dd/mm/yyyy

Sơn La nhân rộng mô hình "Nông dân dạy nông dân"

Những “giáo viên” là nông dân sản xuất giỏi, có uy tín với cộng đồng; am hiểu phong tục tập quán, truyền đạt bằng tiếng dân tộc mình đang phát huy hiệu quả trong mô hình "Nông dân dạy nông dân", tiết kiệm thời gian, chi phí cho bà con của tỉnh Sơn La.
Sơn La nhân rộng mô hình "Nông dân dạy nông dân" - Ảnh 1.

Bưu điện và Hội Nông dân tỉnh phối hợp tập huấn về sàn thương mại điện tử cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quỳnh Ngọc

Đào tạo nông dân thành tập huấn viên

Nông dân Sơn La chiếm trên 80% dân số toàn tỉnh, số hộ hội viên nông dân chiếm trên 78% so với số hộ nông nghiệp. Theo báo cáo của Hội Nông dân, năm 2019, toàn tỉnh có hơn 20.000 hộ đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp, chỉ chiếm gần 25% so với tổng số hội viên mà hội nông dân các cấp trong tỉnh đang phụ trách, đây là con số quá nhỏ.

Trước thực trạng đó và nắm bắt thời cơ Trung ương hội Nông dân Việt Nam triển khai mô hình đào tạo nghề cho nông dân với cách làm "Nông dân dạy nông dân", năm 2019, Hội Nông dân tỉnh đã họp bàn và lần đầu tiên mở 2 lớp đào tạo 50 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trở thành tập huấn viên trong phát triển kinh tế của 12 huyện, thành phố. Lớp tập huấn, đã chuyển giao cho nông dân những tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch những nông sản chủ lực của địa phương, như: Mận, xoài, nhãn... là việc làm thiết thực nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân. Việc lựa chọn hình thức tập huấn rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của lớp tập huấn. 

Vì vậy, để lớp học thành công được nhân rộng, Hội phối hợp với giảng viên Trường Đại học Tây Bắc, Trung tâm Khuyến nông... là những người có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học trong trồng, chăm sóc cây ăn quả để lên lớp chuyển giao kỹ thuật cho hội viên nông dân; các lớp học đều tổ chức đi thực tế, đến cả những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nghiên cứu, học tập. Sau lớp tập huấn, trở về địa phương, 50 nông dân thành lập huấn viên đã tích cực đi trước, làm trước và tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo... Đây là ưu điểm nổi bật của mô hình "Nông dân dạy nông dân”.

Sơn La nhân rộng mô hình "Nông dân dạy nông dân" - Ảnh 2.

Ông Tráng A Cao, xã Hua Tạt, huyện Vân Hồ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cam cho nông dân trong xã. Ảnh: Quỳnh Ngọc.

Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Qua lớp tập huấn, tạo bước thay đổi mạnh mẽ tư duy của người nông dân, tạo ra phương thức sản xuất mới, có tính liên kết, hướng tới sự phát triển bền vững. Để việc học đi đôi với hành thuận lợi, giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn vốn và vật tư phục vụ sản xuất, 5 năm qua, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 33.348 hộ vay vốn, với dư nợ 1.537.807 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Sơn La cho 8.829 hộ vay, tổng dư 1.022.304 triệu đồng. Công tác quản lý, cho vay đúng quy định, các hộ được hỗ trợ vay vốn sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao. 

Nâng cao năng lực nông dân 

Thăm ông Tráng A Cao, dân tộc Mông, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ là 1 trong 50 học viên tham gia lớp tập huấn khóa 1 “Nông dân dạy nông dân”. Trước đây, ông chỉ làm nông nghiệp theo kinh nghiệm tự học, nên hiệu quả kinh tế không cao. Thế nhưng, từ ngày ông tham gia lớp tập huấn, được truyền đạt khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây, con; được tham quan và học tập các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ông đã về ứng dụng những điều đã học.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà hai tầng, ông Tráng A Cao, bảo: Trước kia, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là câu chuyện chưa có ở bản Hua Tạt, nên tôi và nhiều gia đình trong bản Hua Tạt có cuộc sống khó khăn, do chưa tìm được hướng phát triển kinh tế, quanh năm chỉ trồng lúa nương, cây ngô trên đất dốc đã bạc màu, dẫn tới tình trạng đói giáp hạt kéo dài, tỷ lệ hộ nghèo của xã có tỷ lệ cao. Thế rồi, sau khi tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, tôi dùng số vốn 50 triệu đồng của gia đình cộng với vay mượn thêm hơn 200 triệu đồng quyết tâm cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới và chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng trên 1.000 cây chanh tứ quý.

Tuy nhiên, thời điểm đó chanh không được giá, bị thua lỗ. Sau đó, tôi phá bỏ diện tích trồng chanh tứ quý chuyển sang trồng cam Vinh, cam Đường Canh, quýt ngọt và hồng giòn. “Lấy ngắn nuôi dài”, trồng thêm dâu tây và các loại rau màu trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động cho cây ăn quả. Sau 4 năm đầu tư công sức, tiền của, diện tích cây ăn quả của ông Cao bắt đầu cho thu hoạch với thu nhập hơn hẳn cây ngô, lúa nương, mở ra một hướng đi mới cho gia đình và bà con trong bản. Hiện nay, gia đình ông Cao có hơn 300 cây hồng giòn, 12 ha cam quýt… mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng.

Phát huy vai trò tập huấn viên, không chỉ tiên phong thay đổi tập quán canh tác cũ, ông Cao còn cùng cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân chuyển đổi trồng ngô sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn; ông đã truyền đạt lại cho dân bản những kinh nghiệm đã học được để áp dụng vào trồng cây ăn quả trên đất dốc. Giờ đây, 7 nông dân trong xã cùng ông thành lập Hợp tác xã nông nghiệp A Cao chuyên trồng cây ăn quả, với hơn 20 ha do chính ông làm giám đốc, có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm/thành viên. 

Giờ đây, ông Cao không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, còn là đảng viên tiêu biểu nơi vùng cao Sơn La, là người không chỉ nỗ lực, tích cực trong các việc khó, vận động nhân dân phá bỏ cây thuốc phiện, loại bỏ hủ tục ra đời sống hằng ngày, còn là “cánh tay nối dài” giữa Đảng, Nhà nước với nông dân. Mô hình “Nông dân dạy nông dân”, đã góp phần đưa bản Hua Tạt trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện Vân Hồ, có gần 80 ha cây ăn quả, trên 50 ha trồng rau màu; nuôi trên 300 con trâu, bò và gần 1.300 con lợn. 

Cả bản giờ chỉ còn 2 hộ nghèo đang được tiếp tục giúp đỡ để thoát nghèo trong năm nay. Với cách làm cầm tay chỉ việc, vừa học vừa làm, đặc biệt là lấy “nông dân dạy nghề cho nông dân” mà nhiều năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của Hội Nông dân đạt nhiều kết quả. Điều này, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

Sơn La nhân rộng mô hình "Nông dân dạy nông dân" - Ảnh 3.

Nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chăm sóc vườn na. Ảnh: Quỳnh Ngọc.

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi tiếp tục gặp ông Trần Bá Cường, ở Tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn cũng là học viên khóa 1 của mô hình “Nông dân dạy nông dân”. Người CCB già hiền hậu, tiếp xúc với ông ấn tượng đầu tiên là giọng nói ấm áp và nụ cười luôn thường trực. Hiện nay, gia đình ông trồng 3,5 ha na Thái; 1,5 ha xoài, 1 ha nhãn. Hằng năm, cho thu hoạch hơn 40 tấn na; 11 tấn xoài; 8 tấn nhãn và 1,5 tấn thanh long ruột đỏ, trừ chi phí đầu tư mỗi năm thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Cường nói: Một mình làm giàu không vui bằng cả xã mình cùng làm giàu, nên là người đi trước, có kinh nghiệm hơn, tôi luôn hướng dẫn bà con việc cắt cây, tỉa cành, bón phân theo kỳ, rồi chăm sóc quả, thậm chí cả kết nối đầu ra cho sản phẩm… Không những thế, các hộ cũng chủ động hỗ trợ nhau từ ngày công, cây giống, chăm sóc để các vườn cây ăn quả đạt năng suất cao nhất. 

Sơn La nhân rộng mô hình "Nông dân dạy nông dân" - Ảnh 4.

Hướng dẫn tại vườn cho nông dân cách giới thiệu sản phẩm lên các nền tảng xã hội. Ảnh: Quỳnh Ngọc.

Ngoài các ông Tráng A Cao, Trần Bá Cường, còn nhiều tấm gương tiêu biểu của mô hình “Nông dân dạy nông dân”, mà khi nhắc đến tên các ông hầu như nông dân đều biết đến, điển hình như ông Hoàng Văn Chất, bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Chất luôn chia sẻ kinh nghiệm về trồng các loại cây ăn quả cho nhân dân trên địa bàn xã, trong tỉnh. Năm 2018, ông đã vận động 12 hộ thành lập hợp tác xã Trường Tiến. 

Hiện nay, HTX còn liên kết, cung cấp cây giống, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua bao tiêu sản phẩm cho trên 360 hộ trên địa bàn Thành phố và các huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La...Bên cạnh đó, mô hình kinh tế của HTX trở thành địa chỉ để các đoàn công tác trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả bên nước bạn Lào đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Ông Chất còn hướng dẫn nhân dân cụm Ten Luồng, huyện Mường Ét, nước CHDCND Lào cải tạo đất đồi, kỹ thuật chăm sóc 5 ha cam trên đất dốc.

Hay ông Nguyễn Văn Minh, bản Thu Đán, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, cùng nhân dân trong xã vươn lên làm giàu với cây xoài; ông Nguyễn Hữu Tứ, HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi cùng nhân dân làm giàu bằng cây na... Ghi nhận đóng góp, UBND tỉnh Sơn La và các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen những người nông dân về việc nhân rộng cách làm, giải quyết việc làm lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh... 

Nhân rộng cách làm 

Mô hình “Nông dân dạy nông dân” đang phát huy hiệu quả, tạo bước chuyển biến rõ nét khu vực kinh tế nông thôn. Dựa vào tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, người dân đã sáng tạo, vận dụng một cách linh hoạt các mô hình canh tác, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đào tạo nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thành tập huấn viên trong phát triển kinh tế theo chuyên đề chuyên sâu về loại 3 loại cây: Xoài, nhãn, mận hậu cho 30 học viên, gắn học lý thuyết với thực hành tại mô hình sản xuất. Phấn đấu tổ chức, phối hợp tổ chức dạy nghề cho 12.900 hội viên, nông dân; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.700 lượt hội viên nông dân.

Sơn La nhân rộng mô hình "Nông dân dạy nông dân" - Ảnh 5.

Đưa sản phẩm nông sản của nông dân Sơn La lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để kết nối, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Quỳnh Ngọc.

Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết thêm: Tiếp tục nhân rộng mô hình “Nông dân dạy nông dân”, giờ đây không chỉ bó hẹp trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây con, mà thích ứng với nông nghiệp số, Hội đang đồng hành với nông dân tích cực chuyển đổi số trong các khâu từ chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm; đã tổ chức gần 100 đợt tập huấn kiến thức, kỹ năng cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân các cấp. 

Đồng thời, hướng dẫn các hộ nông dân từng bước tiếp cận, làm quen với các sàn thương mại điện tử; chào bán và kết nối vận chuyển nông sản đến với người tiêu dùng. Tín hiệu vui, hội viên nông dân đã nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng những nền tảng mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, với xu thế video ngắn đang được người sử dụng ưa chuộng trên các nền tảng như Tiktok, Youtube hay Facebook. Nội dung được các chủ kênh xây dựng chủ yếu liên quan đến quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, từ đó, thu hút người xem và sẵn sàng kết nối tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh mở các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân cách thức đưa thông tin giới thiệu về các sản phẩm nông sản của địa phương lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để kết nối, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La ra ngoài tỉnh và các nước trên thế giới. 

Bằng cách nông dân dạy lại nông dân, đến nay, toàn tỉnh có trên 19.500 hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn và Voso.vn; hỗ trợ 26 hợp tác xã đưa 108 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương lên sàn Postmart.vn; xây dựng chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Mô hình "Nông dân dạy nông dân" đã thôi thúc, lôi cuốn, khích lệ hàng nghìn hộ thi đua sản xuất, sau 3 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh có 53.360 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. Từ dây, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, là tấm gương sáng của tinh thần vượt khó, quyết chí làm giàu cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên, góp phần đưa ngành nông nghiệp Sơn La phát triển bền vững; xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu, đẹp.

Quỳnh Ngọc