dd/mm/yyyy

Mường Khương: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm đặc trưng như: Quýt sen, chè Shan Tuyết cổ thụ, dứa… Để du khách thập phương tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Mường Khương: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch  - Ảnh 1.

Vùng chè xanh bạt ngàn ở huyện biên giới Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Đánh thức tiềm năng du lịch Mường Khương

Tại thị trấn Mường Khương, nổi bật là mô hình trồng quýt sen đặc sản gắn với du lịch trải nghiệm. Vào mùa quýt chín vàng hàng năm thu hút đông đảo nhiều du khách.

Chị Lồ Dìn Sủi, thôn Lào Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương có khoảng 4.000 gốc quýt sen đặc sản hiện đang vào mùa thu hoạch quả chính vụ.

Chị Sủi chia sẻ: Gia đình tôi trồng quýt sen đã được gần 10 năm nay rồi, ở vùng biên này mỗi khi vào mùa quýt chín đông đảo thương lái và du khách đến tham quan, trải nghiệm hái quả quýt ngay tại vườn.

Do vậy, việc kết hợp nông nghiệp gắn với du lịch đang từng bước trở thành giải pháp hữu hiệu nâng cao giá trị nông sản cho bà con ở đây. Khi đến với khu vườn quýt của gia đình tôi, du khách sẽ có trải nghiệm mới, được tận tay hái những chùm quả quýt và ăn thử ngay tại vườn quýt hoặc mua về.

Mường Khương: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch  - Ảnh 2.

Vườn quýt sai trĩu quả của người dân thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Mường Khương không chỉ được du khách biết đến bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, có nhiều hệ thống hang động Hàm Rồng và hang động Na Măng đã được Bộ Văn hoá xếp hạng “Di tích danh thắng cấp quốc gia”; các di sản văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch như Lễ hội “Gầu tào” của đồng bào dân tộc Mông, Lễ “Tạ ơn trâu” (Tết Sử Giề Pà) của người Bố Y… 

Huyện Mường Khương còn được biết đến là thủ phủ vùng trồng nguyên liệu, các sản phẩm nông nghiệp tập trung như: Chè, chuối, dứa, quýt... với diện tích lên đến hàng nghìn ha. Tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đa dạng phong phú và là điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, những món ăn đặc sản nổi tiếng của Mường Khương gồm: Cơm Séng cù, lạp sườn, thịt treo, rượu cốc ngù, tương ớt, thịt lợn cắp nách đã làm nức lòng du khách thập phương khi đến Mường Khương.

Mường Khương: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch  - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm hái quả quýt sen đặc sản tại thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Cùng với hoa đào, hoa mận nở vào đầu xuân, vườn cây anh đào Nhật Bản nở đỏ rực rỡ trên những nương đồi chè tại xã Cao Sơn, huyện Mường Khương cũng đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách mỗi dịp hoa đua nở khoe sắc, tạo nên vẻ đẹp độc đáo giữa không gian núi rừng, mang đến sự tươi mới những ngày đầu xuân.

Hoa anh đào nở đã thu hút nhiều người đến thăm quan, trải nghiệm, thích thú ngắm hoa, ngắm những nương đồi chè xanh mướt nằm núp dưới tán hoa anh đào đỏ để chụp ảnh làm lưu niệm.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch Mường Khương

Bà Nguyễn Thị Điều, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Khương (Lào Cai), cho biết: Tiềm năng phát triển du lịch huyện Mường Khương rất lớn, tuy nhiên, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng của địa phương. Cơ sở hạ tầng về du lịch còn hạn chế, các điểm du lịch chưa được đầu tư khai thác.

Do vậy, du lịch Mường Khương vẫn ở dạng tiềm năng và triển vọng là chủ yếu, chưa trở thành một ngành kinh tế độc lập mang lại nhiều lợi ích như một số địa phương khác.

Mường Khương: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch  - Ảnh 4.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch đang là hướng đi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo bà Nguyễn Thị Điều để Mường Khương trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, cần tập trung vào những thế mạnh của địa phương để huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, các điểm check-in, các cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, homestay và các bến bãi…

Tiếp tục phát triển mạnh mạng lưới chợ phiên để trao đổi hàng hoá nông sản, thổ cẩm và các vật dụng thiết yếu, ẩm thực của địa phương để phục vụ khách du lịch. Khảo sát, xây dựng mô hình du lịch sinh thái - homestay tại các xã có cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Mường Khương: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch  - Ảnh 5.

Một góc huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mạnh Cường.

Hiện huyện Mường Khương xác định để thu hút đầu tư vào địa bàn huyện trước tiên cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch.

Để thu hút đầu tư hàng năm huyện sẽ chủ động xây dựng các danh mục dự án kêu gọi đầu tư gửi Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh nhằm kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh Lào Cai có những ưu tiên, tập trung nguồn lực, kêu gọi những nhà đầu tư có đủ tầm, các chuyên gia nghiên cứu về du lịch hỗ trợ, đầu tư để phát triển du lịch cho huyện, cần đưa huyện vào khung chiến lược phát triển chung của tỉnh.

Mùa Xuân