dd/mm/yyyy

Tập trung thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP

Triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP, huyện Phù Yên (Sơn La) tập trung nguồn lực hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm.

Clip: Tập trung thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP

Sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng nông sản

Triển khai Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP, huyện Phù Yên (Sơn La) đã xây dựng kế hoạch triển khai chương đến 27 xã, thị trấn; thành lập hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm. Đồng thời, xác định sản phẩm chủ lực, gồm: Thực phẩm, sản phẩm chế biến từ dược liệu, nhóm chế biến sản phẩm và sản phẩm từ cây ăn quả.

Sau đó, tổ chức hướng dẫn nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX nâng cấp hoàn thiện cơ sở sản xuất, hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng gia tăng thành viên, mở rộng quy mô, đảm bảo đủ điều kiện đăng ký sản phẩm và thực hiện các bước trong chu trình OCOP.

Tập trung thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP - Ảnh 2.

Huyện Phù Yên đẩy mạnh cá triển khai Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Thành lập tháng 8/2018, HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La) có 11 thành viên, với 28,5 ha trồng cây ăn quả các loại, gồm: Cam đường canh, quýt Thái, bưởi diễn, bưởi da xanh, cam Vinh. Trong hoạt động sản xuất, các thành viên HTX đều tuân thủ việc chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, có sổ nhật ký ghi chi tiết từ khâu bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.

Theo kinh nghiệm của các thành viên HTX, để cây ăn quả đạt năng suất và sản lượng cao, cần chú trọng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh ở các thời điểm: Ra hoa đậu quả, quả non; trước khi thu hoạch quả từ 1-2 tháng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để quả không có dư lượng thuốc BVTV. Đặc biệt, không sử dụng thuốc diệt cỏ mà chỉ dùng máy phát cỏ. Một số hộ thành viên HTX còn đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động ở gốc và hệ thống phun sương trên cao.

Tập trung thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP - Ảnh 3.

Các thành viên HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, Mường Cơi, huyện Phù Yên. tỉnh Sơn La đều tuân thủ việc chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện nay, sản phẩm quả của HTX đã được các cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận VietGAP, đồng thời gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi xuất bán ra thị trường. Việc xây dựng sản phẩm OCOP được gắn liền với xây dựng thương hiệu trái cây của HTX. Do đó, từ năm 2020 đến nay, các sản phẩm quả, nhất là quýt ngọt của HTX đều có giá trị cao, được khách hàng ưa chuộng nên không phụ thuộc vào biến động của thị trường.

Ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, cho hay: Với các sản phẩm chủ lực là cây ăn quả có múi, khi được vận động xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, chúng tôi đã lựa chọn quýt ngọt. Năm 2020, quả quýt ngọt của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Hằng năm, sản lượng đạt 80 tấn quả, chưa đủ để cung cấp cho các bạn hàng truyền thống. Do vậy, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây quýt ngọt kết hợp với sản xuất theo hướng hữu cơ. Tiếp tục nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị của quýt ngọt, từ đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh.

Tập trung thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP - Ảnh 4.

HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, Mường Cơi, huyện Phù Yên. tỉnh Sơn La với 28,5 ha trồng cây ăn quả các loại, gồm: Cam đường canh, quýt Thái, bưởi diễn, bưởi da xanh, cam Vinh. Ảnh: Văn Ngọc

Tập chung xây dựng sản phẩm OCOP

Trao đổi với phóng viên, ông Cầm Văn Trình, Văn Phòng điều phối Nông thôn mới huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Trong giai đoạn 2018-2020, khi bắt đầu triển khai phát triển các sản phẩm OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT và các xã, thị trấn trên địa bàn tiến hành rà soát các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của từng địa bàn.

Trên cơ sở đó, đánh giá các sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP để tập trung hỗ trợ các xã, doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", hiện nay huyện Phù Yên đã có 11 sản phẩm OCOP được đánh giá từ "3 sao" trở lên, trong đó có có 3 sản phẩm đạt "4 sao". Kết quả này đã tạo động lực để địa phương tiếp tục xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tập trung thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP - Ảnh 5.

Tập trung thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP - Ảnh 6.

Huyện Phù Yên đã có 11 sản phẩm OCOP được đánh giá từ "3 sao" trở lên, trong đó có có 3 sản phẩm đạt "4 sao". Ảnh: Văn Ngọc

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" huyện ủy Phù Yên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện phát triển các sản phẩm OCOP dựa trên những sản phẩm nông nghiệp có sẵn trên địa bàn.

Sau khi đã xác định được các sản phẩm thế mạnh có tiềm năng, huyện chỉ đạo triển khai hỗ trợ các hộ sản xuất và các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, UBND huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch hỗ trợ theo từng giai đoạn cụ thể, năm 2023 dự kiến phân bổ khoảng 500 triệu đồng để hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Trong năm 2022, Phù Yên có 02 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao, gồm: Viên khôi tía, chuối lạnh và 01 sản phẩm Cốc gỗ OCOP được công nhận đạt 4 sao .

Tập trung thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP - Ảnh 7.

Trung tâm giới thiệu sản phẩm huyện Phù Yên (Sơn La) tại bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Cùng với việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, huyện còn chú trọng nguồn nguyên liệu cung cấp cho quá trình chế biến một số sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng trong tỉnh, ngoài tỉnh biết đến, hướng tới mở rộng thị trường. Tuy nhiên, một số sản phẩm OCOP hiện nay đang gặp khó khăn trong quả trình sản xuất, như Chè Mường Do, tinh dầu sả Java. Nguyên nhân là do,  trong quá trình sản xuất, lượng nguyên liệu đầu vào tương đối ít, vì vậy sản lượng mỗi năm của sản phẩm chè Mường Do chỉ đạt 10 tấn,  sả Java đạt 2 tấn.

Việc triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là cơ hội để các địa phương trong huyện xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và giúp huyện Phù Yên hoàn thành của chỉ tiêu kinh tế, xã hội đặt ra trong giai đoạn 2020-2025.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh