Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nậm Xe đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính đồng ruộng, mảnh đất của mình.
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, chính quyền xã Nậm Xe đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Xã Nậm Xe hiện có trên 870 ha đất gieo trồng, trong đó lúa Đông Xuân 148,7 ha, sắn 211 ha, khoai sọ 30 ha, chuối 470 ha. Trước đây, người dân chủ yếu sử dụng các giống ngô, lúa truyền thống với thói quen canh tác, chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, nhưng thời gian gần đây những cây trồng này không đem lại hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, người dân đã từng bước chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế.
Một trong những loại cây được đưa vào trồng thay thế là cây khoai sọ. Ban đầu, chỉ có một vài hộ trồng ở cuối vườn lấy củ phục vụ gia đình. Ăn thấy ngon, bở, mùi thơm hấp dẫn, được nhiều khách hàng hỏi mua nên người dân đã bảo nhau gây giống, mở rộng diện tích. Đến nay, cây khoai sọ trở thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường, mang lại thu nhập cho người dân.
Chúng tôi đến bản Dền Thàng, nơi được coi là khu vực trồng khoai sọ nhiều nhất nhì của xã Nậm Xe. Ở bản Dền Thàng, gia đình nào trồng ít cũng có 3 đến 4 sào khoai sọ, nhiều thì lên tới 2 ha.
Gia đình anh Lý A Sài, bản Dền Thàng (xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa nương sang trồng cây khoai sọ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nương khoai sọ nhà anh Sài tuy mới trồng được mấy tháng nhưng đã lên xanh mơn mởn. Có được điều đó là nhờ nỗ lực cải tạo, chăm sóc của gia đình anh.
Anh Sài cho biết: Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, gia đình tôi đã chuyển diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng chuối và khoai sọ. Những loại cây này dễ chăm sóc, như cây khoai sọ, chỉ cần làm cỏ, bón phân đúng thời gian, liều lượng thì cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Với 4 sào khoai sọ, vụ năm 2020 gia đình tôi thu hoạch được hơn 50 triệu đồng.
Trước đó, nhận thấy cây khoai sọ thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, xã Nậm Xe đã triển khai mô hình trồng khoai sọ với sự tham gia của nhiều hộ. Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật.
Khoai sọ được bà con trồng trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 3 âm lịch hàng năm. Với đặc tính sinh trưởng kéo dài từ 10 - 12 tháng nên khoai sọ chỉ trồng được 1 vụ trong năm. Mùa thu hoạch khoai sọ thường vào cuối tháng 12, được tiến hành khi lá khoai ngả màu vàng, thân cây lụi héo.
Để giữ giá khoai sọ, người dân không thu hoạch đồng loạt mà chỉ khi nào thương lái đến thu mua mới lên nương dỡ củ. Điều này cũng để tránh khoai không bị hỏng, thối hoặc không tiêu thụ được.
Vào vụ thu hoạch khoai sọ, xã Nậm Xe trở nên nhộn nhịp, tấp nập. Thương lái đến tận nhà dân để thu mua. Khoai sọ là cây ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, là thực phẩm khá an toàn. Hơn nữa, khoai sọ ở đây thơm ngon, bở hơn ở các vùng khác nên được khách hàng xa gần ưa chuộng. Trên thị trường, khoai sọ có giá khoảng 20 nghìn đồng/1kg, có thời điểm khoai đầu mùa được bán với giá 25 nghìn đồng/1 kg.
Cùng với cây khoai sọ, xã Nậm Xe cũng khuyến khích người dân đưa vào trồng những loại cây thay thế khác như: Thảo quả, xoài Đài loan, chuối... Nhờ đó, ngoài 30 ha khoai sọ, xã còn có gần 42 ha thảo quả đang chăm sóc, phục hồi; 47 ha sa nhân tím và một số cây trồng khác.
Do chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 20 triệu đồng/người/năm, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.
Theo ông Đặng Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Nậm Xe cho biết: Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đang tập trung quy hoạch vùng sản xuất; đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ về nguồn vốn, giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật giúp các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xã đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích đối với cây khoai sọ. Đến nay, xã Nậm Xe ước tính có hơn 30 ha cây khoai sọ, trong đó tập trung ở bản Huổi Hấn, Dền Thàng, Mấn 1, Mấn 2. So với cây ngô, lúa thì khoai sọ cho thu nhập cao hơn lại ít bị các loại sâu bệnh gây hại, giá cả tương đối ổn định, tiêu thụ tốt.