dd/mm/yyyy

Lai Châu: Chuyển biến tích cực công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở Bum Nưa

Những năm gần đây, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở xã Bum Nưa (Mường Tè, Lai Châu) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ có sự chăm sóc, bảo vệ của người dân, những cánh rừng trên địa bàn xã ngày càng xanh tốt.

Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân

Về xã Bum Nưa, chúng tôi không khỏi sững sờ trước màu xanh tươi tốt của những cánh rừng ở nơi đây. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy những cánh rừng của xã đã và đang được chăm sóc, bảo vệ tốt.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng xanh tốt ở bản Nà Hẻ, ông Vàng Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, không chỉ người dân bản Nà Hẻ, mà bà con các bản khác trong xã rất tích cực trong việc giữ rừng. Người dân các bản trong xã giờ coi rừng như báu vật để bảo vệ. Nhờ có sự tham gia bảo vệ của người dân, mà diện tích rừng của xã ngày càng phát triển xanh tốt.

Lai Châu: Chuyển biến công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở Bum Nưa - Ảnh 1.

Người dân xã Bum Nưa tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, sở dĩ ý thức, trách nhiệm giữ rừng của người dân trong xã có sự thay đổi lớn như vậy, một phần là nhờ xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp tới các bản. Yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy cháy rừng, đó là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Được hưởng lợi từ chính sách này, người dân các bản trong xã ngày càng tích cực hơn trong việc giữ gìn, phát triển rừng.

"Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tác động đến nhận thức của người dân và mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Rừng trên địa bàn xã được bảo vệ tốt hơn. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giảm dần qua các năm. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần đảm bảo diện tích rừng và độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Trong năm 2022 trên địa bàn xã Bum Nưa không xảy cháy rừng và vi phạm pháp luật về lâm nghiệp" – ông Thọ nhấn mạnh.

Lai Châu: Chuyển biến công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở Bum Nưa - Ảnh 2.

Tỷ lệ độ che phủ rừng của xã Bum Nưa tăng qua từng năm. (Ảnh: Thanh Ngân)

Bam Nưa chủ động phương án phòng cháy chữa cháy rừng

Để công tác phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng xã Bum Nưa phối hợp với các tổ chức, hội, đoàn thể xã, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè thường xuyên tuần tra, kiểm tra thực địa các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy, lấn chiếm rừng.

Qua câu chuyện với Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, được biết: Trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, xã Bum Nưa luôn xác định phòng cháy là nhiệm vụ quan trọng. Xã Bum Nưa thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống chỉ đạo điều hành từ xã xuống các bản, đảm bảo khẩn trương và kịp thời. Mặt khác, xã Bum Nưa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân các bản tích cực tham gia công tác phòng, chống, chữa cháy rừng, nâng cao trách nhiệm của nhóm hộ gia đình, gia đình, cá nhân được giao làm chủ rừng; Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy ước bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, xã Bum Nưa còn chủ động xây dựng và triển khai phương án phòng, chống, chữa cháy rừng  theo phương châm 4 tại chỗ: "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ". Nhờ tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã Bum Nưa không xảy ra vụ cháy rừng nào.

Lai Châu: Chuyển biến công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở Bum Nưa - Ảnh 3.

Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân xã Bum Nưa hăng hái tham gia bảo vệ, phát triển rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Thời gian tới, xã Bum Nưa tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kiểm lâm địa bàn, các đoàn thể đóng chân trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, quản lý rừng và quản lý lâm sản, các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hướng dẫn nhân dân đốt nương an toàn để không bị cháy lan sang khu vực xung quanh. Sẵn sàng huy động tốt lực lượng tham gia chữa cháy nếu có cháy rừng xảy ra. Thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm hay xảy ra cháy, phá rừng. Tổ chức giám sát chặt chẽ các tổ chuyên trách trong việc xây dựng và thực hiện phương án BVR- PCCCR, chống chặt phá rừng...

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, diện tích rừng trên địa bàn xã Bum Nưa đã và đang được bảo vệ, phát triển ngày càng xanh tốt, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn qua các năm.


Thanh Ngân