dd/mm/yyyy

Lai Châu: Sìn Hồ chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đang có nhiều giải pháp giúp người dân chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Người dân Sìn Hồ nâng cao nhận thức - chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/ Trang Trại Việt điện tử, ông Bế Văn Tiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sìn Hồ, cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi hiểu rõ về tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Qua đó, người dân trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của mình.

Lai Châu: Sìn Hồ chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm - Ảnh 1.

Anh Lý A Nhè đang vệ sinh khu vực chuồng trại của gia đình. (Ảnh: Phạm Hoài)

Gia đình anh Lý A Nhè ở bản Tà Ghênh (xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ) hiện đang có đàn lợn 15 con. Nhằm giúp đàn lợn của mình được sinh trưởng tốt và luôn khỏe mạnh, anh Nhè vệ sinh chuồng trại chăn nuôi heo sạch sẽ, sát trùng, khử khuẩn mọi ngóc ngách quanh khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, anh Nhè thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn lợn cũng như tình hình dịch bệnh gia súc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lai Châu: Sìn Hồ chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm - Ảnh 2.

Nhờ làm tốt khâu phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của anh Nhè luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. (Ảnh: Phạm Hoài)

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/ Trang Trại Việt điện tử, anh Nhè chia sẻ: Trong chăn nuôi, khâu phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi là rất quan trọng, vì vậy, đối với chuồng trại tôi thường xuyên khử trùng, tiêu độc bằng vôi bột và hóa chất, đặc biệt là việc khử trùng được tôi làm thường xuyên, hầu như hàng ngày để đàn lợn không bị nhiễm bệnh. Nhờ vậy, đến thời điểm này, đàn lợn của tôi luôn khỏe mạnh và sinh trưởng tốt.

Lai Châu: Sìn Hồ chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm - Ảnh 3.

Lai Châu: Sìn Hồ chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Chinh và các thành viên trong gia đình thường xuyên vệ sinh chuồng trại đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi. (Ảnh: PHạm Hoài)

Cũng như anh Nhè, bà Nguyễn Thị Chinh - khu 5, thị trấn Sìn Hồ (Sìn Hồ) là hộ chăn nuôi tổng hợp với đàn lợn 25 con, trên 150 con ngan, vịt. Để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt trong thời điểm mùa hè dễ phát sinh các loại dịch bệnh gia đình bà thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, thực hiện tiêm phòng định kỳ, phun khử khuẩn đầy đủ.

Lai Châu: Sìn Hồ chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm - Ảnh 5.

Gia đình bà Chinh hiện đang nuôi trên 150 con ngan, vịt. (Ảnh: Phạm Hoài)

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/ Trang Trại Việt điện tử, bà Chinh cho biết: Để đảm bảo an toàn cho đàn ngan, vịt của gia đình, tôi đã chủ động chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin, đồng thời chú trọng điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp theo độ tuổi và bổ sung một số loại vitamin tăng sức đề kháng cho đàn ngan, vịt phát triển tốt. Đối với đàn lợn của gia đình, cán bộ thú y đến tiêm phòng định kỳ, đồng thời hướng dẫn hướng dẫn chúng tôi sử dụng các biện pháp khử trùng, vệ sinh đúng cách. Nhờ đó, đàn vật nuôi của gia đình luôn được khỏe mạnh.

Nhiều giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Sìn Hồ

Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện Sìn Hồ có trên 74.000 con gia súc, trong đó đàn trâu, bò trên 28.000 con, tổng đàn gia cầm đạt 310.000 con. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, huyện Sìn Hồ tổ chức tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt.

Lai Châu: Sìn Hồ chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm - Ảnh 6.

Hiện nay, toàn huyện Sìn Hồ có trên 74.000 con gia súc, trong đó đàn trâu, bò trên 28.000 con, tổng đàn gia cầm đạt 310.000 con. (Ảnh: Phạm Hoài)

Vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc-tơ truyền bệnh tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm.

Thành lập các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở; bố trí sẵn sàng nhân lực, vật lực để chủ động xử lý khi có dịch xảy ra, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; khẩn trương rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin trên gia súc, gia cầm.

Lai Châu: Sìn Hồ chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm - Ảnh 7.

Huyện Sìn Hồ thường xuyên thành lập các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở. (Ảnh: Phạm Hoài)

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tuyên truyền cho người dân về việc đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, chỉ sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch; có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh.

Tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Huyện Sìn Hồ sẽ tiếp tục duy trì và phát triển ổn định đàn đàn vật nuôi, tạo tiền đề cho việc chuyển đổi từ phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao.


Thanh Ngân-Phạm Hoài