dd/mm/yyyy

Lai Châu: OCOP 3 sao - mật ong Thanh Xuân thơm ngon nức tiếng

Sau hơn 1 năm thực tập nghề tại Isarel, chị Lò Thanh Xuân (bản Khoang, Mường Mít, Than Uyên, Lai Châu) cất bằng kỹ sư, về quê khởi nghiệp nuôi ong rừng lấy mật; xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao mật ong Thanh Xuân...

Cất bằng kỹ sư, chọn mật ong Thanh Xuân để khởi nghiệp

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp chị Xuân, đó là cô gái người Thái xinh xắn, trẻ trung và khá năng động, hoạt bát. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, ở bản Khoang, xã Mường Mít, tuổi thơ của chị Xuân gắn liền với hình ảnh lam lũ, vất vả của ông, bà, bố, mẹ và bà con, lối xóm. Chứng kiến cảnh lao động vất vả của người thân và bà con trong bản, chị Xuân tự nhủ sau này trưởng thành sẽ làm gì đó có ích, góp phần xây dựng quê hương tươi đẹp hơn. Có lẽ, đây cũng chính là lý do khi chị Xuân lựa chọn thi vào ngành Phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Lai Châu: Sản phẩm OCOP 3 sao mật ong Thanh Xuân thơm ngon nức tiếng - Ảnh 1.

Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít nuôi ong rừng lấy mật từ năm 2022. (Ảnh: Thanh Xuân)

"Năm 2017, tôi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Sau đó, tôi có tham gia chương trình thực tập sinh nghề nghề ở Isarel. Trong hơn 1 năm thực tập nghề nghiệp tại Isarel, tôi được tham gia nhiều farm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có farm ong. Ở farm ong, tôi được giới thiệu và học hỏi, tích lũy khá nhiều kiến thức về sản phẩm mật ong ở Isarel. Niềm đam mê nuôi ong mật trong tôi cũng nảy nở và phát triển từ đó" – chị Xuân nhớ lại.

Sau một thời gian nghiên cứu sâu về mật ong cũng như quy trình kĩ thuật nuôi ong lấy mật ở Isarel, chị Xuân quyết định về quê khởi nghiệp nuôi ong rừng lấy mật. Năm 2021, chị Xuân bắt tay vào nuôi ong mật. Trước đó, chị đi làm thuê ở ngoài để tích lũy vốn đầu tư nuôi ong.

Lai Châu: Sản phẩm OCOP 3 sao mật ong Thanh Xuân thơm ngon nức tiếng - Ảnh 2.

Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít do chị Xuân làm giám đốc để toàn bộ thùng ong ở trong rừng. (Ảnh: Thanh Xuân)

"Tôi lựa chọn khởi nghiệp nuôi ong rừng lấy mật không phải ngẫu nhiên, mà có lý do của nó. Phần vì đam mê sau thời gian dài nghiên cứu về mật ong ở Isarel, phần vì nhận thấy điều kiện tự nhiên ở quê nhà khá phù hợp với nghề nuôi ong lấy mật. Rừng ở quê tôi khá tươi tốt, với nhiều loại cây, hoa. Đây là điều kiện lý tưởng để nuôi ong lấy mật" – 9X người Thái chia sẻ.

Với điều kiện tự nhiên lý tưởng ở quê nhà, chị Xuân lựa chọn nuôi giống ong địa phương, thay vì nuôi ong ngoại. Cái hay của chị Xuân là không phải mất tiền mua giống, mà toàn bộ đàn ong được chị bắt từ rừng về thuần hóa.

Lai Châu: Sản phẩm OCOP 3 sao mật ong Thanh Xuân thơm ngon nức tiếng - Ảnh 3.

Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao mật ong Thanh Xuân vào năm 2022. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Tôi bắt cả đàn ong trong rừng. Tôi sử dụng giỏ để bắt ong chúa, sau đó treo giỏ chúa vào mũ để dụ đàn ong đậu vào. Thay vì mang đàn ong về nhà, thì tôi đưa giỏ chúa vào cầu trong thùng gỗ và đặt ngay trong rừng. Sau từ 3 – 5 ngày, tôi thả ong chúa ra khỏi giỏ, nhưng vẫn chắn chúa không cho bay khỏi thùng" – chị Xuân thông tin.

Thời gian đầu, chị Xuân nuôi gần 40 thùng ong. Đến giữa năm 2022, chị Xuân đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít. Hợp tác xã do chị làm giám đốc, với tổng số 9 thành viên.

Xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao mật ong Thanh Xuân

"Nhận thấy nuôi ong rừng lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi đã vận động một số hộ dân tham gia nuôi ong và thành lập hợp tác xã. Việc thành lập hợp tác xã nuôi ong khá thuận lợi. Các thành viên hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư nuôi ong theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu. Đến thời điểm này, Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít có hơn 300 thùng nuôi ong" – chị Xuân cho biết.

Theo chị Xuân, trong quá trình nuôi ong lấy mật, Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít không cho ăn đường, mà để toàn bộ thùng ong trong rừng, cho đàn ong hút mật từ các loại hoa trong rừng. Các thành viên hợp tác xã khai thác mật ong từ tháng 2 đến tháng 6. Chị Xuân thu mua toàn bộ mật ong của các thành viên trong hợp tác xã, sau đó đưa về xưởng sơ chế, đóng hộp, bảo quản và bán ra thị trường.

"Mật ong sau khi thu hoạch được đưa vào máy ly tâm để hạ thủy phần, giúp chiết xuất bớt lượng nước và chỉ giữ lại thành phần mật. Nhờ đó, mật ong của Hợp tác xã luôn có độ đặc sánh và thơm ngon đặc trưng" – chị Xuân cho biết.

Lai Châu: Sản phẩm OCOP 3 sao mật ong Thanh Xuân thơm ngon nức tiếng - Ảnh 4.

Sản phẩm mật ong Thanh Xuân thơm ngon nức tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng. (Ảnh: Thanh Xuân)

Năng động, nhạy bén trong kinh doanh, để sản phẩm mật ong của Hợp tác xã ngày càng nhiều người biết đến hơn, chị Xuân đã mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Được sự hướng dẫn, giúp đỡ từ các cơ quan chuyên môn của huyện Than Uyên và chính quyền xã Mường Mít, Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao Mật ong Thanh Xuân vào năm 2022.

Ngoài ứng dụng công nghệ vào khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản, Hợp tác xã còn chú trọng xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm và tận dụng các nền tảng công nghệ số quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu đến người tiêu dùng.

"Từ khi đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm Mật ong Thanh Xuân bán đắt hàng hơn, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng hơn. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp hơn 3.000 lít mật ong rừng nguyên chất ra thị trường. Bán với giá 150.000 đồng/lọ 350 ml, Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Nuôi ong rừng lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhờ nuôi ong lấy mật, thu nhập, đời sống của gia đình các thành viên trong Hợp tác xã ngày càng cải thiện, nâng cao" – chị Xuân phấn khởi nói.


Thanh Ngân - Tuấn Hùng