dd/mm/yyyy

Sơn La: Đưa ra phương án tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023

Với trên 84.000 ha cây ăn quả, bước vào vụ thu hoạch này, tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023 hiệu quả.

Clip: Sơn La đưa ra phương án tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023

Tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản

HTX nông nghiệp Mường Bú (Mường La, Sơn La) hiện có 12 thành viên, quy mô sản xuất 58 ha xoài, nhãn ghép, táo đại, ổi. Ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, các thành viên HTX tiếp tục tập trung tỉa cành, bón phân, phun thuốc trị bệnh thán thư; quét vôi quanh gốc, bón phân bổ sung sau đốn tỉa, tạo ra sản phẩm tốt nhất để phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Trao đổi với phóng viên, Ông Vũ Đăng Kế, Giám đốc HTX nông nghiệp Mường Bú (Mường La, Sơn La) cho biết: Toàn bộ diện tích được sản xuất theo chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, HTX đã được hỗ trợ mua cây giống, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức về sản xuất an toàn, tham quan học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ tem nhãn, bao bì phục vụ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, Môi vụ HTX nông nghiệp Mường Bú thu được hơn 500 tấn quả nhãn, xoài, táo, mít, ổi, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng.

"Những năm qua, HTX đã xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn quả, ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc; sử dụng phương pháp bao quả để đảm bảo chất lượng và mẫu mã cho sản phẩm, để phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu", ông Kế nói.

Sơn La: Đưa ra phương án tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023 - Ảnh 2.

HTX nông nghiệp Mường Bú (Mường La, Sơn La) bao trái xoài, tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp để phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã được cấp 281 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.608,45 ha cây ăn quả và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu 46.000 tấn cho các thị trường Úc, Zealand, Mỹ, Trung Quốc, EU và một số thị trường khác.

Sản lượng nông sản an toàn đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ các siêu thị, các chuỗi cửa hàng với sản lượng quả 44.720 tấn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây, thanh long...) đảm bảo tiêu chuẩn quả an toàn cung ứng cho các siêu lớn tại Hà Nội, các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa,…các cửa hàng bán nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra có khoảng 70.000 tấn quả phục vụ chế biến cho các nhà máy, cơ sở chế biến quả trong tỉnh, trong đó: Sản lượng quả phục vụ nguyên liệu cho nhà máy Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chi nhánh Sơn La 27.276 tấn (xoài, dứa, chanh leo); 1.000 tấn phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ thuộc Tập đoàn TH; ước khoảng 40.000 tấn nhãn phục vụ các cơ sở chế biến long nhãn trên địa bàn toàn tỉnh; 1720 tấn phụ vụ các cơ sở chế biến.

Sơn La: Đưa ra phương án tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023 - Ảnh 3.

Thành viên HTX Ngọc Hoàng xã (Mai Sơn , Sơn La) thu hái những quả thăng long để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Ảnh: Văn Ngọc

Sơn La đưa ra nhiều giải pháp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Với mục tiêu phấn đấu năm 2023 sản lượng sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu đạt trên 18.700 tấn; Giá trị sản phẩm xuất khẩu ước đạt 25,26 triệu USD (tăng 26,15% so với năm 2022) theo Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh Sơn La về Xuất khẩu sản phẩm hàng hóa tỉnh Sơn La năm 2023 theo hướng hiệu quả, bền vững.

Tỉnh Sơn La luôn xác định chất lượng nông sản là yếu tố hàng đầu giúp nông sản Sơn La chinh phục được thị trường tiêu dùng và xuất khẩu. Trong thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó bao trái cây là một biện pháp tiến bộ nhằm tạo ra mẫu mã sản phẩm trái cây đồng đều, nâng cao chất lượng trái cây, tích kiệm chi phí cho người sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường do hạn chế dụng thuốc bảo vệ thực vật, để hướng tới sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao.

Sơn La: Đưa ra phương án tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023 - Ảnh 4.

Hội Nông dân Sơn La đẩy mạnh hướng dẫn hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, nhanh, bền vững. Ảnh: Văn Ngọc

Tỉnh Sơn La tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, các đơn vị đầu tư vào Sơn La để xây dựng các nhà máy bảo quản, chế biến nông sản, đầu tư mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, làm đầu mối kết nội thị trường tiêu thụ và xuất khẩu cho các sản phẩm trái cây chủ lực của Sơn La như: Nhãn, xoài, thanh long, bơ, chanh leo, na, bưởi da xanh ...

Bên cạnh đó, để giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, định hướng việc làm, giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, nhanh, bền vững; Hội Nông dân các cấp đã đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.346,571 tỷ đồng; qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 972,463 tỷ đồng và giải ngân nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 62,514 tỷ đồng; cung ứng 77.750 tấn phân bón bán trả chậm; 10 tấn giống; tổ chức trên 300 hội nghị, hội thảo, trình diễn cho 21.600 lượt hộ nông dân và hội viên nông dân tham gia; tổ chức 271 lớp nghề cho 6.445 hội viên nông dân tham gia; hỗ trợ cung cấp trên 235.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sơn La: Đưa ra phương án tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023 - Ảnh 5.

Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La được bày bán ở các siêu thị lớn, các cửa hàng nông sản sạch trên cả nước. Ảnh: Văn Ngọc

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La thông tin: Năm 2023, trên cơ sở phát huy các kết quả đã đạt được, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2023 và trong đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản với những nhiệm vụ trọng tâm.

Tiếp tục thực hiện công tác cung cấp thông tin, dự báo và phân tích thị trường tiêu thụ, xuất khẩu để kịp thời cung cấp cho các doanh nghiệp, HTX nhằm định hướng sản xuất, kinh doanh của đơn vị và nắm được các quy định, tiêu chuẩn sản phẩm khi tiêu thụ và xuất khẩu sang thị trường các nước. Tuyên truyền, quảng bá trên các cơ quan thông tấn (báo, đài,…) địa phương và trung ương, thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, các tuần hàng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm. Duy trì các điểm bán sản phẩm Ocop, sản phẩm nông sản an toàn.

Sơn La: Đưa ra phương án tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023 - Ảnh 6.

Sở Công thương tỉnh Sơn La đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản Sơn La, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Tập trung kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước: Phối hợp với các các tỉnh, thành phố có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An... để kết nối đưa các sản phẩm nông sản vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhà hàng, các hãng bay. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử: Tổ chức tập huấn, đào tạo về thương mại điện tử và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các sản thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước. Tổ chức các chương trình trực tuyến (livestream)...; triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.

Duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu: Chủ động làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao... đề nghị hỗ trợ tỉnh Sơn La mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU vừa ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Việt Nam; hỗ trợ tỉnh Sơn La tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới và cung cấp thông tin về các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của một số thị trường trên thế giới.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh