dd/mm/yyyy

Lào Cai: Trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Vĩnh Phúc và Hải Dương

Đoàn công tác của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai vừa có chương trình trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương thuộc 2 tỉnh: Vĩnh Phúc và Hải Dương.

Clip: Huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Vĩnh Phúc, Hải Dương.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ

Tham dự đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Trung Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng làm trưởng đoàn; các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo xã Gia Phú, Thái Niên; đại diện một số hợp tác xã, các hộ trồng rau màu quy mô lớn.

Tại chương trình trao đổi kinh nghiệm đoàn đã có buổi làm việc với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia, Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc. Thăm quan Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Lào Cai: Trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Vĩnh phúc và Hải Dương - Ảnh 1.

Đoàn công tác huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) do đồng chí Nguyễn Trung Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn làm việc tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Duy Trinh

Được biết, trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia có chức năng phục vụ quản lý Nhà nước của Cục về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định và chứng nhận sự phù hợp phân bón, hoá chất sử dụng trong hoạt động trồng trọt và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật…

Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia có chức năng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; Thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng; Hợp tác quốc tế, tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về phân bón và hoá chất sử dụng trong hoạt động trồng trọt.

Tập đoàn Quế Lâm là đơn vị chuyên sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng, NPK, chế phẩm sinh học; đồng thời, sản xuất, chế biến các loại nông sản hữu cơ; phát triển công nghệ sinh học làm nền tảng để sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp có chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện và bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Lào Cai: Trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Vĩnh phúc và Hải Dương - Ảnh 2.

Đoàn công tác huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) thăm quan, học tập kinh nghiệm trồng dưa nhà lưới ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Duy Trinh

Thời gian qua, tập đoàn Quế Lâm đã sản xuất và cung cấp hàng trăm nghìn tấn phân bón hữu cơ vi sinh và có nguồn gốc từ hữu cơ cho thị trường, với khối lượng hàng hóa năm sau nhiều hơn năm trước, đạt mức tăng trưởng bình quân từ 25-30%/năm.

Tại chương trình làm việc, đoàn công tác của huyện Bảo Thắng và Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia, Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc đã trao đổi làm rõ về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiệu quả của phân bón hữu cơ đối với trồng rau màu; Các loại phân bón hữu cơ vi sinh có tác dụng cải tạo đất và giúp cây trồng phát triển tốt. UBND huyện Bảo Thắng giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là đầu mối xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo tại địa phương để xây dựng vùng rau màu chuyên canh hàng hóa.

Tiếp đó, đoàn công tác của huyện Bảo Thắng đã đến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đây là một trong những huyện đi đầu của Hải Dương trong phong trào tích tụ ruộng đất, góp phần xoá bỏ ruộng hoang, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều nông dân của huyện đã làm giàu nhờ tích tụ ruộng đất.

Lào Cai: Trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Vĩnh phúc và Hải Dương - Ảnh 3.

Đoàn công tác huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) thăm cánh đồng trồng rau màu tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Duy Trinh

Tại đây, đoàn công tác của huyện Bảo Thắng đã đi tham quan một số mô mình sản xuất nông nghiệp tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đây là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh Hải Dương. Với tổng diện tích 11ha mặt nước, chủ yếu nuôi cá rô, trắm, chép… Đoàn cũng đã tới thăm mô hình trồng nấm trong nhà lạnh. Được biết, nguyên liệu trồng nấm sử dụng rơm, rạ là chính, cùng với bông phế thải, lõi ngô, vỏ hạt cà phê, mùn cưa.

Lào Cai: Trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Vĩnh phúc và Hải Dương - Ảnh 4.

Mô hình trang trại nuôi cá với 11ha cho thu nhập trên 4 tỷ đồng/năm chỉ cần có 01 công nhân chăm sóc, vận hành. Ảnh: Duy Trinh

Đoàn đến thăm trang trại nuôi bồ câu Pháp thảo dược theo hướng hữu cơ với chi phí đầu tư trên 1 tỷ đồng. Hiện, trang trại đang nuôi 2.600 cặp chim bồ câu bố mẹ, mỗi tháng cung cấp ra thị trường 3.800 - 4.200 con chim thương phẩm.

Lào Cai: Trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Vĩnh phúc và Hải Dương - Ảnh 5.

Thăm mô hình nuôi bồ câu Pháp thảo dược cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Sau chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hải Dương, các thành viên trong đoàn công tác của huyện Bảo Thắng đã có dịp được thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, có tính khả thi cao, phù hợp với phát triển tại đồng đất Bảo Thắng. Đồng thời, thông qua việc tham quan, học tập kinh nghiệm này, nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả, góp phần cho công cuộc phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các địa phương.

Tuấn Hùng, Duy Trinh