Đang Mường và câu chuyện bảo tồn văn hóa của người Mường ở Sơn La

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc Thứ bảy, ngày 15/07/2023 12:35 PM (GMT+7)
Làn điệu đang Mường là nét đẹp văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc, mang niềm tự hào và sức mạnh tinh thần của cộng đồng người dân tộc Mường. Đây là những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, lưu giữ và phát triển.
Bình luận 0


Clip: Xây dựng tương lai bền vững cho làn điệu đang Mường.

Đang Mường - giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, lưu giữ và phát triển

Nếu như dân tộc Thái có làn điệu khắp, dân tộc Tày có hát then, dân tộc H'Mông có múa khèn …, thì dân tộc Mường tự hào có làn điệu đang Mường. Lời đang chứa chan tình người đằm thắm, khát vọng tình yêu quê hương đất nước… Mỗi lời đang, đều chứa đựng những nét giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc lâu đời của dân tộc Mường. 

Đang Mường được hình thành, lưu giữ, bảo tồn và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Đang Mường có nhiều thể loại phong phú như: đang truyền thống, kể về các sự tích, truyền thuyết, trường ca, truyện dân gian; hát đang xã giao, thăm hỏi; hát đang đối đáp giao duyên; đang chúc mừng cưới xin, nhà mới... 

Với đồng bào người dân tộc Mường làn điệu đang Mường có thể cất lên bất kể lúc nào và không giới hạn không gian hay thời gian hát, có thể hát thâu đêm, suốt sáng trong những dịp anh em bạn bè, người thân lâu ngày gặp lại, những dịp lễ, tết… Hai bên thường đối đáp qua lại rồi mời nhau uống rượu, chúc nhau sức khỏe, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, năm mới an lành, hạnh phúc.

Để lưu giữ, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống đó, năm 2016, xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã thành lập câu lạc bộ đang Mường. Đây là nơi sinh hoạt của những người yêu mến làn điệu đan Mường và cũng là nơi tổ chức truyền dạy làn điệu đang Mường cho thế hệ sau để đang Mường ngày càng phát triển.

Xây dựng tương lai bền vững cho làn điệu “đang Mường” - Ảnh 2.

Nhà văn hóa xã là nơi sinh hoạt của lập câu lạc bộ đang Mường, xã Mường Thải (Phù Yên, Sơn La): Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, bà Triệu Thị Phai, chủ nhiệm câu lạc bộ đang Mường xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: "câu lạc bộ đang Mường xã Mường Thải hiện tại có gần 40 thành viên và sinh sống tại bản Thải, bản Chiếu, xã Mường Thải, người cao tuổi nhất hơn 60 tuổi, người ít tuổi nhất 15 tuổi. Tuy các thành viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng tất cả đều có chung một niềm đam mê đối với làn điệu đan Mường".

Bà Phai có bố là người dân tộc Dao huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ và mẹ là người dân tộc Mường bản Thải, xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Tuy, bà mang trong mình hai dòng máu nhưng sinh ra và lớn lên ở vùng đất Mường nên bà đã trở thành người con của đất Mường. 

Mẹ bà Phai là một nghệ nhân của nghệ thuật đang Mường, từ nhỏ, bà đã được mẹ hát ru ngủ bằng làn điệu đang Mường, lớn lên, bà cũng được mẹ dạy cho hát đang Mường và bây giờ, bà là người truyền lại làn điệu đang Mường cho các thế hệ sau. Là chủ nhiệm câu lạc bộ đang Mường của xã Mường Thải, bà Phai chia sẻ: "tôi rất vui và tự hào vì có thể truyền dạy đang Mường cho những người yêu làn điệu mượt mà của dân ca Mường. 

Mỗi tháng 1 lần, các thành viên của câu lạc bộ có mặt tại nhà văn hóa xã để tập luyện. Phần lớn những bài đang được tập luyện tại câu lạc bộ đều do các thành viên tự sưu tầm và sáng tác với những lời đang đầy ý nghĩa ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, những đổi thay của quê hương Phù Yên (Sơn La), ca ngợi tình yêu đôi lứa...".

Xây dựng tương lai bền vững cho làn điệu “đang Mường” - Ảnh 3.

Câu lạc bộ đang Mường xã Mường Thải (Phù Yên, Sơn La) hiện có gần 40 thành viên, người cao tuổi nhất hơn 60 tuổi, người ít tuổi nhất 15 tuổi. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chị Triệu Thị Hồng Thắm, sinh năm 1991 ở bản Thải, xã Mường Thải (Phù Yên, Sơn La) là thành viên của câu lạc bộ đang Mường xã Mường Thải, chị chia sẻ: "tôi là người dân tộc Dao nhưng sinh ra và lớn lên ở bản Thải, là nơi cộng đồng người Mường sinh sống. Từ nhỏ, tôi đã được nghe những làn điệu đang Mường nên rất thích được học đang Mường. Năm 2021, tôi đã tham gia câu lạc bộ đang Mường của xã Mường Thải, tại câu lạc bộ tôi được truyền dạy các làn điệu đang Mường và tôi cũng mong muốn được học nhiều hơn, giao lưu nhiều hơn để biết thêm nhiều bài hát mới, để hiểu thêm nét đẹp của đang Mường".

Đang Mường là một phần không thể thiếu trong tâm hồn người Mường

Còn với chị Lò Thị Quyến, chị là người dân tộc Thái ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La, về làm dâu ở bản Thải xã Mường Thải đã hơn 20 năm. Những năm sinh sống trên quê chồng, chị Quyến như đã trở thành người con của dân tộc Mường, chị rất yêu những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Mường nơi đây và yêu những làn điệu đang Mường như giai điệu khắp Thái.

"Khi biết có lớp truyền dạy đang Mường tại câu lạc bộ đang Mường xã Mường Thải, tôi đã đăng ký tham gia để biết thêm loại hình dân ca đặc sắc này và cũng để có cơ hội giao lưu trong những dịp lễ, tết, ngày cưới, lên nhà mới của người dân trong bản, qua đó, tôi và mọi người sẽ hiểu nhau hơn, trao cho nhau những gì tốt đẹp và cùng nhau xây dựng quê hương, bản làng giàu đẹp", chị Quyến nói.

Xây dựng tương lai bền vững cho làn điệu “đang Mường” - Ảnh 4.

Làn điệu đang Mường có thể cất lên bất kể lúc nào và không giới hạn không gian hay thời gian hát. Ảnh: Nguyễn Vinh

Bà Triệu Thị Phai cho biết thêm: "khi mới bắt đầu vào câu lạc bộ đang Mường xã Mường Thải đa số các thành viên chỉ biết nghe tiếng đang Mường chứ chưa biết hát đang Mường. Chính vì vậy, để có thể truyền dạy các làn điệu đang Mường, người dạy phải biết sử dụng các làn điệu ăn khớp với nhạc điệu; người học phải có sự thông minh, nhanh nhạy để thấu hiểu và cảm thụ. 

Qua một thời gian truyền dạy, hầu hết các thành viên trong câu lạc bộ đang Mường xã Mường Thải đã có thể biết được những làn điệu cơ bản, hát được những bài hát đơn giản để có thể đi giao lưu, biểu diễn trong các dịp lễ tết, lễ hội, đám cưới…

Đang Mường gắn liền với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mường, là một loại hình gần như được sử dụng trong hầu hết lĩnh vực của đời sống sinh hoạt cộng đồng người Mường ở nhiều nơi, trong đó có cộng đồng Mường xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Mỗi lời đang đều chứa đựng những nét giá trị văn hoá truyền thống lâu đời, được hình thành, lưu giữ, bảo tồn và phát triển.

Xây dựng tương lai bền vững cho làn điệu “đang Mường” - Ảnh 5.

Thành viên câu lạc bộ đang Mường xã Mường Thải (Phù Yên, Sơn La) tập các tiết mục văn nghệ để giao lưu, biểu diễn trong các dịp lễ tết, lễ hội, đám cưới… Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, ông Đinh Văn Thân, Phó chủ tịch UBND xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Hoạt động của câu lạc bộ đang Mường của xã không chỉ thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương, mà còn đóng góp vào việc nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa Mường. 

Câu lạc bộ đang Mường của xã Mường Thải hiện nay đang hoạt động hiệu quả, xã đã có kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ và cũng huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để câu lạc bộ có kinh phí duy trì hoạt động, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân".

Làn điệu đang Mường là một biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường, mang niềm tự hào và sức mạnh tinh thần của một cộng đồng người dân tộc Mường. Từ những việc làm thiết thực của những người yêu đang Mường ở xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã giúp cho thế hệ trẻ nơi đây khơi dậy lên tình yêu quê hương, bản làng, yêu làn điệu đang Mường. Từ đó, tự hào và phát triển làn điệu đang Mường cũng như những nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem