dd/mm/yyyy

HTX hiến kế nâng tầm nông sản Sơn La

Các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có những kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ, nâng cao chất lượng nông sản... tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản".

Xây dựng vùng nguyên liệu chè theo hướng công nghệ cao

Tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản", bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Bình Thuận (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cho biết, HTX Bình Thuận được thành lập từ năm 2013 đến nay đã có 25 thành viên và khoảng 35 lao động thời vụ. 

HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu bao tiêu chè búp tươi cho bà con và sản xuất chế biến chè khô. Năm 2018 HTX đã được UBND huyện Thuận Châu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Phổng Lái - Thuận Châu".

Để giữ và phát triển thương hiệu chè Phổng Lái Thuận Châu, năm 2023, HTX tiếp tục được UBND huyện Thuận Châu gia hạn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Phổng Lái - Thuận Châu". Năm 2021, 2022 sản phẩm đều đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; năm 2023 đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

HTX đóng góp để nâng tầm nông sản Sơn La - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La phát biểu tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản". Ảnh: PV Tây Bắc.

Tuy nhiên, theo bà Bình, HTX Bình Thuận vẫn gặp không ít khó khăn do trình độ quản lý điều hành của hội đồng quản trị chưa qua đào tạo nên còn nhiều khó khăn trong quản lý và điều hành hoạt động. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quy mô của HTX còn nhỏ; liên doanh, liên kết xúc tiến thương mại với các đối tác còn nhiều khó khăn. Tuy cây chè đã quen thuộc với vùng đất Thuận Châu nhưng một số bà con vẫn phun thuốc bảo vệ thực vật chưa đủ thời gian cách ly nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Từ thực tế đó, bà Bình kiến nghị, trong thời gian tới các cấp các ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thu mua chè búp tươi để tránh tình trạng tranh mua tranh bán làm giảm chất lượng sản phẩm chè, ảnh hưởng uy tín thương hiệu chè Phổng Lái Thuận Châu. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện thường xuyên thanh kiểm tra cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, thuốc trừ cỏ kinh doanh, cung ứng các loại không có tên trong danh mục Bộ NNPTNT ban hành.

HTX đóng góp để nâng tầm nông sản Sơn La - Ảnh 2.

Vùng nguyên liệu chè của HTX Bình Thuận. Ảnh: PV Tây Bắc.

Để chất lượng sản phẩm chè đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu việc ứng dụng mạnh hơn khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến; gắn với hoàn thiện mối quan hệ phân phối lợi ích để phát triển sản xuất, chế biến chè  việc ứng dụng công nghệ cao để có vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững thì các cấp các ngành cùng với các doanh nghiệp, các HTX quyết tâm thực hiện để có được vùng nguyên liệu theo hướng công nghệ cao.

Mong muốn quan tâm hơn nữa đến ngành sản xuất nông nghiệp

Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Tiến (xã Sập Vặt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cho biết, HTX được thành lập từ năm 2017, đến nay HTX có 27 thành viên, với tổng diện tích đất nông nghiệp là 40 ha, trong đó xoài tròn có 20 ha sản lượng năm 2023 đạt 100 tấn với giá bán trung bình 20.000/kg; xoài tượng da xanh có 10 ha, sản lượng 100 tấn với giá bán trung bình 5.000/kg; chuối tây là 10 ha, sản lượng khoảng 100 tấn, giá bán trung bình từ 3000 – 5000/kg.

Với tiêu chí đề ra ban đầu "tập trung bảo tồn, duy trì sản phẩm xoài tròn địa phương được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc", trong những năm qua, HTX  đã tập trung cải tạo những vườn xoài cổ, sử dụng mắt ghép từ cây đầu dòng để ghép cải tạo, áp dụng quy trình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, sử dụng túi bao trái qua đó từng bước nâng cao chất lượng quả xoài tròn để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao.

HTX đóng góp để nâng tầm nông sản Sơn La - Ảnh 3.

Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Tiến mong muốn UBND tỉnh, Sở NNPTNT tỉnh, Hội Nông dân tỉnh cùng các sở ban ngành của tỉnh, huyện cần quan tâm hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV Tây Bắc.

Là một người nông dân sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, mặc dù thị trường nông sản bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19, thời tiết biến đổi khó lường, tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng trong khi giá cả thị trường xuống thấp, giá vật tư, phân bón thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng cao dẫn đến nguồn thu nhập của người nông dân bấp bênh, đời sống người sản xuất nông nghiệp gặp vô vàn khó khăn. 

Trong giai đoạn khó khăn đó, bản thân cùng HTX và nông dân trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể, tạo điều kiện để người nông dân an tâm sản xuất. Tuy nhiên, trong những năm qua, do ảnh hưởng biến động của thị trường, ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch Covid-19, người nông dân và HTX gặp muôn vàn khó khăn. Sản phẩm sản xuất ra nhưng chưa có đầu ra ổn định, hay bị tư thương ép giá. 

Các nhà xuất khẩu chưa đến đặt hàng với nông dân ngay từ đầu vụ để yêu cầu người nông dân sản xuất theo đúng yêu cầu, khi đến vụ mới thu mua dẫn đến nhiều sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn. Chưa có quy trình chế biến sâu, quy trình bảo quản sau thu hoạch để hướng dẫn người nông dân chế biến bảo quản nông sản sau thu hoạch.

HTX đóng góp để nâng tầm nông sản Sơn La - Ảnh 4.

HTX được thành lập từ năm 2017, đến nay HTX có 27 thành viên, với tổng diện tích đất nông nghiệp là 40 ha. Ảnh: PV Tây Bắc.

Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Tiến mong muốn UBND tỉnh, Sở NNPTNT tỉnh, Hội Nông dân tỉnh cùng các sở ban ngành của tỉnh, huyện cần quan tâm hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp, tập trung rà soát lại và cảnh báo cho người dân biết sớm về nhu cầu thị trường, giá cả để tránh việc phát triển ồ ạt, khó kiểm soát tạo ra hiện tượng cung quá cầu. 

Cần có hướng đi bền vững cho thương hiệu dâu tây Sơn La

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết, dâu tây là 1 trong những giống cây mới được đưa về trồng tại huyện Mai Sơn từ những năm 2015 – 2016. Những năm mới trồng diện tích còn nhỏ, hiện nay trên địa bàn huyện Mai Sơn diện trồng dâu tây năm 2022 – 2023 là 326ha; dự kiến đến năm 2023 - 2024 diện tích tự phát tăng từ 326ha lên khoảng 900ha so với vụ mùa năm 2022 - 2023. 

HTX đóng góp để nâng tầm nông sản Sơn La - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế phát biểu tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản". Ảnh: PV Tây Bắc.

Với sự gia tăng diện tích ồ ạt không kiểm soát như vậy sẽ là mối đe doạ đến các HTX sản xuất tiên phong như HTX dâu tây Xuân Quế. Về chất lượng đầu ra không đảm bảo sẽ làm giảm độ uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu, làm mất niềm tin với người tiêu dùng cho quả dâu tây Sơn La trên thị trường cả nước.

Bên cạnh đó, nỗi lo cho các HTX đang sản xuất theo quy trình VietGAP, có thương hiệu nhưng lại bị đánh đồng cùng với những sản phẩm kém chất lượng. Giá dâu vụ mùa 2022 – 2023 trượt giá thấp kỉ lục so với những năm trước.

Để tháo gỡ những khó khăn đó, ông Nam đưa ra các giải pháp như: Quy hoạch vùng trồng; Tạo QR code, check nguồn gốc xuất xứ; xây dựng thương hiệu và kiểm soát chất lượng đầu ra sản phẩm và bình ổn giá cả cho người dân.

HTX đóng góp để nâng tầm nông sản Sơn La - Ảnh 6.

Theo ông Nam, nỗi lo cho các HTX đang sản xuất theo quy trình VietGAP, có thương hiệu nhưng lại bị đánh đồng cùng với những sản phẩm kém chất lượng. Ảnh: PV Tây Bắc.

Theo ông Nam, với diện tích dự kiến tăng lên 900ha thì sản lượng dâu tây tươi năm 2023 – 2024 trên 10.000 tấn và dồn vào thời gian rộ vào tháng 2/2024. Sản lượng dự kiến bán tươi khoảng 5000 tấn, sản lượng dư thừa 5000 tấn. Đối với 1 lượng dâu tươi dư thừa lớn như vậy, đề nghị các cấp, chính quyền có hướng hỗ trợ người nông cũng như các HTX đang sản xuất dâu tây để giải quyết được vấn đề tồn dư khi mùa vụ bước vào thu hoạch rộ như: xúc tiến thương mại; hợp tác sơ chế và chế biến thành phẩm...

Hoài Linh