Thứ Tư, ngày 15/01/2025 12:18 PM (GMT+7)

Nỗ lực giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Sơn La

2024-10-30 16:55:52

Sơn La với đặc thù là tỉnh vùng núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, địa phương này đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở, việc làm, thay đổi cách làm kinh tế để giúp đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo bền vững.

Clip: Giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số biên giới Sơn La

Triển khai các giải pháp giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La là tỉnh miền núi, nằm ở vùng Tây Bắc, với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tỉnh Sơn La đã lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi; hỗ trợ cây, con giống, máy móc, mô hình sản xuất.

Trong đó, tỉnh Sơn La tập trung ưu tiên đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới. Tỉnh Sơn La khẳng định quyết tâm nâng cao mức sống cho người dân, giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều chương trình, hành động có ý nghĩa thiết thực đem lại hiệu quả cao, góp phần chung tay vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Nỗ lực giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Sơn La - Ảnh 1.

Sơn La là tỉnh miền núi, với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Văn Ngọc

Tại huyện Yên Châu (Sơn La), để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, rà soát, nắm chắc thực trạng hộ nghèo, cận nghèo, xác định nguyên nhân dẫn đến nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Ông Phạm Đức Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất. Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Giai đoạn 2021-2024, huyện Yên Châu được phân bổ 22,2 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; hỗ trợ cây giống, vật nuôi cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo.

Nỗ lực giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Sơn La - Ảnh 2.

Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, huyện đã huy động nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, đã xóa được 1.168 nhà tạm, nhà dột nát bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa, nguồn kinh phí do gia đình và hỗ trợ ngày công của các tổ chức chính trị xã hội, tổng kinh phí trên 38 tỷ đồng. Chỉ tiêu xóa nhà tạm giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành, sớm hơn so với kế hoạch đề ra 1 năm. Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3% trở lên. Đến cuối năm 2023, huyện còn 3.928 hộ nghèo, chiếm 20,12%, giảm 4,9% so với năm 2022, vượt kế hoạch 1,9%. Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13%.

Đến thăm gia đình chị Vì Thị Khải ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) hộ nghèo của bản. Chị Khải vẫn chưa hết vui mừng, xúc động vì được ở trong ngôi nhà mới khang trang sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào trồng ngô, đất sản xuất ít, lại đông con, nhiều năm liền cả gia đình phải sống trong một căn nhà nhỏ xiêu vẹo, chật hẹp. Được cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bà con trong bản, xã hỗ trợ, đến nay gia đình chị đã có được một ngôi nhà xây kiên cố, rộng hơn 40m2, với gia đình chị đây đúng là một niềm mơ ước.

Nỗ lực giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Sơn La - Ảnh 3.

Ngôi nhà mới của gia đình chị Vì Thị Khải ở bản Pha Cúng xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại huyện Mộc Châu (Sơn La), huyện có 15 xã, thị trấn, với 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60,69% dân số. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

Ông Hà Mạnh Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu, cho biết: Năm 2024, huyện Mộc Châu được phân bổ trên 66,4 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển trên 32,5 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp gần 33,9 tỷ đồng. Huyện Mộc Châu đã đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; 6 công trình đường giao thông; một nhà văn hóa cho các xã, bản đặc biệt khó khăn; nâng cấp một trường học...

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được bê tông hóa hoặc rải nhựa; 90% bản, tiểu khu có đường được cứng hóa; 72,46% trường lớp học được xây dựng kiên cố; 99,47% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS mức độ 3; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2023 giảm xuống còn 3,47%. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 31 trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%.

Nỗ lực giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Sơn La - Ảnh 4.

Huyện Mộc Châu đẩy manh xây dựng đường giao thông phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Văn Ngọc

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ổn định

Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La thông tin: Bằng các nguồn vốn của chương trình mục tiêu, chính sách dân tộc những năm qua, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ được hơn 30.000 lượt hộ nghèo làm nhà ở, hỗ trợ khai hoang đất sản xuất và hỗ trợ đầu tư xây dựng trên 1.500 công trình nước sinh hoạt tập trung và nhiều công trình nước phân tán.

Hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp cho được hơn 40.000 lượt hộ nghèo, triển khai xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế các loại với 35.000 hộ tham gia (gồm mô hình sản xuất cây, con, chăn nuôi gia súc gia cầm).

Nỗ lực giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Sơn La - Ảnh 5.

Tỉnh Sơn La đã lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, thủy lợi; hỗ trợ cây, con giống, máy móc, mô hình sản xuất,... Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài gia còn đầu tư hỗ trợ bằng giống, vật tư, máy móc công cụ để phát triển sản xuất. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý chương trình chính sách dân tộc, kiến thức nông lâm nghiệp cho cán bộ xã, bản, người sản xuất giỏi…và dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn các chương trình, chính sách và nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ đã đầu tư xây dựng được 3.005 công trình các loại (giao thông, điện, nhà lớp học, nước sinh hoạt, thuỷ lợi, nhà văn hoá...); đầu tư, hỗ trợ hoàn thành 25 điểm định canh định cư tập trung ổn định sản xuất và đời sống cho 1.593 hộ với trên 5.000 nhân khẩu; giải quyết cho 10.570 hộ nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất.

Nỗ lực giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Sơn La - Ảnh 6.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung; vùng dân tộc thiểu số của tỉnh nói riêng. Diện mạo nông nghiệp - nông thôn vùng dân tộc thiểu số ĐBKK của tỉnh đã và đang có nhiều khởi sắc: tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần từ 57% năm 2005 xuống 14,17% năm 2024; 199/204 xã phường, thị trấn của tỉnh có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 204/204 xã đã xây dựng xong các trạm hạ thế điện.

Nỗ lực giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Sơn La - Ảnh 7.

Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Cùng với đó 100% xã đã có điện thoại, 99% số hộ được sử dụng điện lưới an toàn; 97,5% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trụ sở làm việc, trạm y tế xã; 112/204 xã có chợ xã, liên xã đạt 54%; 96,2% người dân có thẻ bảo hiểm y tế; 96,85% bản có nhà văn hóa; các đội văn hóa, văn nghệ; 100% các trường học (nơi có học sinh bán trú) ở xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn, ở cho học sinh ở các cấp học.

Với những giải pháp, cách làm đồng bộ đã góp phần quan trọng giải quyết những khó khăn về sản xuất và đời sống cho đồng bào, thiết thực xoá đói giảm nghèo, cải thiện một bước chất lượng sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Văn Ngọc
Bất ngờ thị xã sắp thành thành phố của Bà Rịa - Vũng Tàu có số thu ngân sách lớn hơn cả tỉnh Khánh Hòa

Bất ngờ thị xã sắp thành thành phố của Bà Rịa - Vũng Tàu có số thu ngân sách lớn hơn cả tỉnh Khánh Hòa

Thị xã Phú Mỹ đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng thu ngân sách năm 2022 là 30.625 tỷ đồng. Thu ngân sách của thị xã Phú Mỹ gần tương đương với tổng số thu của 11 tỉnh và lớn hơn số thu của các tỉnh như Khánh Hòa, Bắc Ninh, Thái Nguyên...