dd/mm/yyyy

Sơn La xây dựng chiến lược xuất khẩu nông sản

Năm 2018, ngoài giá trị xuất khẩu nông sản đạt cao nhất từ trước tới nay, thì việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được 3 yêu cầu: Được mùa, được giá và có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhân rộng.

Là một trong những tỉnh miền núi nằm trong vùng thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, phù hợp cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm trước Sơn La vẫn chưa tận dụng được lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi cho phát triển nông nghiệp… Bằng nhiều giải pháp đột phá, cơ chế chính sách thông thoáng, mấy năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2018, Sơn La đã khơi dậy được những tiềm năng, lợi thế trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản. Trong đó, có nhiều sản phẩm nông nghiệp đã góp mặt trên thị trường quốc tế với giá trị xuất khẩu đạt cao nhất từ trước tới nay, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp…

Năm 2018, sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La đã xuất khẩu được 220 tấn.
Năm 2018, sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La đã xuất khẩu được 220 tấn.

Trước đây, khi nhắc tới sản phẩm đã vươn đến thị trường quốc tế, chúng ta mới chỉ biết đến sản phẩm cà phê Arabica Sơn La. Với chủ trương đúng đắn về quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chuyển đổi cây nông nghiệp hiệu quả thấp sang phát triển cây ăn quả, Sơn La đã nâng diện tích trồng cây ăn quả lên 57.439 ha; có 16 sản phẩm góp mặt tại thị trường của 12 nước.

Từ những nỗ lực trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, năm 2017 Sơn La Sơn La đã trực tiếp xuất khẩu 3,5 tấn xoài tượng da xanh sang thị trường Australia. Đến nay, nông sản Sơn La đã tham gia chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong và ngoài nước. Qua đó, đã tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới là có 100.000 ha cây ăn quả với sản lượng đạt 1,1 triệu tấn vào năm 2020…

Dãn tem trích xuất nguồn gốc cho sản phẩm xoài tượng Mường La để xuất sang thị trường Trung Quốc.
Dãn tem trích xuất nguồn gốc cho sản phẩm xoài tượng Mường La để xuất sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thông tin: Để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, xuất khẩu, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 61 ngày 30/3/2018 về xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản, thủy sản và thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La năm 2018 và 2 Kế hoạch xúc tiến thương mại đối với sản phẩm xoài, nhãn. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản của Sơn La đã đạt gần 120 triệu USD, trong đó nông sản chiếm 98,5%, vượt 43% so với kế hoạch năm 2018 và tăng 172% so với năm 2017. Đây cũng là một trong ba chỉ tiêu được hoàn thành trước so với mục tiêu Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020.

Một trong số các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La tại thủ đô Hà Nội.
Một trong số các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La tại thủ đô Hà Nội.

Để có những “cú huých” mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Sơn La đã triển khai nhiều chương trình quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm khá rầm rộ. Trong năm 2018, đã có thêm nhiều sản phẩm nông sản tiếp tục xây dựng thương hiệu, chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, đã tổ chức các chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ xuất khẩu nông sản gắn với văn hóa, du lịch. Đáng chú ý, với hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, Sơn La đã ký kết bán được 1.400 tấn nhãn, 2.100 tấn xoài… tiếp tục thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sản phẩm nhãn tươi của Sơn La đã xuất khẩu được trên 5.000 tấn sang 9 nước trên thế giới.
Sản phẩm nhãn tươi của Sơn La đã xuất khẩu được trên 5.000 tấn sang 9 nước trên thế giới.

Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thông tin thêm: Sơn La đã từng loay hoay làm nông nghiệp kiểu cũ, nông sản chưa có sự khác biệt, sản xuất mà quên mất thị trường. Chỉ đến khi lãnh đạo và người dân có cùng một suy nghĩ, sản xuất phải gắn với thị trường, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm thì lúc đó Sơn La mới xác định rõ được hướng đi. Cùng với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37 về thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Từ chủ trương này đã và đang giúp Sơn La tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, hàng chục nghìn ha cây trồng kém hiệu quả được người nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, phù hợp vùng địa lý quy hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Có thể khẳng định, với những chủ trương, chính sách phù hợp trong chỉ đạo việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã và đang mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt. Câu chuyện xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế của tỉnh Sơn La không chỉ mang lại nguồn lợi cho người nông dân, giúp người nông dân thay đổi suy nghĩ về sản xuất hàng hóa mà còn giúp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về một tỉnh miền núi đầy tiềm năng như Sơn La.

Quốc Tuấn