Clip: Hội Nông dân Sơn La phát động chiến dịch truyền thông về trồng rừng và phục hồi rừng tại Mộc Châu
Phát động chiến dịch truyền thông về trồng rừng và phục hồi rừng tại Mộc Châu
Tham dự Lễ phát động chiến dịch truyền thông về trồng rừng và phục hồi rừng, giảm nhẹ khí nhà kính/các-bon và tài chính cho trồng rừng năm 2024 tại huyện Mộc Châu có ông Nguyễn Huy Anh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, đại diện sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm Lâm, Quỹ Phát triển rừng, lãnh đạo UBND huyện Mộc Châu, Hội Nông dân huyện Mộc Châu, UBND xã Chiềng Hắc, Đông Sang, Mường Sang và nhiều hội viên, nông dân trong huyện Mộc Châu.
Phát biểu Khai mạc chương trình, ông Nguyễn Huy Anh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La khẳng định: “Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 08/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; hưởng ứng chiến dịch truyền thông về trồng rừng, phục hồi rừng, giảm nhẹ khí nhà kính”.
Tại Lễ phát động chiến dịch truyền thông về trồng rừng và phục hồi rừng, giảm nhẹ khí nhà kính, các-bon năm 2024, Ban quản lý chương trình hỗ trợ rừng và trang trại thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ cho huyện Vân Hồ và huyện Mộc Châu 1.000 cây giống lê xanh, nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả gắn với phát triển cảnh quan du lịch của địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: “Thực hiện chương trình phát động trồng 1 tỷ cây xanh, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân dân tỉnh, huyện Mộc Châu đã huy động nhân dân trồng cây, gây rừng. Trong đợt này, chúng tôi phát động với hai mục đích chính, thứ nhất là phủ xanh đất trống đồi trọc, thứ hai là để tạo thu nhập cho bà con. Đồng thời, chúng tôi cũng tận dụng việc gắn kết giữa phát triển nông nghiệp và du lịch”.
Lễ phát động năm 2024 được thực hiện với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của rừng; đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia trồng rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Ngay sau Lễ phát động, có 600 cây giống lê xanh đã được trồng thực địa tại bản Tà Số. Tham gia buổi phát động, chị Vàng Thị Páng (người dân bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) phấn khởi: “Hôm nay, tôi và gia đình, anh em trong bản đều đi tham gia lễ trồng cây. Tôi rất vui khi thấy bản trồng thêm được nhiều cây giống mới. Bản du lịch chúng tôi lại có thêm địa điểm để du khách đến tham quan, trải nghiệm.”
Cũng tham gia buổi lễ, ông Mùa A Cho, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Hang Táu, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: Người dân Khu du lịch Hang Táu chúng tôi gắn liền với rừng, với đá từ bao năm nay rồi. Dù làm du lịch, chúng tôi vẫn luôn muốn giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất này. Nay nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, phủ thêm màu xanh trên đất đá, chúng tôi rất vui mừng và sẵn sàng tham gia ủng hộ công tác trồng rừng, phục hồi rừng.
Nỗ lực trồng rừng và phục hồi rừng tại huyện Mộc Châu
Trong những năm qua, diện tích rừng trên thế giới và Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Việc khai thác rừng bừa bãi, cháy rừng, biến đổi khí hậu... đã tác động tiêu cực đến môi trường, gây ra nhiều hậu quả nặng nề như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất...
Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 08/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao độ che phủ rừng của vùng lên 45% - 47%".
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La đề ra kế hoạch về phát triển rừng, trồng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái mang đậm sắc bản địa, trồng cây ăn quả tạo cảnh quan phát triển du lịch, và hiệu quả kinh tế. Đồng thời thực hiện mục tiêu trồng mới diện tích rừng gỗ lớn; đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện có.
Thông qua Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II (FFF II) trên địa bàn tỉnh Sơn La, đã xây dựng nhiều mô hình sinh kế phát triển rừng và cảnh quan rừng thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai; thành lập Tổ hợp tác bảo vệ, quản lý, phát triển rừng bền vững và du lịch cảnh quan rừng tại huyện Vân Hồ, Mộc Châu; các mô hình làm giàu rừng, đa dạng sinh học, nông lâm kết hợp, canh tác hữu cơ cho HTX hội viên nông dân, tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu; xã Chiềng Xuân, xã Tân Xuân huyện Vân Hồ.
Việc trồng cây, trồng rừng có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng. Công tác trồng rừng và phục hồi rừng không chỉ “phủ xanh” cảnh quan du lịch, giảm nhẹ khí nhà kính, các-bon, mà còn mở ra những cơ hội mới về kinh tế cho người dân địa phương…