dd/mm/yyyy

Lào Cai đẩy mạnh phát triển cây trồng chủ lực, tăng thu nhập cho người dân

Khai thác tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc sang trồng chè, chuối, cây ăn quả ôn đới cho năng suất, chất lượng cao...

Clip: Nông dân huyện Mường Khương (Lào Cai) thu hoạch chè.

Nông dân huyện vùng biên Lào Cai ấm no nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả

Trở lại dải đất biên cương xa xôi của tỉnh Lào Cai chúng tôi ấn tượng bởi một màu xanh bạt ngàn của những cây chè, chuối, quế và các loại cây ăn quả ôn đới nơi đây.

Đang hái những búp chè tươi non xanh bóng mượt cùng người thân trong gia đình, anh Lý Chín Mình, thôn Sín Lùng Chải, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương khẽ lau mồ hôi trên đôi gò má, anh Mình, chia sẻ: Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ trồng 1 ha chè Shan tuyết, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật hiện nay số diện tích chè đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được gần 10 tấn chè búp tươi, thu về gần 100 triệu đồng. So với cây ngô thì cây chè mang lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.

Huyện vùng biên Lào Cai đẩy mạnh phát triển cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 2.

Màu xanh bạt ngàn chè Shan tuyết huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Trần Mạnh Thắng, Phó Giám đốc HTX Bản Sen, xã Bản Sen, huyện Mường Khương, cho hay: HTX Bản Sen thành lập năm 2020, sau một thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, HTX đã từng bước khắc phục khó khăn và đi vào hoạt động hiệu quả, với ngành nghề kinh doanh thu mua chè của người dân để sao thành chè khô xuất khẩu.

Theo ông Thắng chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, HTX đã thu mua của người dân trong xã Bản Sen và các xã lân cận 700 tấn chè búp tươi và xuất khẩu ra thị trường thế giới được khoảng 160 tấn khô. Hiện, HTX Bản Sen đang thu mua chè búp tươi của người dân, với giá từ 6-8 nghìn đồng/kg nên người dân rất yên tâm.

Huyện vùng biên Lào Cai đẩy mạnh phát triển cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 3.

Nông dân huyện vùng biên Mường Khương (Lào Cai) thu hoạch chè. Ảnh: Mùa Xuân.

Nếu như nhiều hộ dân nhờ trồng chè có cuộc sống khá giả hơn thì gia đình ông Làn Mậu Thành, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường, huyện Mường Khương lại lựa chọn trồng quýt sen đặc sản, với diện tích 4 ha. Trung bình mỗi năm gia đình ông Thành thu về khoảng 50 tấn quả quýt, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng.

Mường Khương là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai và là một trong những huyện nghèo của cả nước. Huyện có một số lợi thế đặc thù về đất đai, tiểu vùng khí hậu khác nhau, do vậy, những năm qua, huyện Mường Khương luôn xác định nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế.

Thu nhập bình quân đầu người huyện vùng biên Lào Cai đạt gần 29 triệu đồng/người/năm

Thực Nghị quyết số 10 - NQ/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, huyện Mường Khương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền vận động nhân dân tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Từ Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, huyện Mường Khương đã cụ thể hoá bằng các chương trình, đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện sát với thực tiễn, điều kiện của địa phương,  chuyển từ sản xuất quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây trồng hàng hoá có giá trị kinh tế cao hơn.

Huyện vùng biên Lào Cai đẩy mạnh phát triển cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 4.

Quýt đặc sản huyện vùng biên Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Khương, cho biết: Từ các chương trình, dự án của huyện, tỉnh và Trung ương, phòng đã phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn tuyên truyền về dự án trồng chè, dứa, chuối, quế và dự án trồng cây ăn quả ôn đới… cho bà con. Từ đó, đã hình thành các vùng kinh tế nông nghiệp hàng hoá tăng giá trị canh tác trên đất nông nghiệp.

Huyện vùng biên Lào Cai đẩy mạnh phát triển cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 5.

Chuối xuất khẩu cũng đang là một trong những cây trồng giúp bà con của huyện Mường Khương (Lào Cai) nâng cao thu nhập. Ảnh: Mùa Xuân.

Điểm nhấn là huyện Mường Khương đã hình thành các vùng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hoá tập trung. Trong đó, vùng chè có diện tích gần 5.000 ha (tăng 2.893 ha so với năm 2018) và đang được tiếp tục phát triển nhân rộng trên địa bàn 16 xã, thị trấn. Vùng trồng quế gần 1.900 ha; hơn 1.560 ha dứa; chuối trên 400 ha; vùng quýt duy trì ổn định 815 ha...

Giá trị sản xuất 1 ha đất canh tác tăng từ 48,8 triệu đồng (năm 2018) lên 72 triệu đồng (năm 2022), đã giúp các hộ gia đình phát triển sản xuất nông nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất của mỗi người dân và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đời sống của bà con nông dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,5 triệu đồng/người/năm (2018) lên 28,78 triệu đồng/người/năm (2022), tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hết năm 2022 còn 39,74%, giảm bình quân 6 -7%/năm.

Mùa Xuân