Mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao
Xác định mở rộng diện tích trồng cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng,Thời gian qua Hội nông dân huyện Vân Hồ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo đất vườn, đất đồi để trồng cây ăn quả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ nhạy bén trong việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là 1 trong những họ gia đình tiêu biểu của xã, của huyện Vân Hồ về phát triển kinh tế gia đình mang lại thu nhập cao hàng năm thu nhập từ 3-4 tỷ đồng.
Ông Tiến chia sẻ: Với mong muốn cải thiện cuộc sống, năm 2011, gia đình ông đã chuyển đổi 1 ha cây nhãn ghép cải tạo vườn nhãn từ những gốc nhãn cổ thụ trên 30 năm tuổi. Chỉ sau một năm ghép cải tạo, năng suất nhãn đã tăng gấp 2-3 lần, giá bán cao gần 3 lần.
Từ 1ha nhãn của gia đình, Tiến mua thêm 3ha nhãn cổ thụ để ghép cải tạo... Đến nay, tổng diện tích nhãn của gia đình anh đã nâng lên 17ha, trong đó có 4ha nhãn ghép cải tạo, 13ha được anh thuê thầu từ các diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả của bà con trong xã để trồng nhãn, trồng cây cam vinh, bưởi da xanh, và xoài đài loan.
"Trước làm nông nghiệp trước năm 2011 làm nông nghiệp lúc đấy làm ngô sắn, sang năm 2011 thì mới chuyển đổi từ cây nhãn dại sang nhãn ghép, được vài năm thì thấy kinh tế nó hơn cây lương thực và bà con đã chuyển đổi sang trồng thêm nhiều cây ăn quả. Đến năm 2016 thành lập hợp tác xã được nhà nước quan tâm, các ban ngành ở ngoài huyện nên hiệu quả hơn lúc làm riêng lẻ ở ngoài" ông Tiến nói.
Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm ông Tiến đã tự tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức chăm sóc cây ăn quả từ các mô hình trồng cây ăn quả trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn của huyện, của xã tổ chức để áp dụng vào thực tế; đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu tự động, tăng cường phòng chống sâu bệnh, tỉa cành, tạo tán cho cây; tưới kích rễ trước khi bón phân để cây hấp thụ tốt nhất lượng phân bón được cung cấp.
"Vườn cây ăn quả gia đình anh phát triển tốt, đến nay, gia đình có 17 ha cây ăn quả với khoảng 10.000 cây nhân đang cho thu hoạch, 4000 cây cam vinh và cây bưởi da xanh, khoảng 1000 cây xoài đài loan đã cho thu hoạch. Sản phẩm cây ăn quả của gia đình đã được các thương lái từ Hà Nội, Hưng Yên, quảng Nin, Hải Phòng... đến tận vườn thu mua, trừ chi phí hàng năm thu nhập trung bình từ 3- 4 tỷ đồng", anh Tiến nói.
Đẩy mạnh phát triển cây ăn quả
Trao đổi với phóng viên, ông Tòng Văn Sương Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: Trên cơ sở các chủ trương của tỉnh, huyện Vân Hồ, Hội nông dân huyện đã tập trung tuyên truyền vận động hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích trồng cây lương thực, cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; xây dựng dự án, phương án và các mô hình theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các chủ trương của tỉnh, của huyện về trồng cây ăn quả trên đất dốc, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng vườn ươm lưu cây đến các xã trên địa bàn.
Việc phát triển, mở rộng diện tích được huyện quy hoạch thành vùng tập trung, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Đến nay, toàn huyện có hơn 4.200 ha cây ăn quả chất lượng tốt, như: Quýt, cam, nhãn, xoài, hồng giòn, đào địa phương, mận hậu…, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu
Vân Hồ đang tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện đề án trồng cây ăn quả an toàn tập trung tại các xã nằm trong vùng quy hoạch đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, như Chiềng Khoa, Mường Men, Quang Minh. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, kế hoạch đến năm 2025, diện tích cây ăn quả của huyện ước đạt 6.400 ha; trong đó, tập trung hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc cây ăn quả an toàn theo hướng VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý và tạo thương hiệu cho một số sản phẩm nhãn, xoài, bơ, cam, quýt, mận... Để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; huyện cũng quy hoạch 14/14 xã gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, tạo vùng nguyên liệu tập trung an toàn...
"Để giúp cho hội viên nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả thì cách làm của hội nông dân huyện thứ nhất đầu tiên là tổ chức tuyên truyền vận động, định hướng phát triển vùng cây ăn quả theo nghị quyết của huyện, định hướng dưới thiệu các tổ chức doanh nghiệp để tham gia xúc tiến tiêu thụ đầu ra cho các vùng nguyên liệu cây ăn quả trên địa bàn huyện"
Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, trên địa bàn, sự đồng thuận của người dân, việc phát triển cây ăn quả ở huyện Vân Hồ đang có những chuyển biến tích cực và hiệu quả, tiếp tục được triển khai đồng bộ theo quan điểm quy hoạch thành vùng tập trung, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.