dd/mm/yyyy

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ ở Lai Châu thoát nghèo

Thời gian qua, phụ nữ xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu) khai thác hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi trong phát triển kinh tế.

Clip: Nguồn vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ ở Lai Châu thoát nghèo.

Mở rộng sản xuất nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Tìm hiểu về hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, chúng tôi tới thăm gia đình chị Lò Thị Xuân ở bản Lản Nhìn Thàng, xã Lản Nhì Thành, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Được biết, trước đây, kinh tế gia đình chị Lò Thị Xuân rất khó khăn.

2 vợ chồng chị Xuân chịu thương chịu khó sớm tối lao động, trồng rau nuôi gà, lợn, vịt để phát triển kinh tế gia đình, nhưng thu nhập vẫn rất bấp bênh.

Hỏi ra mới biết, nguyên nhân phần lớn cũng bởi gia đình chị thiếu nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, do đó gia đình chỉ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ.

Năm 2022 vừa qua, thông qua Hội phụ nữ huyện Phong Thổ và xã Lản Nhì Thàng gia đình chị đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi Chuyển đổi nghề của Phòng giao dịch Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ.

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ ở Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 2.

Chị Lò Thị Xuân ở bản Lản Nhì Thàng, xã Lản Nhì Thành, huyện Phong Thổ (Lai Châu) là một trong nhiều hội viên được tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Ảnh Tuấn Hùng

Từ khi được vay vốn, gia đình chị Xuân đã mạnh dạn đầu tư mua 12 con lợn về nuôi, đến nay đàn lợn của gia đình sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay/ Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, chị Xuân cho biết: Kinh tế gia đình tôi khó khăn, vì thế thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất chăn nuôi. Trước đây tôi cũng nuôi lợn, gà, vịt và trồng trọt nhưng thiếu vốn nên chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp.

Gia đình tôi cũng tìm đủ mọi cách như vay mượn của người thân, bạn bè nhưng cũng không được là bao. Nay gia đình được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề, tôi mừng lắm.

"Sau khi vay được tiền, tôi bàn với gia đình tiếp tục mở rộng chăn nuôi. Như các anh thấy đó, đàn lợn của gia đình tôi phát triển khá tốt, khoẻ mạnh, chưa hề mắc bệnh", chị Xuân hồ hởi nói.

Để đàn lợn phát triển tốt mang lại nguồn thu nhập ổn định, ngoài tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do các tổ chức đoàn thể huyện, xã triển khai, chị Xuân tích cực học tập thông qua sách, báo và các phương tiện đại về cách chăn nuôi khoa học, qua đó phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn và đàn gia súc của gia đình.

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ ở Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 3.

Hội viên phụ nữ ở xã Lản Nhì Thàng đã thay đổi tư duy, nhiều hộ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển các mô hình kinh doanh hàng hoá. Ảnh Tuấn Hùng

Khai thác hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

Chia sẻ với chúng tôi, bà Đoàn Thị Hạnh, Chủ tịch hội phụ nữ xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Nhằm giúp hội viên phụ nữ ở địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo. Chúng tôi đã đứng ra làm "cầu nối" giúp chị em tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thay đổi phương thức sản xuất, đưa con giống, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác, chăn nuôi. Từ các mô hình đó, nhiều hộ gia đình đã thoát được hộ nghèo.

Để các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, chúng tôi cũng chú trọng để các hội viên được tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp; tham gia học tập các mô hình kinh tế mới ở địa phương. Nhờ đó, giúp hội viên thay đổi tư duy và phương thức trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Qua câu chuyện với bà Hạnh, được biết Hội LHPN xã Lản Nhì Thàng có 9 chi hội phụ nữ thuộc 9 bản, tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là 970 người, tổng số hội viên tham gia sinh hoạt hội và hội viên đương nhiên là 532 hội viên.

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ ở Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 4.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, mở rộng quy mô sản xuất và các chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi được cán bộ hội LHPN xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ tăng cường triển khai. Ảnh Tuấn Hùng

Được biết, những năm qua cán bộ, hội viên, phụ nữ các dân tộc trong xã Lản Nhìn Thàng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, sau đại hội đại biểu phụ nữ các cấp hội viên, phụ nữ tập trung triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm công tác hội và phong trào phụ nữ.

Các hội viên đã tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới và các phong trào xã hội ở các bản.

Thời gian qua hội LHPN xã Lản Nhì Thàng đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương gắn với triển khai có hiệu quả đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp".

Đến thời điểm hiện tại Hội LHPN xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ đang quản lý 3 tổ với 83 hộ, tổng dư nợ đạt trên 4 tỷ đồng.

Qua công tác kiểm tra, kết quả cho thấy các tổ do Hội LHPN xã quản lý đều hoạt động tốt, không có nợ quá hạn, các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích, hiệu quả kinh tế rất rõ rệt.

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ ở Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 5.

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên ở xã Lản Nhì Thàng nói riêng và huyện Phong Thổ nói chung đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Đoàn Thị Hạnh cho biết: Có thể nói từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên trang bị được các công cụ để sản xuất hiệu quả.

Đặc biệt là mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư sản xuất kinh doanh để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập. Nhờ đó, thời gian qua ở địa phương đã có nhiều hộ gia đình giảm nghèo bền vững.

Tuấn Hùng