dd/mm/yyyy

Giúp nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp

Nông dân Sơn La đổi phương thức sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả sang hướng liên kết sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống và thu nhập của người dân.

Clip: Thay đổi nhận thức nông dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp

Tư duy canh tác nông nghiệp của nông dân thay đổi

Xã Mường Do một trong những xã vùng cao của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Những người nông dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc nông nghiệp. Tuy nhiên, tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chủ yếu trồng theo kiểu tự phát, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, sản lượng thấp, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Ðể thay đổi nhận thức của người dân, huyện Phù Yên đã triển khai mô hình trồng cây gai xanh. Các hộ dân được hỗ trợ giống cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn kỹ thuật trồng. Sau 3 năm thực hiện mô hình, đến nay cây gai xanh đã cho thấy hiệu quả của mình. Qua tổng kết, đánh giá, mô hình cho năng suất gấp 2 - 3 lần so với người dân trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác.

Thay đổi nhận thức nông dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Mô hình trồng cây gai xanh tại xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Nguyễn Công Bảo, giám đốc HTX Nông nghiệp BTH (Mường Do, Phù Yên, Sơn La), cho biết: HTX Nông nghiệp BTH hiện có 07 thành viên, từ năm 2021 HTX đã liên kết với hơn 30 hộ nông dân tại các xã Mường Bang, Mường Do (Phù Yên, Sơn La) trồng được gần 50ha cây gai xanh AP1, một số diện tích đã cho thu hoạch, đem lại lại hiệu quả kinh tế tương đối ổn định cho bà con nông dân.

Theo anh Bảo, cây gai xanh là cây đa tác dụng, những sản phẩm chủ yếu là vỏ. Vỏ của cây gai xanh được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp, lá được dùng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Lõi cây gai thì có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Như vậy, tất cả các bộ phận của cây gai đều có ích, mang lại lợi nhuận cho người trồng. Cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 1 lần nhưng cho thu hoạch trong vòng từ 8 đến 10 năm, mỗi năm có 4-6 vụ; việc trồng và chế biến cây gai xanh sẽ mang lại thu nhập cao gấp 3-4 lần các loại cây truyền thống ngô, khoai, sắn.

Thay đổi nhận thức nông dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Nhờ thay đổi tư duy, liên kết trong sản xuất, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Gia đình chị Đinh Thị Thiên (Suối Han, Mường Do, Phù Yên, Sơn La) đã liên kết với HTX Nông nghiệp BTH trồng cây gai xanh. Chị Thiêm, cho biết: Tôi thấy cây gai này phát triển kinh tế lợi ích nó có rộng mở hơn cây ngô, cây ngô thì đầu tư phân, giống cũng đắt, cây gai này nó đầu tư ít hơn nhưng lợi ích nó cao hơn. Khi cây phát triển ổn định và cho thu hoạch thì chỉ phải chăm sóc, bón phân và theo dõi sâu bệnh hại.

Cũng theo chị Thiêm, ưu điểm nữa đối với cây gai xanh là tránh được rủi ro thiên tai, nếu không may bị mưa đá, gió lốc hay ngập úng, bà con chỉ cần chặt thân đi, cây gai lại mọc, không cần trồng lại như một số cây trồng khác.

Thay đổi nhận thức nông dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp - Ảnh 4.

Gia đình chị Đinh Thị Thiên, có thu nhập ổn định từ trồng cây gai xanh. Ảnh: Văn Ngọc

Với mong muốn thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao thu nhập, đầu năm 2017, 8 hộ dân bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) đã cùng đóng góp vốn, đất sản xuất thành lập hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, phát triển trồng cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP. Hiện nay, HTX có 14 thành viên, sản xuất 30 ha nhãn, năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha, sản lượng đạt trên 330 tấn, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm.

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX, chia sẻ: Ngay sau khi mỗi vụ thu hoạch vụ nhãn, các thành viên tập trung cắt tỉa những cành yếu, cành bị sâu bệnh, tạo tán, vệ sinh vườn và bón phân, kích thích cây nhanh chóng phục hồi và phát triển. Khi cây bật lộc non, chúng tôi theo dõi để phòng trừ sâu bệnh, HTX luôn tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với diện tích nhãn chín sớm phải đảm bảo đủ nước tưới ẩm, bón thêm các nguyên tố đa vi lượng giúp các chùm hoa to dài hơn, nhanh nở và đậu quả. Với diện tích nhãn Miền Thiết, hạn chế độ ẩm của đất, phun bổ sung một số chế phẩm bón lá có hàm lượng lân, kali cao và có chứa các chất kích thích ra hoa và nở hoa.

Thay đổi nhận thức nông dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp - Ảnh 5.

8 hộ dân bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) đã cùng đóng góp vốn, đất sản xuất thành lập hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, phát triển trồng cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Từ năm 2020 đến nay, HTX đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các đối tác lớn, như: Công ty cổ phần phân bón Fusa Hải Dương để cung cấp phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho HTX; Công ty Syngenta cung cấp thuốc bảo vệ thực vật. Việc sản xuất theo đơn đặt hàng giúp các thành viên HTX, người nông dân tham gia liên kết không còn phải lo về tình trạng được mùa mất giá, yên tâm sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm để đưa đến khách hàng.

Với tư duy sản xuất thay đổi theo hướng tích cực, chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, các thành viên HTX Hoa Mười đã góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, xây dựng thương hiệu uy tín cho các sản phẩm nhãn của huyện Sông Mã, đưa thương hiệu nhãn Sông Mã đến nhiều hơn với người tiêu dùng.

Thay đổi nhận thức nông dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp - Ảnh 6.

Nhờ thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp, các thành viên của HTX Hoa Mười có thu nhập cao. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân hướng tới nền nông nghiệp bền vững

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh thông tin: Đến nay, tỉnh Sơn La có trên 84.700 ha cây ăn quả. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phát triển diện rộng. Toàn tỉnh có 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương; 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ.

Thay đổi nhận thức nông dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp - Ảnh 7.

Tỉnh Sơn La đẩy mảnh triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Ảnh: Văn Ngọc

Toàn tỉnh có 110 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; đã cấp được 281 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, diện tích trên 4.600 ha; trên 1.200 ha ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm nước; 53 ha sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; 17 mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Thay đổi nhận thức nông dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp - Ảnh 8.

Đên nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xuất hiện nhiều mô hình cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Ngọc

Những năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được thực hiện đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân.  Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện chuỗi Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, diện tích cây ăn quả của tỉnh tăng thêm gần 60.000 ha; giá trị sản xuất các loại quả trong tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng từ 4,3% năm 2015 lên 16,5% năm 2022.

Toàn tỉnh có hàng vạn nông dân SXKD giỏi cấp xã, gần 2.000 hộ SXKD giỏi cấp huyện, gần 1.500 cấp tỉnh, 183 hộ cấp trung ương, nổi lên nhất là trồng cây ăn quả. Triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp đã mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các hộ dân đăng ký tham gia và người dân xung quanh. Sự thay đổi về tư duy, nhận thức của người nông dân đã góp phần sản xuất các loại nông sản an toàn, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh