dd/mm/yyyy

Nghề nuôi ong lấy mật ở Phổng Lái

Tận dụng lợi thế của địa phương, HTX ong Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La), đầu tư phát triển nghề nuôi ong, tạo ra sản phẩm sạch.


Clip: Nghề nuôi ong lấy mật ở Phổng Lái

Nâng cao thu nhập từ nghề nuôi ong

Khai thác lợi thế của địa phương có nhiều nguồn hoa, nhất là hoa sa nhân; các hộ dân ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, liên kết thành lập HTX ong Phổng Lái, mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Với sở thích nuôi ong, cùng với lợi thế của khu vực còn nhiều rừng và nhiều cây ăn quả rất thuận lợi cho việc nuôi ong; hơn nữa nhận thấy nhu cầu dùng mật ong trên thị trường rất lớn nên Ông Phạm Xuân Sơn, bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu) (Sơn La) đã đầu tư phát triển đàn ong.

Năm 2002, ông Sơn bắt đầu nghề nuôi ong với 10 đàn ong rừng và đến năm 2007 ông đã đầu tư nuôi thêm 80 đàn ong Ý cho thu nhập cao. Đàn ong của gia đình ông tăng dần lên theo từng năm, hiện nay ông có 20 đàn ong rừng và 130 đàn ong Ý, mỗi năm thu hơn 3,2 tấn mật, ngoài ra còn thu nhập thêm từ phấn hoa và sữa ong chúa, sau khi trừ chi phí, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Nghề nuôi ong lấy mật ở Phổng Lái - Ảnh 2.

Khai thác lợi thế của địa phương, nhiều hộ nông dân tại xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu đã mạnh dân phát triển nuôi ong lấy mật để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

"Là thành viên HTX ong Phổng Lái, hơn 10 năm nuôi ong, chia sẻ: Sau khi được đào tạo về thực hành nuôi ong theo quy trình VietGAP, tôi được hướng dẫn cụ thể các quy định về dụng cụ, bảo hộ, quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc đàn ong, khai thác đàn ong bài bản, khoa học hơn; đàn ong sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, cho nhiều mật. Ngoài ra, tôi còn được HTX hỗ trợ thùng quay mật nên khâu thu hoạch mật cho hiệu quả cao hơn nhiều, mật không bị hao và lẫn nhiều sáp như trước"

Đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, HTX có 13 thành viên liên kết thực hiện đồng bộ quy trình và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăm sóc, nuôi ong và khai thác mật. Hiện, HTX có 1.000 đàn ong đang cho khai thác mật gồm 2 giống ong Ý và ong nội, bình quân đạt 30kg mật/đàn/năm.

Nghề nuôi ong lấy mật ở Phổng Lái - Ảnh 3.

Nghề nuôi ong lấy mật ở Phổng Lái - Ảnh 4.

Ông Phạm Xuân Sơn, bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) có thu nhập cao từ nghề nuôi ong lấy mật. Ảnh: Văn Ngọc

Tạo ra sản phẩm chất lượng từ nuôi ong

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX ong Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) cho biết: Trước đây, các thành viên của HTX đều là các hộ nuôi ong có kinh nghiệm trên địa bàn, nhưng chủ yếu nuôi tự phát, dựa vào kinh nghiệm, sản phẩm mật ong chỉ mang tính tiêu dùng nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa.

Trong quá trình hoạt động, HTX đã tích cực vận động những hộ có khả năng và điều kiện nuôi ong tham gia liên kết sản xuất; trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất. Không chỉ hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi ong, hình thành tập quán sản xuất mới, mà HTX còn tích cực đi học hỏi kinh nghiệm các HTX nuôi ong ở các huyện; chủ động tìm các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Các hộ thành viên sau khi tham gia HTX đã nhận thức được lợi ích của việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Nghề nuôi ong lấy mật ở Phổng Lái - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX ong Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Văn Ngọc

Để cung cấp ra thị trường sản phẩm mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng, HTX đã phổ biến nhận thức về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ con giống; tập huấn kiến thức về phương pháp chăm sóc đàn ong trước khi vào vụ khai thác, cách phòng trừ dịch bệnh khi đàn ong bị bệnh, kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm mật ong... Các thành viên đã tuân thủ quy trình nuôi ong an toàn, đặc biệt trong việc chọn địa điểm nuôi ong không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, hóa chất độc hại; đặt thùng ong ở gần nguồn thức ăn sạch, bóng râm.

Bên cạnh đó, nuôi ong chủ yếu là tận dụng điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi các thành viên HTX phải cẩn thận, tỉ mỉ, nắm rõ đặc tính của ong như di chuyển, xây tổ, chia đàn, mùa lấy mật, sinh sản. Mặt khác, cần phải am hiểu thời tiết các vùng; muốn ong cho mật tốt phải tích cực di chuyển đàn theo mùa các loại hoa.

Nghề nuôi ong lấy mật ở Phổng Lái - Ảnh 6.

Sản phẩm mật ong của HTX ong Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) được công nhân sản phẩm ocop 4 sao. Ảnh: Văn Ngọc

Mật ong của HTX được lấy rất cầu kỳ, khi màu mật chuyển sang màu cánh dán, các hộ nuôi ong sẽ sử dụng máy xét nghiệm chất lượng mật để đo tỷ lệ đường, nước, mật theo đúng quy chuẩn mới tiến hành lấy mật. Trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch 30 tấn mật với giá dao động từ 130.000-170.000/lít; sau khi trừ chi phí cho thu nhập gần 3 tỷ đồng.

Với hình thức nuôi tự nhiên, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình, sản lượng và chất lượng mật không ngừng được nâng lên. Sản phẩm mật ong của HTX được người tiêu dùng đánh giá cao bởi có vị ngọt đậm, thơm, màu sắc đẹp mắt. Vừa qua, sản phẩm mật ong và phấn ong của HTX đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản vùng 1 (Bộ NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, được công nhận sản phẩm OCOP.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh