mã đẹp, quả to, cùi dày lại ngọt nên được khách hàng ưa chuộng, vì thế mà hàng về đến đâu bán hết đến đó.

Nông dân vùng biên Sơn La thu hoạch nhãn - Ảnh 3.

Nhãn Sông Mã to, cùi dày được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Trần Hiền.

Ngoài liên kết với một số tiểu thương ở các chợ đầu mối lớn như: Chợ Long Biên (Hà Nội), Việt Trì (Phú Thọ), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong còn liên kết với Công ty TNHH cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA Hải Dương chào hàng tại một số thị trường EU. 

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã phấn khởi nói: Với sản lượng 350 tấn quả, năm nay, HTX dự kiến xuất khẩu sang thị trường Úc khoảng 20-25 tấn quả, thị trường Trung Quốc khoảng 30 tấn quả, còn lại tiêu thụ thị trường nội địa và chế biến long nhãn. Rất vui, sắp tới nhãn của HTX sẽ được huyện lựa chọn xuất khẩu sang thị trường Úc. Đây là động lực để HTX tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, khẳng định thương hiệu và uy tín nhãn Sông Mã đến với bạn bè trong và ngoài nước.

So với một số loại cây trồng khác, nhãn Sông Mã cho sản lượng tốt, giá cả ổn định. Với thị trường tiềm năng trên, sản phẩm cần phải đáp ứng được các yêu cầu mang tính quốc tế. Đảm bảo tiêu chuẩn về kỹ thuật, các HTX, hộ dân đã chú trọng đến việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm như: VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP, ISO 22000… Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn đảm bảo rằng quy trình sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Nông dân vùng biên Sơn La thu hoạch nhãn - Ảnh 4.

Nông dân Sông Mã đóng gói quả nhãn cẩn thận để bán cho thương lái. Ảnh: Trần Hiền.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX, chia sẻ: Đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, 100% thành viên HTX chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ; liều lượng, ngày giờ bón phân được ghi chép cẩn thận vào sổ theo dõi sản xuất.  Việc tuân thủ áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất đã giúp cho chất lượng quả ngày càng tăng lên. Trước đây trọng lượng phải 70-85 quả/kg thì nay áp dụng kỹ thuật trọng lượng bình quân 45 - 50 quả/kg. Thời điểm này, ngoài việc thu hoạch quả tươi, các thành viên HTX cũng rà soát, đầu tư nâng cấp 6 lò sấy long nhãn.

Với sự định hướng cụ thể trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đến nay, toàn huyện có trên 7.500 ha cây nhãn, chủ yếu là giống nhãn T6 và nhãn miền thiết; sản lượng năm 2023 ước đạt trên 70.000 tấn, trong đó, đã tiêu thụ 4.500 tấn quả tươi ở thị trường trong nước. 

Cây nhãn từng bước khẳng định được vị thế, nhiều gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng nhãn. Đến nay, huyện được cấp 46 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Úc, New Zealand, với diện tích gần 500 ha.

Cùng với đó, huyện xây dựng vùng quả an toàn, phát triển theo chuỗi liên kết cho 48 HTX, Công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích trên 900 ha; 78 hộ ở 12 bản của xã Chiềng Khương phát triển công nghệ tưới phun sương cho gần 70 ha cây nhãn, góp phần nâng cao các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nông dân vùng biên Sơn La thu hoạch nhãn - Ảnh 5.

Sản phẩm nhãn Sông Mã đang vươn xa ra thị trường thế giới. Ảnh: Trần Hiền.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhãn cho nông dân

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Ngay từ đầu năm huyện Sông Mã đã ban hành kế hoạch về tiêu thụ sản phẩm; xác định rõ các địa bàn tiêu thụ; đẩy mạnh liên kết, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. 

Dự kiến ngày 28/7, huyện sẽ xuất khẩu 2 container nhãn đầu tiên của năm sang thị trường Trung Quốc, EU và Vương quốc Anh. Việc tổ chức xuất khẩu nhãn Sông Mã sang các thị trường, góp phần thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phấn đấu tiêu thụ hết sản lượng năm 2023 đảm bảo yêu cầu “Được mùa, được giả, được thu nhập” cho các HTX và hộ dân trồng nhãn.

Mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện Sông Mã còn tích cực tham gia các đoàn công tác do tỉnh tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu. Phối hợp với các đơn vị như: Công ty TNHH Sản xuất và thương mại tổng hợp Phương Mai, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Mai, Công ty TNHH Hùng Thảo Bắc Giang, Công ty TNHH Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA Hải Dương và một số thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã thực hiện ký cam kết với tỉnh về thực hiện xuất khẩu. 

Huyện Sông Mã thành lập các kênh quảng bá thương hiệu hiện đại online: các kênh truyền thông trên mạng xã hội: fanpage, youtube, tiktok, website…; duy trì thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Australia đối với trái cây tươi; phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU.

Nông dân vùng biên Sơn La thu hoạch nhãn - Ảnh 6.

Nông dân Sông Mã (Sơn La) làm long nhãn tại nhà. Ảnh: Trần Hiền.

Nhãn Sông Mã có đặc trưng quả to, vỏ mỏng, cùi dày và hương vị thơm ngọt. Ngoài việc xuất bán trực tiếp quả nhãn tươi, nhãn còn được chế biến thành long nhãn. Hoạt động này, không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động mà con nâng cao giá trị sản phẩm long nhãn Sông Mã. 

Việc nông dân chủ động chế biến long nhãn để tiêu thụ sẽ tránh bị ép giá. Do vậy, các xã, thị trấn đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các HTX, nông hộ thay dần các lò sấy thủ công sang lò sấy hơi, nhiệt để tạo ra sản phẩm long nhãn có mẫu mã đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Hiện nay, toàn huyện có 2.994 lò sấy, công suất chế biến từ 1.500 - 2.000 tấn quả tươi/ngày. Năm 2023, huyện Sông Mã dự kiến đưa vào chế biến khoảng 25.000 tấn quả tươi; duy trì 5 container lạnh bảo quản nông sản với công suất khoảng 130-162 tấn quả tươi và 3 kho lạnh có khả năng bảo quản khoảng 360 tấn quả tươi.

Những chuyến xe cứ nối nhau chở nhãn đi muôn nơi là kết quả của nhiều năm nỗ lực và là hướng đi phát triển kinh tế của huyện Sông Mã. Sự cam kết về chất lượng, đổi mới trong quy trình sản xuất và xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy đã mang lại thành công cho sản phẩm nhãn Sông Mã tại thị trường trong nước và quốc tế.

Mùa Xuân - Trần Hiền