dd/mm/yyyy

Ngôi làng cổ 400 năm trồng lá dong ở Hà Nội, người dân chỉ việc "hái lá đếm tiền"

Khác với khung cảnh yên bình thường nhật, từ đầu tháng Chạp, người dân làng lá dong Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) đã nhộn nhịp, tất bật bước vào mùa thu hoạch chính. Người người ra vườn, nhà nhà cắt lá dong phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Những ngày cuối năm âm lịch, làng lá dong truyền thống ở thôn Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) bắt đầu vào chính vụ. Người dân tất bật cắt lá để kịp phục vụ nhu cầu gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán.

Được biết, làng Tràng Cát nổi tiếng với nghề trồng lá dong từ hàng trăm năm nay. Lá dong của làng phục vụ nhu cầu gói bánh chưng trong dịp Tết Nguyên đán và gói bánh, gói xôi quanh năm cho khu vực Hà Nội. Ở Tràng Cát, gần như nhà nào cũng trồng dong, nhà ít vài thước, nhà nhiều cả mẫu. Cận tết, màu xanh lá dong tràn ngập đường làng.

Ngôi làng cổ 400 năm trồng lá dong ở Hà Nội, người dân 'hái lá đếm tiền' - Ảnh 1.

Người dân Tràng Cát hối hả thu hoạch lá dong phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Lá dong Tràng Cát được nhiều nơi biết đến vì lá bầu, rộng bề ngang, xanh, mỏng và dai dẻo hơn cả lá dong rừng bởi được thừa hưởng sự màu mỡ của phù sa ven sông Đáy. Bánh chưng được gói bằng lá dong Tràng Cát có màu xanh đẹp mắt và vị thơm tự nhiên.

Khác với trồng lúa, trồng màu, trồng lá dong không yêu cầu nông dân phải một nắng hai sương. Chỉ cần chăm chỉ tưới nước, bón phân, làm cỏ, cắt lá sâu thì lá cây sẽ đẹp và tươi tốt, cho thu hoạch quanh năm. Do ưa ẩm, mát nên người dân Tràng Cát thường xen canh dong với nhiều loại cây tán cao trong vườn chứ không trồng tập trung thành ruộng lớn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng lá dong chia sẻ: "Gia đình tôi có 4 sào đất trồng lá dong. Những ngày này, các thành viên trong gia đình đều tạm gác lại công việc khác để tập trung thu hoạch cho kịp thời vụ". 

Theo ông Tuấn, trồng và thu hoạch lá dong đỡ vất vả hơn trồng lúa và trồng hoa màu. Cây lá dong có thể thu hoạch 3 lần/năm, nhưng nếu khai thác với tần suất này thì lá sẽ không to, dày và đẹp. Bởi thế, hầu hết người dân đều chủ yếu khai thác lá để bán vào dịp cuối năm. Bởi đây là thời điểm thị trường cần nhiều lá dong nhất, giá bán cũng hấp dẫn hơn.

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, cây dong được trồng từ đầu năm, tỉa dần lá xấu rồi đến tết sẽ thu hoạch rộ. Lá dong đẹp bán tết có chiều dài khoảng 70-80 cm, rộng 25-30 cm. 

"Lá dong của chúng tôi là lá nếp, xanh tươi nên nấu bánh không bị đen như lá dong trên rừng, miền núi. Kiểu còn lại là cứ 3 tháng thu hoạch một lần, cây chỉ cao ở mức ngang hông, lá không quá to và giá bán cũng rẻ hơn so với loại lá đẹp nói trên" - ông Tuấn cho hay.

Ngôi làng cổ 400 năm trồng lá dong ở Hà Nội, người dân 'hái lá đếm tiền' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân Tràng Cát cho biết: Năm nay lượng khách đặt mua sớm nên chúng tôi phải tranh thủ cắt ngày cắt đêm, mừng lắm vì lá dong được mùa được giá. Nhà tôi có 4 sào trồng, mỗi sào ước tính thu được khoảng 20.000 lá, có thể thu về 20 triệu đồng/ sào. Ảnh: Nguyễn Chương

Người dân Tràng Cát thường trồng và thu hoạch lá dong theo cách đầu tiên vì muốn đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Tính trung bình, mỗi sào (Bắc Bộ) trồng lá dong, có thể cho thu nhập từ khoảng 15 - 20 triệu đồng, đủ cho các gia đình có một cái tết tươm tất.

Trước đây, người dân làng Tràng Cát cũng đã từng chặt bỏ cây dong vì không mang lại nguồn lợi kinh tế để chuyển sang trồng cam, bưởi. Nhưng sau đó nhiều người dân phải chịu cảnh thua lỗ vì cam, bưởi mất mùa, giá rẻ. 

Nhận thấy chẳng có gì thay được dong, khoảng 2, 3 năm trở lại đây, nhiều gia đình ở Tràng Cát bắt đầu phục hồi lại nghề truyền thống. Nhưng do nhiều gia đình đã chặt phá hết cây dong nên lại nảy sinh vấn đề thiếu cây giống. Nắm bắt được nhu cầu đó, một số bà con trong làng đã nhanh nhạy chiết giống để bán, trong đó ông Trịnh Văn Thủy là một người như vậy.

"Khoảng 7 năm trước thấy bà con thuê máy xúc về phá vườn dong để chạy theo cây bưởi Diễn, tôi cũng xót xa lắm. Mình thì nghĩ đến nghề truyền thống cũng như muốn mang đến cho người tiêu dùng những chiếc lá dong đẹp, thơm để gói những chiếc bánh chưng mỗi dịp Tết đến xuân về nên không đành từ bỏ, vẫn bám trụ. Đến thời điểm hiện tại thì nhiều người đã quay lại với cây dong nhưng không có cây giống, tôi liền chiết cây con ra bán cho bà con. Mỗi năm bán cả giống và lá cũng thu được một khoản kha khá", ông Thủy vừa cười vừa nói với PV Trang Trại Việt. 

Ngôi làng cổ 400 năm trồng lá dong ở Hà Nội, người dân 'hái lá đếm tiền' - Ảnh 3.

Lá dong Tràng Cát được gọi là lá dong nếp, với ưu điểm khi gói bánh có màu xanh nhạt chứ không xanh đen như lá dong rừng nên được người dân miền Bắc ưa chuộng.

Đến nay, gia đình ông Thuỷ đã có kinh nghiệm 5 năm làm và bán giống dong Tràng Cát. Trước đây, ông Thủy bán giống dong cho các nhà vườn ở Thanh Hóa, Ninh Bình rồi Quảng Ninh, Hải Phòng... Có người mua về trồng lấy lá, có người trồng làm cảnh. "Mấy năm gần đây, dân làng Tràng Cát quay lại làm dong thì tôi bán thêm cho người làng. Mỗi năm bán trung bình vào khoảng 10.000 khóm dong giống, thu khoảng 100 triệu đồng" - ông Thuỷ nói. 

Hiện nay, mỗi khóm dong giống sẽ gồm 3 cây mẹ và 3 chồi non, tính cả đất vào khoảng 3kg và bán với giá 10.000 đồng. Với người làng, ông Thuỷ bán rẻ hơn, chỉ 7.000 đồng/khóm. 

Ngôi làng cổ 400 năm trồng lá dong ở Hà Nội, người dân 'hái lá đếm tiền' - Ảnh 4.

Khắp các ngả đường tấp nập người thu hoạch và thương lái thu mua lá dong.

Lá dong được xem là "linh hồn" của làng Tràng Cát, là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Loại lá này đã trở thành thương hiệu, niềm tự hào mỗi khi nhắc về quê hương. Người dân nơi đây luôn hi vọng màu xanh của lá dong sẽ không bao giờ mất đi mỗi khi Tết đến, xuân về.


Đức Duy