dd/mm/yyyy

Mùa nhãn chín ở huyện biên giới, giúp nông dân thu bội tiền

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào việc canh tác cây nhãn, người trồng nhãn Sông Mã (Sơn La) được mùa, giá cao, thương lái thu mua tân vườn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Clip: Mùa nhãn chín ở huyện biên giới, giúp đồng bào no ấm

Nông dân biên giới vào mùa nhãn chín

Về huyện Sông Mã những ngày này, chạy dọc theo QL 4G, đên các xã Chiềng Cang, Chiềng Khoong… đau đầu chúng tôi cũng bắt gặp những ô tô tải đang chờ mua nhãn của bà con nông dân vận chuyển đi các địa bàn trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Thời điểm này, người dân trồng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã đang bắt đầu thu hoạch diện tích nhãn chín sớm và được thương lái thu mua với giá cao nên ai cũng phấn khởi, với mong ước có một vụ nhãn được mùa, được giá.

Ông Đào Ngọc Bằng, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) chia sẻ: Gia đình ông "đi kinh tế mới", lập nghiệp tại vùng đất Sông Mã này từ những năm 1960. Ông nhận thấy chất đất này nếu chỉ trồng hoa màu sẽ rất vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao, cho nên, ông quyết định chuyển đổi sang trồng nhãn. Với giống nhãn nhãn Miền Thiết cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày, chỉ sau 3 năm, ông đã có thể thu hoạch và thu lời liên tiếp trong nhiều năm tiếp theo.  

"Nhờ chăm sóc tốt, thực hiện đúng kỹ thuật, vườn nhãn hơn 4 ha của gia đình tôi cho năng xuất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn. Trừ tất cả chi phí, gia đình thú lái hơn 500 triệu đồng/năm", ông Bằng nói

Mùa nhãn chín ở huyện biên giới, giúp nông dân thu bội tiền - Ảnh 2.

Ông Đào Ngọc Bằng, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) tiến hành thu hái nhãn của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) được thành lập từ đầu năm 2017. Hiện nay, hợp tác xã có 56 ha cây ăn quả các loại; trong đó, chủ lực là cây nhãn với 36 ha, chiếm 64% tổng diện tích, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, sản lượng đạt trên 540 tấn/năm, doanh thu ước đạt trên 8 tỷ đồng.

Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh cho biết: Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng sản phẩm vườn nhãn, HTX đã tiến hành thâm canh, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong ghép mắt, cải tạo giống, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ cách bón phân, sử dụng thuốc BVTV hợp lý để không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, bảo vệ được môi trường, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, chất cấm; luôn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng quả nhãn, đảm bảo vệ sinh an toàn.

Mùa nhãn chín ở huyện biên giới, giúp nông dân thu bội tiền - Ảnh 3.

Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh kiêm tra sâu bệnh hại vườn nhãn của HTX. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh đã mạnh dạn chuyển đổi hoạt động chế biến long nhãn từ lò sấy than thủ công sang lò sấy hơi ép nhiệt kín, do đó chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm từ hương vị, màu sắc đến cảm quan, không sử dụng chất bảo quản, không thêm đường tạo ngọt và rút ngắn thời gian sấy. Sản phẩm được thị trường và các doanh nghiệp như: Big C Thăng Long, VinMAX…đón nhận, ngoài ra còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

Mùa nhãn chín ở huyện biên giới, giúp nông dân thu bội tiền - Ảnh 4.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh sản xuất long nhãn để thuận tiện cho việc tiêu thụ. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển nhãn bền vững

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quang Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã cho biết: Năm 2023, diện tích nhãn của huyện này đạt 7.500ha trong đó diện tích cho sản phẩm là 6.644 ha, sản lượng ước đạt 70.000 tấn. Thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9/2023. Hiện, nhãn Sông Mã đã được cấp 46 mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng với diện tích 473,7ha, sản lượng ước khoảng 4.973,7 tấn.

Huyện Sông Mã dự kiến, sản lượng tiêu thụ quả tươi trong nước đạt 45.000 tấn, chiếm 64,28% tổng sản lượng, trong khi đó, sản lượng dự kiến tiêu thụ long nhãn đạt 500 tấn. Sản lượng xuất khẩu dự kiến đạt 20.900 tấn nhãn quả tươi (trong đó, phấn đấu 900 tấn nhãn quả tươi chiếm giá trị ước đạt 0,600 triệu USD; phấn đấu 2.000 tấn long nhãn, tương đương 20.000 tấn nhãn quả tươi giá trị ước đạt 10,866 triệu USD).

Mùa nhãn chín ở huyện biên giới, giúp nông dân thu bội tiền - Ảnh 5.

Nhờ phát triển cây nhãn, những năm gần đây người dân trên địa bàn huyện sông mã có thu nhập cao. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện, Sông Mã có 2.994 lò sấy, trong đó, 2.262 lò sấy than, 726 lò sấy hơi nhiệt với với tổng công suất chế biến, từ 1.500 - 2.000 tấn quả tươi/ngày. Thời gian chế biến dự kiến từ ngày 28/7/2023 đến ngày 05/9/2023. Năm 2023, dự kiến sản lượng nhãn quả tươi đưa vào chế biến đạt 25.000 tấn, chiếm 35,72% tổng sản lượng, ước đạt 2.500 tấn long nhãn. Cùng với đó, huyện có 05 container lạnh bảo quản nông sản với công suất khoảng 130 - 162 tấn quả nhãn tươi; 03 kho lạnh bảo quản nông sản được khoảng 360 tấn nhãn quả tươi.

Xác định cây nhãn là cây trồng chủ lực, trong những năm qua, huyện Sông Mã đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất nhãn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản, chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. 

Mùa nhãn chín ở huyện biên giới, giúp nông dân thu bội tiền - Ảnh 6.

Cây nhãn phủ xanh khắp nơi trên địa bàn huyện Sông Mã. Ảnh: Bảo An

Bên cạnh đó, huyện Sông Mã đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhãn Sông Mã đến doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thông qua các kênh truyền thông như báo viết, báo điện tử, báo hình ảnh nhãn Sông Mã sẽ tăng tỷ lệ nhận diện và tạo ấn tượng ghi nhớ với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Gia tăng cơ hội xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nhãn của huyện Sông Mã nói riêng, từ đó làm tăng giá trị của loại cây trồng chủ lực của huyện, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Từ đó, nâng cao giá trị thương hiệu nhãn Sông Mã, góp phần phát triển thương mại bền vững cho sản phẩm.


Văn Ngọc - Nguyễn Vinh