dd/mm/yyyy

“Ngân hàng dê” giúp ĐVTN vùng cao biên giới Sơn La vươn lên thoát nghèo

Một trong những câu chuyện về những người lính xông pha, dám nghĩ, dám làm đã góp phần làm đổi thay cuộc sống của đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, nay vẫn đang duy trì và lan tỏa tại vùng cao biên giới Sơn La.
“Ngân hàng dê” giúp ĐVTN vùng cao biên giới Sơn La vươn lên thoát nghèo - Ảnh 1.

Lễ bàn giao “Ngân hàng dê” trao cho hai hộ gia đình đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quàng Hùng.

"Ngân hàng dê" ra đời ở vùng biên Sơn La

Sơn La là tỉnh còn nghèo, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các bản vùng cao biên giới các bạn trẻ thường kết hôn khá sớm, vừa là yếu tố chủ quan và cũng vừa là yếu tố khách quan. Nhiều cặp vợ chồng còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, do vậy, cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Trước thực trạng đó, mô hình về “Ngân hàng dê” được ra đời nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đây là mô hình có nghĩa và nhân văn do Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) phối hợp thực hiện.

Để hỗ trợ các hộ đoàn viên, thanh niên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn nhất là tại bản làng vùng sâu, vùng cao biên giới có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương (BĐBP tỉnh Sơn La) đã chủ trì và phối hợp với Đoàn xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) chung tay xây dựng mô hình hỗ trợ nuôi dê rẽ sinh sản cho những hộ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình hay nói cách khác gọi là “Ngân hàng dê”.

Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách” hai đơn vị đã tự nguyện đóng góp tiền để gây quỹ để mua dê giống. Ngay khi đề xuất và đi vào hoạt động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ lãnh đạo của hai đơn vị, đặc biệt là bà con nhân dân nơi đây ủng hộ cao.

“Ngân hàng dê” giúp ĐVTN vùng cao biên giới Sơn La vươn lên thoát nghèo - Ảnh 2.

Đàn dê của gia đình anh Lò Văn Khoản, bản Híp, xã Chiềng Khương vừa sinh nở. Ảnh: Quàng Hùng.

Trung tá Mùa Láo Thắng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, huyện Sông Mã chia sẻ: “Chiềng Khương là xã biên giới của huyện Sông Mã, với hơn 26,8 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Toàn xã có 21 bản, trong đó, có 8 bản giáp biên; với 4 dân tộc Kinh, Thái, Xinh Mun và Khơ Mú cùng sinh sống.

Với tập quán của nhân dân nơi đây thường sinh sống rải rác ở vùng sâu, vùng cao biên giới, đường xá đi lại khó khăn, do vậy để tiếp cận với những kiến thức khoa học hay kết nối để giao thương hàng hóa giữa các vùng vẫn còn hạn chế và nhiều bất cập. Từ đó, đã tạo sự chênh lệch về dân trí giữa vùng cao và vùng trung tâm.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ chủ yếu là đoàn viên, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số mới lập gia đình muốn vươn lên trong cuộc sống mà không có kinh nghiệm thực tiễn hay những kiến thức khoa học để áp dụng vào sản xuất nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.

Thấu hiểu những khó khăn đó, Chi Đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương và Đoàn xã Chiềng Khương đã tích cực phối hợp chủ động tham mưu cấp ủy hai đơn vị xây dựng mô hình và đưa mô hình vào chương trình hành động trọng tâm, đó chính là “Ngân hàng dê”. Đến nay, mô hình này đã bước vào năm thứ 6 và đã khẳng định được tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang lại hiệu quả thiết thực, rõ nét, hỗ trợ được nhiều gia đình trẻ vùng biên giới có nguồn thu nhập ổn định.

Để có số vốn xây dựng “Ngân hàng dê”, Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương và Đoàn xã Chiềng Khương tự nguyện đóng góp 8 triệu đồng để mua 8 con dê giống cho những gia đình đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn luân phiên nuôi rẽ (tức là khi dê mẹ đẻ xong là sẽ chuyển tiếp dê giống sang cho hộ gia đình khó khăn khác tiếp theo để nuôi gây giống).

Thời gian đầu nuôi (loại dê ta) hay còn gọi là dê thường nên hơi chậm lớn và những con trưởng thành không được to chỉ đạt từ 20 - 25kg/con. Do vậy, năm 2019, 2 đơn vị đã tiếp tục bàn bạc thống nhất chuyển loại giống dê khác có năng suất chất lượng cao hơn, đó là giống dê Boer. Đây là loại giống dê lai, nuôi thuần tính và có khả năng thích nghi với khí hậu thời tiết khắc nghiệt nơi đây, sức đề kháng bệnh tốt, ăn tạp, với điều kiện đồi núi nơi đây rất phù hợp việc chăn thả.

Tính từ thời gian lúc đẻ ra khi nuôi được 2 tháng dê Boer có thể đạt trọng lượng trên 10kg, còn dê thường chỉ đạt trọng lượng 4-5 kg. Theo tính toán, với thời gian nuôi một năm, nếu chăm nuôi đúng cách (như: nuôi nhốt, nuôi thả, cho ăn đúng với hàm lượng) với 3 hoặc 5 con dê mẹ có thể sinh từ 2-3 lứa/năm, mỗi lứa dê mẹ sẽ sinh sản được từ 1-2 con thì hộ gia đình đó sẽ có khoảng 10 con/năm. Như vậy, sau khi trả lại dê giống cho “Ngân hàng dê” thì đàn dê của gia đình đó đã có từ 6 - 10 con. Bình quân mỗi dê trưởng thành sẽ có trọng lượng khoảng 35kg/con, giá bán dê thịt thị trường giao động từ 140 - 155 nghìn đồng/kg; dê giống có giá bán khoảng từ 5 triệu đồng/con.

"Ngân hàng dê" giúp những gia đình ĐVNT trẻ phát triển chăn nuôi

Để minh chứng cho điều này, chúng tôi đến thăm vợ chồng gia đình anh Cầm Văn Thảo, ở bản Bó, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã là một trong những gia đình đoàn viên có hoàn cảnh rất khó khăn, tuổi đời anh chị còn rất trẻ. Anh Thảo lập gia đình năm 2016, bố anh Thảo thì bị tai biến, nằm liệt một chỗ, bao nhiêu tiền của làm được đều bán đi để mua thuốc chăm lo dưỡng bệnh cho bố.

Năm 2018, gia đình anh Thảo được hỗ trợ 4 con dê giống địa phương  từ “Ngân hàng dê” để phát triển chăn nuôi. Nhờ nuôi đúng quy trình kỹ thuật và nhân thêm giống, đến nay anh Thảo đã phát triển đàn dê lên hơn 40 con.

Anh Thảo phấn khởi: Nhờ có đàn dê này đã hỗ trợ cho gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, ổn định được cuộc sống. Đồng thời, gia đình tôi còn bán một số con để mua tivi mới, tủ lạnh, xe máy và một số đồ gia dụng khác cho gia đình.

“Ngân hàng dê” giúp ĐVTN vùng cao biên giới Sơn La vươn lên thoát nghèo - Ảnh 3.

Đàn dê của gia đình anh Quàng Văn Đôi, bản Núa Chò, xã Pi Toong, huyện Mường La (Sơn La). Ảnh: Quàng Hùng.

Tiếp đó chúng tôi đến gia đình anh Lò Văn Khoản, ở bản Híp, xã Chiềng Khương cũng là một gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, anh cũng được tiếp nhận “Ngân hàng dê” từ hai chi Đoàn. Đây là một nguồn động viên rất lớn đối với gia đình anh, được nhận 2 con dê giống nuôi từ năm 2018. Đến nay, đàn dê của gia đình đã phát triển được 13 con và các con dê cái trưởng thành cũng đang tiếp tục chuẩn bị sinh sản, đem lại nhiều hứa hẹn phía trước sẽ có những đàn dê tiếp theo.

Từ nguồn này gia đình anh Khoản đã dành ra được một khoản quỹ nhất định, mở ra nhiều hướng để phát triển kinh tế gia đình. Vừa rồi anh đã bán đi một số con để lấy tiền mua cá về thả ao, mua gà về nuôi, mua cây nhãn giống về trồng... Nay, gia đình anh đã dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Phương châm hành động, thiết thực hiệu quả

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với đó là Nghị quyết của Đảng ủy xã Chiềng Khương và chương trình hành động của Đoàn xã về "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Đây là một trong những chương trình hành động trong Nghị quyết, các hoạt động đã đi vào chiều sâu cả nội dung lẫn và chất lượng.

Chương trình hành động này đã đáp ứng được yêu cầu và sự cần thiết của đoàn viên thanh niên đang rất cần nhận được giúp đỡ, hỗ trợ, qua những chương trình này cũng đã nâng cao và thể hiện rõ được vai trò của công tác Đoàn trong việc đồng hành, quan tâm, chăm lo, động viên tinh thần, hỗ trợ đời sống vật chất, giúp đỡ phát triển kinh tế cho các đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để có thu nhập và ổn định cuộc sống.

Chính vì vậy, tháng 3/2018, Ban Chấp hành Đoàn xã Chiềng Khương và Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương đã phối hợp và xây dựng mô hình “Ngân hàng dê” nhằm trao cơ hội cho những hộ đoàn viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn đang có một sự khao khát để vươn lên phát triển kinh tế bền vững là đúng đắn.

Mô hình luôn được 2 đơn vị quan tâm và cụ thể hóa trong Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hàng năm, đặc biệt là tại nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương khóa XX (Nhiệm kỳ 2022 - 2027), với nội dung này luôn được xác định rõ và là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ”.

Qua 5 năm thực hiện mô hình “Ngân hàng dê”, từ 8 con dê bố mẹ ban đầu chuyển cho 2 hộ gia đình, đến nay, đã có 8 hộ đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Chiềng Khương được tiếp nhận “Ngân hàng dê”, nay tính tổng đàn dê từ nguồn này mang lại đã tăng lên hơn 100 con.

Các hộ được nhận nuôi giờ đều ổn định được cuộc sống. Với lợi thế và điều kiện thực tế của địa phương, đây thực sự là hướng đi đúng đắn giúp đoàn viên, thanh niên chuyển đổi và định hướng được mô hình chăn nuôi phù hợp, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, hướng phát triển kinh tế gia đình ổn định và bền vững ở khu vực biên giới.

“Ngân hàng dê” giúp ĐVTN vùng cao biên giới Sơn La vươn lên thoát nghèo - Ảnh 4.

Trung tá Mùa Láo Thắng, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương (BĐBP tỉnh Sơn La) và bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương hướng dẫn anh Nguyễn Văn Duy là hộ đoàn viên hoàn cảnh khó khăn về cách chăm sóc cây nhãn.

Từ thành công của mô hình “Ngân hàng dê” này, đã có một số hộ gia đình ở xã khác học tập làm theo. Điển hình gia đình anh Quàng Văn Đôi, bản Núa Chò, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Năm 2019, anh có một dịp đến thăm người thân tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã và anh đã bắt gặp mô hình nuôi dê này, qua đây anh đã tham khảo hình thức và học tập kinh nghiệm.

Anh Đôi chia sẻ: Với điều kiện đất đai tự nhiên rộng tại bản Núa Chò, xã Pi Toong, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) phù hợp với điều kiện chăn thả. Từ đó, tôi đã quyết định mua dê giống từ một gia đình đoàn viên tại xã Chiềng Khương về nuôi. Bây giờ, đàn dê đã sinh sản và phát triển rất tốt, gia đình tôi hiện có hơn 30 con. Tháng 3/2023 vừa qua, gia đình tôi đã bán đi 8 con, thu về hàng chục triệu đồng. Từ số vốn này gia đình tôi mua phân về bón vườn xoài đang ra hoa.

Đồn Biên phòng Cửa Khẩu Chiềng Khương (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) là đơn vị đứng chân trên địa bàn xã Chiềng Khương, không những thực hiện tốt nhiệm vụ, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới mà còn tham mưu và tham gia giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ổn định cuộc sống. Trên cơ sở thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Nghị quyết của Đảng ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La về việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, các Đồn Biên phòng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) đã xây dựng kế hoạch và xem xét các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để phân công đảng viên giúp đỡ.

Tiêu biểu như Đồn Biên phòng Chiềng Khương đã xây dựng kế hoạch và phân công đảng viên phụ trách gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có gia đình anh Cầm Văn Thảo, gia đình anh Lò Văn khoản, gia đình anh Lò Văn Diên, Nguyễn Văn Duy… (ở bản Híp, bản Huổi Nhương và bản Là, bản Bó xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) luôn được Bộ đội Biên phòng thường xuyên quan tâm giúp đỡ với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Gom trứng về một giỏ”.

Những năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương thường xuyên phối hợp và triển khai thực hiện tốt nhiều phong trào, các chương trình an sinh xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng biên giới như: “Phong trào mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; “Trao bò giống cho người nghèo nơi biên giới”; “Xây dựng nông thôn mới”...

Thời gian tới, từ những thực tế của mô hình đã đạt được, hai đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh hơn nữa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả về thực hiện phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích, sáng tạo triển khai các hoạt động hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, duy trì có hiệu quả mô hình “Ngân hàng dê” để định hướng mở ra các mô hình khác như hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây ăn quả cho các gia đình đoàn viên, thanh niên nghèo như: trồng cây nhãn, xoài giống, ngô… để phát triển kinh tế.

Với những hành động thiết thực đó đã góp phần nhỏ làm thay đổi đời sống của nhân dân ở vùng biên, là nguồn động viên khích lệ cho nhân dân nơi đây an tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống, bám giữ lấy bản làng và sẽ là cột mốc sống cùng với bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ biên giới thiêng liêng Tổ quốc.

Quàng Hung (BĐBP tỉnh Sơn La)