Clip: Tạo bước đột phá để nông nghiệp Sơn La phát triển bền vững
Hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Sơn La có diện tích đất lớn, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho phát triển nông nghiệp. Đến nay Sơn La đã hình thành được các vùng nguyên liệu với khối lượng hàng hoá nông sản lớn, đa dạng, chất lượng, gắn các cơ sở chế biến. Sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến của tỉnh Sơn La đã được khẳng định và tin dùng tại thị trường trong nước cũng như tại một số nước trên thế giới. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị về phát triển Kinh tế - xã hội khu vực trung du và Miền núi Bắc Bộ.
Mai Sơn là trọng điểm kinh tế của Tỉnh nằm trong cụm tam giác kinh tế Thành phố Sơn La - Mai Sơn - Mường La. Huyện có trên 143.200 ha đất tự nhiên. Trên cơ sở điều kiện thực tế về tài nguyên đất đai, địa hình, khí hậu của 4 vùng kinh tế: Vùng quốc lộ 6, vùng quốc lộ 4G, vùng lòng hồ sông Đà và vùng cao biên giới, huyện Mai Sơn đã chọn khâu đột phá, tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình VietGap, nông nghiệp công nghệ cao, mô hình chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Được thành lập năm 2016, với 10 thành viên liên kết trồng cây ăn quả và 5,5 ha thanh long ruột đỏ. Đến nay, HTX đã phát triển lên 200 thành viên và có 1.500 ha điện tích cây ăn quả các loại. Trong đó có hơn 200 ha thanh long ruột đỏ được trồng tập trung ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu và Mộc Châu với sản lượng thanh long 3.000 tấn.
Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng cho biết Để quả thanh long ruột đỏ đủ điều kiện xuất khẩu, các thành viên phải kiểm soát toàn bộ quy trình từ khâu chăm sóc, cắt tỉa cành để tạo nên sản phẩm tốt, an toàn; đồng thời phải lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, đầu năm mới 2023, HTX tiếp tục có những chuyến thanh long ruột đỏ đầu tiên "bay" sang thị trường Pháp.
Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: UBND huyện đã trực tiếp tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành nhiều văn bản trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức 07 hội nghị làm việc với các doanh nghiệp, Hợp tác xã bàn các giải pháp liên kết, phát triển các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện (cây cà phê, cây mắc ca, cây sắn, cây xoài, cây nhãn, cây ngô, cây ngô sinh khối, cây na, cây dâu tây), cùng với đó UBND huyện đã trực tiếp tổ chức nhiều hội nghị triển khai các chủ trương, kế hoạch của huyện ủy về phòng chống dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi; phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn.
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của địa phương đạt trên 49.000 ha, tăng 5,5% so với năm 2021, trong đó: Diện tích cây lương thực có hạt đạt trên 16.600 ha; cây công nghiệp phục vụ chế biến trên 19.000 ha; cây ăn quả và sơn tra đạt 11.000 ha. Tổng đàn gia súc gia cầm trên 1,5 triệu con. Đến hết năm 2022, huyện đã có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 sản phẩm OCOP.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 3.500 ha cây trồng áp dụng sản xuất công nghệ cao; có 51 doanh nghiệp, HTX ứng dụng sản xuất trên 1.000 ha cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Sơn La cụ thể hóa nghị quyết phát triển nông nghiệp
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm “Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc". Thực hiện Nghị quyết số 08, UBND tỉnh ban hành 10 kế hoạch, 6 đề án; thành lập Tổ công tác theo dõi, triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08, cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và mang lại hiệu quả khả quan. Tỉnh đã thu hút đầu tư thêm Dự án Tổ hợp trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu với quy mô 4.000 con bò sữa đáp ứng sản xuất khoảng 20 triệu lít sữa bò tươi nguyên chất mỗi năm, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; Nhà máy chế biến nông sản cụm công nghiệp Mộc Châu; Nhà máy chế biến đường lỏng glucose BHL Sơn La tại Khu công nghiệp Mai Sơn với tổng vốn đầu tư 185 tỷ đồng. Tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai xây dựng Nhà máy Doveco; hoàn thiện các thủ tục pháp lý về quy hoạch xây dựng, đất đai để thu hút đầu tư 1 nhà máy chế biến sữa của Vinamilk tại Mộc Châu với quy mô 20 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Kết quả phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản: Năm 2022 tăng diện tích cây trồng (cây ăn quả, chè, mía, sắn...). Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm: 216.775 ha, tăng 0,9% so với năm 2021. Tổng diện tích cây lâu năm (tính cả cây Sơn tra): 113.589 ha, tăng 2,9% so với năm 2021; Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt: 122.976; cây công nghiệp lâu năm: 30.237 ha, tăng 3,2% so với năm 2021; tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra: 83.001 ha, tăng 0,2% so với năm 2021. Sản lượng Mía: 681.588 tấn; Cao su: 4.560 tấn; Chè búp tươi: 54.045 tấn; Cà phê nhân: 29.649 tấn; Quả các loại và sơn tra: 362.140 tấn.
Đàn trâu: 115,295 con; Đàn bò thịt: 351.242 con; Đàn bò sữa: 27.210 con; Đàn lợn: 657.369 con; Đàn ngựa: 6.298 con; Đàn dê: 166.263 con; Đàn gia cầm các loại: 7.655 nghìn con; Khai thác thuỷ sản: 1.329 tấn): 9.308 tấn, tăng 6,9% so với năm 2021. Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện Mường La, Phù Yên: 245.000 con, trong đó bao gồm cá Mè, cá Trôi Mrigan, cá Chép lai, cá Bỗng.
Với những giải pháp thiết thực, những chính sách và hoạch định phù hợp cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, tin tưởng ngành nông nghiệp Sơn La sẽ tiếp tục phát triển mạnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển ổn định, bền vững.