dd/mm/yyyy

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã vùng cao Lào Cai

Những năm gần đây, bà con nhân dân xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã đưa cây chè, chuối, quýt, quế... vào trồng thay thế các loại cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả trên đất dốc, từng bước mang lại thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.


Clip: Nông dân xã Nấm Lư, huyện Mường Khương (Lào Cai) thu hoạch chè. 

Đổi thay ở xã vùng cao Nấm Lư

Trở lại Nấm Lư những ngày cuối tháng 5 trong cái nắng hè oi ả, tiếng ve ngân vang khắp cả núi rừng, chúng tôi bất ngờ trước sự đổi thay của mảnh đất nơi đây, những nương ngô, đất trống trơ trọi trước đây đã không còn nữa. Thay vào đó, chính là những nương chè, chuối xanh bạt ngàn đầy sức sống trên các triền đồi.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã vùng cao Lào Cai- Ảnh 1.

Bà con vùng cao xã Nấm Lư (Mường Khương, Lào Cai) thu hái chè búp tươi. Ảnh: Mùa Xuân.

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hoá, huyện Mường Khương đã cụ thể hoá Nghị quyết bằng nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. 

Trong đó, xã Nấm Lư cũng như các xã khác đã và đang lựa chọn cây chè, chuối... là cây trồng chủ lực để thay thế các loại cây kém hiệu quả.

Để làm được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu tiên phong đi làm trước, xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp để bà con học tập và làm theo. 

Cùng với đó, xã Nấm Lư phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã vùng cao Lào Cai- Ảnh 2.

Những búp chè non tươi xanh ở vùng cao Nấm Lư. Ảnh: Mùa Xuân.

Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể xã, cán bộ khuyến nông xuống các thôn trực tiếp hướng dẫn bà con nhân dân cách trồng trọt, chăn nuôi, đưa các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đến nay, xã Nấm Lư có hơn 400 ha chè Shan tuyết, trong đó, khoảng hơn 100 ha đã cho thu hoạch; 25 ha chuối…. 

Trong chăn nuôi, xã Nấm Lư tích cực tuyên truyền cho bà cho chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá, với gần 870 con trâu, bò; hơn 1.300 con lợn và hàng nghìn con gia cầm các loại.

Cùng cán bộ khuyến nông xã Nấm Lư đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế của xã, đi đến đâu cũng thấy màu xanh ngát của cây chè. Những búp chè xanh non đang còn đọng sương trên kẽ lá được đôi bàn tay khéo léo của người dân vùng cao thu hái về.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã vùng cao Lào Cai- Ảnh 3.

Cán bộ khuyến nông xã Nấm Lư, huyện Mường Khương (Lào Cai) hướng dẫn người dân cách thu hái chè. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Lèng Thị Hiền, thôn Lùng Húi, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đang bận rộn thu hái chè chính vụ, chị Hiền chia sẻ: Năm 2018, gia đình tôi đã lựa chọn cây chè Shan để trồng với diện tích hơn 1 ha. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ giống, cán bộ xã, huyện hướng dẫn trồng, chăm sóc nên cây chè sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện nay, chè đang vào vụ thu hoạch, nếu chăm sóc tốt, mỗi lần hái sẽ thu được 1 tấn chè búp tươi, dự kiến vụ năm nay, gia đình tôi sẽ thu được khoảng 5 - 6 tấn.

Còn chị Phạm Thị Đưa, thôn Ngam Lâm, xã Nấm Lư (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) cũng trồng chè được 6 năm, nhờ trồng chè đã giúp gia đình chị Đưa có thu nhập ổn định hơn.

Để có những búp chè tươi năng suất, chất lượng cao, cán bộ khuyến nông viên cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới cải tạo diện tích chè già cỗi thay bằng các giống chè mới cho năng suất cao. Tập trung chuyển giao kỹ thuật đầu tư chăm sóc phòng trừ sâu bệnh thu hái chè theo đúng quy trình kỹ thuật.

Hỗ trợ nông dân Nấm Lư phát triển sản xuất

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc HTX chè Mường Khương (Lào Cai) cho biết: HTX đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để sao chè thu mua của bà con trên địa bàn huyện Mường Khương thành sản phẩm chè khô xuất khẩu sang các nước Trung Đông. Hiện HTX thu mua chè búp tươi của người dân, với giá từ 7,5 - 8 nghìn đồng/kg.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã vùng cao Lào Cai- Ảnh 4.

Để có đầu ra ổn định cho cây chè, các doanh nghiệp, HTX thu đã ký kết thu mua chè búp tươi cho người dân. Ảnh: Mùa Xuân.

Nấm Lư là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Mường Khương. Xã hiện có 9 thôn, hơn 730 hộ dân, gồm dân tộc Mông, Tày, Nùng, Phù Lá, Tu Dí cùng sinh sống. Xác định nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xã Nấm Lư đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Lù Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai thông tin: Hiện cây chè đang được xem là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở xã.

Cùng với việc thu hái chăm sóc các nương chè, xã đang vận động các hộ nông dân ở vùng trồng chè đầu tư mở rộng diện tích, chú trọng sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn sạch, an toàn góp phần phát triển thương hiệu chè của huyện Mường Khương.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã vùng cao Lào Cai- Ảnh 5.

Những cây chè đang dần phủ xanh trên xã vùng cao Nấm Lư (Mường Khương, Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Lù Văn Tiến, trong năm nay, xã cũng đang được tỉnh Lào Cai chuẩn bị đưa vào trồng thử nghiệm giống gừng đen. Đây là một trong những cây trồng hứa hẹn sẽ mang lại năng suất cao, thu nhập ổn định cho bà con.

Việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là một trong những hướng đi đúng và từng bước mamg lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Nấm Lư. Cũng từ việc thay đổi tư duy trong sản xuất, đời sống của bà con vùng cao nơi đây đã và đang được cải thiện. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã Nấm Lư đạt 25,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 41%.

Mùa Xuân